|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dầu thô đang châm ngòi cho một cú sốc giá lương thực toàn cầu

15:55 | 18/11/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, giá dầu thô tăng quá mạnh đang gián tiếp châm ngòi cho một cú sốc giá lương thực trên toàn cầu.

Mầm mống cho đà tăng giá tiếp theo

Trên toàn cầu, giá cả hàng hóa hiện đang tăng với tốc độ chóng mặt, bằng chứng chỉ số CPI và PPI của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đang chạm mức đỉnh nhiều thập kỷ.

So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI của Mỹ đã leo vọt lên 6,2% trong tháng 10 năm nay, là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1990. Chỉ số CPI tháng gần nhất của EU cũng đang neo quanh mức đỉnh hơn 10 năm.

Còn tại Trung Quốc, chỉ số PPI của tháng 10 tăng 13,5% so với so cùng kỳ năm 2020 và tăng 10,7% so với tháng 7. Đây là tốc độ tăng mạnh nhất trong 26 năm qua, vượt qua dự đoán của giới chuyên gia.

 

Đóng góp đáng kể cho đà tăng của số liệu lạm phát trên thế giới là giá năng lượng và giá thực phẩm. Tính từ đầu năm đến nay, dầu thô - huyết mạch của nền kinh tế thế giới, đã tăng ít nhất 60%. Tại thời điểm 14h ngày 16/11 (theo giờ Việt Nam), dầu Brent chuẩn quốc tế đang giao dịch quanh mức 82,9 USD/thùng.

Cũng tháng 10 vừa qua, chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đạt trung bình 133,2 điểm, tăng so với con số 129,2 điểm của tháng 9 và lập đỉnh mới kể từ tháng 7/2011.

Dầu thô đang châm ngòi cho một cú sốc giá lương thực toàn cầu? - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch cà phê tại một đồn điền tại Brazil. (Ảnh: Bloomberg).

Một điểm đáng lưu ý là dầu thô vốn có liên hệ mật thiết với nhiều sản phẩm nông nghiệp nên các nhà phân tích đang đặt câu hỏi rằng liệu giá dầu thô tăng có phải là một nguyên nhân khiến giá lương thực phi mã.

Tựu chung, lạm phát leo thang không chỉ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, bòn rút túi tiền của người tiêu dùng, mà còn khiến giới chuyên gia lo ngại về những nguy cơ mới như lạm phát đình trệ (stagflation).

Dầu thô gián tiếp khiến giá thực phẩm phi mã

Các thực phẩm như ngũ cốc, thịt cá, trứng sữa,…là hàng hóa (commodities) nên giá thường biến động theo quy luật cung - cầu, tương tự như dầu thô và khí đốt. Các động lực này đã chuyển biến xấu đi dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Gần đây hơn, các nhà phân tích cho biết thêm rằng giá thực phẩm còn chịu thêm tác động của giá năng lượng. Trong một nghiên cứu của Nomura, mối tương quan giữa dầu thô và thực phẩm càng rõ ràng khi giá dầu giao dịch trên ngưỡng 80 USD/thùng.

 

Dầu thô gián tiếp tác động đến giá thực phẩm theo hai hướng. Thứ nhất, cước vận tải hàng hóa (bao gồm lương thực, thực phẩm) vốn rất nhạy cảm với giá nhiên liệu. Một khi giá xăng tăng lên, chi phí vận chuyển ắt phải tăng theo. Các nhà cung ứng thực phẩm chỉ có thể tự hấp thụ phí tổn, hoặc đẩy sang người tiêu dùng.

Thứ hai, phân bón là sản phẩm phụ của dầu thô hoặc khí đốt. Đồng thời, phân bón lại là một trong những chi phí lớn nhất để sản xuất lương thực, từ cây cà phê ở Việt Nam đến vườn ngô ở Mỹ. Nếu giá dầu thô nhảy vọt, chắc chắn giá phân bón, chi phí sản xuất nông nghiệp và cuối cùng là giá thành phẩm đều tăng.

Tương tự với phí vận tải, chi phí tăng thêm trong quá trình canh tác nông nghiệp cũng thường sẽ được đẩy sang người tiêu dùng, đối tượng nằm cuối chuỗi cung ứng, dưới dạng giá bán lẻ. Từ đó, lạm phát giá thực phẩm sẽ đi lên như một hệ quả tất yếu.

Dầu thô đang châm ngòi cho một cú sốc giá lương thực toàn cầu? - Ảnh 3.

Nông dân trồng lúa tại Việt Nam đang lo lắng cho vụ mùa mới vì giá phân bón quá cao. (Ảnh minh họa: Dân trí).

Thực tế, giá phân bón đã lập đỉnh mới vào đầu tháng 11. Cụ thể, trong phiên 8/11, chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ trên sàn Green Markets đã tăng hơn 4,4% lên hơn 1.094 USD/tấn. Giá ure tại New Orleans (Mỹ) tăng 8,3% lên 892 USD/tấn sau khi CF Industries, hãng sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài.

Dầu thô đang châm ngòi cho một cú sốc giá lương thực toàn cầu - Ảnh 5.

 

Ngoài ra, khi giá dầu thô đi lên, nhu cầu nhiên liệu sinh học - một loại năng lượng sạch có thể thay thế các sản phẩm dầu mỏ trong động cơ đốt trong, cũng sẽ lớn hơn. Song, nhiên liệu sinh học thường làm từ ngô, nên giá của loại ngũ cốc này cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Bank of America dự đoán, giá dầu Brent có thể đạt 120 USD/thùng vào cuối tháng 6 năm sau, còn Goldman Sachs kỳ vọng giá dầu trong ba tháng tới có thể leo lên mức 90 USD/thùng và trong nửa năm sẽ lùi về quanh mức 80 USD/thùng.

Nếu các dự báo trên là đúng, người tiêu dùng, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp, sẽ chịu nhiều thiệt hại nặng nề vì giá thực phẩm chưa thể ngừng tăng.

Để tránh xảy ra bất ổn xã hội và các hệ lụy kinh tế khác, giới phân tích kỳ vọng chính phủ các nước sẽ ban hành những biện pháp kiểm soát giá cũng như bảo hộ thương mại, đồng thời chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn.

Khả Nhân