Thái Lan cạnh tranh với Việt Nam, tham vọng giành lại ngôi á quân xuất khẩu gạo thế giới
Theo S&P Global Platts, năm 2020, Thái Lan xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo chỉ sau Việt Nam, Ấn Độ. Bước vào năm 2021, ngành gạo Thái Lan tăng tốc chạy đua cho mục tiêu giành lại ngôi á quân xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo đó, xuất khẩu gạo tháng 10 của Thái Lan đạt 773 nghìn tấn, tăng 150% so với mức thấp nhất vào tháng 3, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1/2019.
Như vậy, tính đến tháng 10, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp, rút ngắn khoảng cách đến với vị trí xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới vào năm 2021.
Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 4,6 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.
S&P Global Platts cho biết đến nay Ấn Độ vẫn giữ vững vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới mà khó quốc gia nào có thể soán ngôi.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt 16,3 triệu tấn, chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,1 triệu tấn, không biến động nhiều so với cùng kỳ vì chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vào tháng 8, 9 nhưng vẫn cao hơn Thái Lan khoảng 592 nghìn tấn.
Mới đây, một số thông tin cho rằng Philippines, khách hàng lớn nhất của Việt Nam có động thái làm khó doanh nghiệp nhập khẩu thông qua các giấy tờ kiểm dịch thực vật. Điều này có thể là trở ngại cho xuất khẩu của Việt Nam vào tháng 12 sắp tới.
Ngoài ra, giá gạo cạnh tranh chính là yếu giúp ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan trỗi dậy trong nhiều tháng gần đây.
Cụ thể, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đạt 137 USD/tấn, tương đương với giá gạo của Ấn Độ vào tháng 2. Song, trong giai đoạn tháng 7 – 10, giá gạo của Thái Lan giảm mạnh thúc đẩy sản lượng gạo xuất khẩu tăng.
Trong vài tuần trở lại đây, các nhà xuất khẩu Thái Lan đưa ra mức phí bảo hiểm 20-30 USD/tấn đối với gạo trắng nhưng một số khách hàng vẫn sẵn sàng trả mức giá này để thưởng thức loại gạo thơm, ngon của Thái Lan.
Ngoài ra, giá gạo Hom Mali và Pathumthani Fragrant của Thái Lan cũng giảm đáng kể, kích thích nhu cầu nhập khẩu.
Theo đó, Trung Quốc, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan đang trên đà mua. Lũy kế 9 tháng, Trung Quốc nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Ngay cả những thị trường vắng bóng trong danh sách nhà nhập khẩu của Thái Lan như Iraq, Iran cũng quay trở lại nhờ tín hiệu tích cực về giá gạo.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm, Thái Lan xuất khẩu gàn 190 nghìn tấn gạo sang Iraq sau 7 năm gián đoạn.
Nhân duyên giữa Thái Lan và Iraq được nối lại khi Chính phủ Iraq giao trách nhiệm tìm nguồn cung ứng gạo cho công ty Al-Owais, một doanh nghiệp khá cởi mở với các thị trường ngoài châu Mỹ.
Bên cạnh đó, một số thông tin cho rằng Thái Lan sẽ xuất khẩu cho Iran ít nhất 60 nghìn tấn gạo vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Con số này có thể tăng lên gấp đôi tùy theo tình hình tài chính của các nhà nhập khẩu.
Dù vậy, S&P Global Platts đánh giá cho đến thời điểm này, ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan có bước tăng trưởng ngoạn mục nhưng khó có thể leo lên vị trí thứ 2, thay Việt Nam.
S&P Global Platts cảnh báo ngành gạo Thái Lan có thể đối mặt với tình trạng thiếu container dù nước này có giành lại được vị trí á quân hay không.