Xuất khẩu gạo tăng tốc sau dịch, mục tiêu 6,5 triệu tấn có kịp hoàn thành?
Doanh nghiệp tập trung trả đơn hàng sau dịch
Sau khi các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và phía Nam nói chung nới lỏng việc đi lại và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể so với trước đó.
Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, xuất khẩu gạo đạt 281.400 tấn, trị giá gần 148,7 triệu USD, tăng 52,3% về lượng và 50,6% về giá trị.
Lý giải nguyên nhân giúp xuất khẩu gạo Việt Nam bật tăng mạnh trở lại trong nửa đầu tháng 11, chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết ba tháng trước đó, khi các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu gạo của hầu hết doanh nghiệp bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, khi việc đi lại được nới lỏng, các doanh nghiệp đang tập trung giao những đơn hàng bị ngưng trệ trước đó và hiện các đơn hàng sẽ được "trả" đến hết tháng 12.
Tương tự với Intimex Group, doanh nghiệp từng không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài do khó khăn trong đợt cao điểm về giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam vừa qua, nay đã tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm, khi hiện tại doanh thu đã vượt khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu những đơn hàng đã ký kết trước đó nhưng chưa hoàn tất việc giao hàng do dịch bệnh. Việc này sẽ giúp Intimex sớm hoàn thành mục tiêu năm nay dù có gặp chút khó khăn trong những tháng trước đó", ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ.
Không chỉ tăng tốc thực hiện các hợp đồng đã được thỏa thuận, các doanh nghiệp cũng không "quên" gia tăng lượng hàng xuất khẩu thông qua việc ký kết đơn hàng mới với đối tác.
Điển hình như giữa tháng 11, công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc.
Lô gạo mà công ty Trung An trúng thầu là loại gạo 100% tấm dùng làm nguyên liệu sản xuất bia với giá trúng thầu 449 USD/tấn (giá CIF), quy ra giá FOB đạt 369 USD/tấn, đây là mức giá khá cao so với các thị trường khác.
Mục tiêu 6,5 triệu tấn gạo khó thể hoàn thành?
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy lũy kế đến giữa tháng 11, xuất khẩu gạo Việt Nam mới đạt gần 5,5 triệu tấn, như vậy, còn 1,5 tháng nữa là kết thúc năm, để hoàn thành mục tiêu 6,5 triệu tấn, ngành hàng phải xuất khẩu thêm hơn 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Có, mục tiêu này khó hoàn thành do việc vận chuyển vẫn chưa hết khó khăn khi có nhiều hãng tàu quốc tế vẫn đang thiếu chỗ và container rỗng nên doanh nghiệp chỉ giao hàng được các tuyến gần có phương tiện vận chuyển như Singapore, Philippines, Malaysia…
Cùng với diễn biến giá gạo Việt Nam đang cao hơn các nước nên khả năng khách hàng sẽ ưu tiên nhập hàng các nước giá tốt hơn.
Cụ thể, số liệu của VFA cho biết ngày 29/11 giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 418 USD/tấn trong khi Thái Lan thấp hơn 33 USD, có giá chỉ 385 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan đồng giá 353 USD/tấn. Đây được xem là một bất lợi về cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Thêm nữa là do trước đó, khi cả nước đang chống dịch căng thẳng thì một số hợp đồng lớn đã không ký kết được nên thời gian còn lại của năm hoạt động xuất khẩu sẽ không quá sôi động.
“6,5 triệu tấn thì khó, nhưng ở mức 5,9- 6,2 triệu tấn thì Việt Nam có thể đạt”, Phan Văn Có chia sẻ.
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo.
Ðiển hình là thị trường trọng điểm Trung Quốc với Lệnh 248, 249 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với việc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… sẽ là thách thức nếu doanh nghiệp muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Người phát ngôn của bộ nông nghiệp Philippines xác nhận họ đang quản lý việc cấp Giấy phép nhập khẩu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPSIC) phù hợp với nhu cầu.
"Chúng tôi chỉ nhập khẩu khối lượng cần thiết và hiện tại chúng tôi có đủ nguồn cung, nhờ vụ thu hoạch mùa bội thu", người phát ngôn cho biết.
Có thể thấy, các thay đổi này sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Dù vậy, theo nhận định của VFA, tháng cuối năm sẽ gia tăng mạnh nhất nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường để phục vụ cho tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở một số quốc gia. Cùng với điều kiện các hoạt động sản xuất, logistics đã được khơi thông trở lại thì sự bứt phá của các doanh nghiệp sẽ mang lại hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm 2021.
"Tình hình xuất khẩu chung của toàn ngành năm nay vẫn ổn định. Các doanh nghiệp có đầu ra tốt thì kết quả cuối năm của ngành hàng sẽ vẫn khả quan ở mức 6,2 - 6,5 triệu tấn", ông Nam nhận định.