|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Washington cấm vận Huawei, ngành công nghệ Mỹ sợ mất khách

11:19 | 13/06/2020
Chia sẻ
Khi Washington liệt Huawei vào danh sác đen hồi tháng 5/2019, nhà cung ứng của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tại Mỹ đã mất hàng tỉ USD doanh thu. Đến nay, động thái mới nhất của chính quyền ông Trump có nguy cơ gây ra thiệt hại lớn hơn cho ngành công nghệ Mỹ khi đẩy chuỗi cung ứng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ra xa nhau hơn.
Washington cấm vận Huawei, ngành công nghệ Mỹ sợ mất khách - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nikkei Asian Review/Reuters

Thế khó của các công ty công nghệ: Mua hàng mà không được quyết định cách sử dụng

Để gia tăng nỗ lực cấm vận Huawei trước lo ngại về an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 năm nay tuyên bố sẽ yêu cầu bất kì công ty nào sử dụng công nghệ Mỹ để cung ứng cho Huawei hoặc các công ty con của Huawei phải nộp đơn xin giấy phép.

Các công ty công nghệ Mỹ lo sợ bước đi đó sẽ không chỉ khiến họ để mất Huawei mà cả mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp khác.

"Từ giờ, kiếm được khách hàng mới ở Trung Quốc, hoặc thậm chí ở châu Á, có thể sẽ khó khăn hơn nhiều vì các khách hàng tiềm năng sẽ cân nhắc kĩ lưỡng trước khi mua thiết bị hoặc công nghệ Mỹ như của chúng tôi", Nikkei Asian Review dẫn lời giám đốc tại một công sản xuất chất bán dẫn ở California cho hay.

Theo một báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting (có trụ sở tại Bắc Kinh) thực hiện, công ty giấu tên nêu trên và nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác có mối liên hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc chiếm hơn 60% mức tiêu thụ chất bán dẫn trên toàn cầu.

Mặc dù công ty chất bán dẫn có trụ sở tại California này không trực tiếp cung ứng sản phẩm cho Huawei hay các công ty con của họ, "nhiều công ty công nghệ Trung Quốc mua hàng từ chúng tôi và họ có quan hệ làm ăn với Huawei", vị giám đốc trên nói.

"Không có cách nào biết được liệu chất bán dẫn mà chúng tôi bán cho một công ty khác cuối cùng có trở thành một phần trong sản phẩm của Huawei hay không", người này nhấn mạnh.

Lệnh hạn chế mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 9 năm nay, qui định rằng các công ty phải có giấy phép đặc biệt nếu họ "biết" công nghệ của mình đang được sử dụng để thiết kế hoặc sản xuất các sản phẩm dành cho Huawei hoặc công ty con của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

"Ở thời điểm hiện tại còn khá nhiều điểm chưa rõ", ông Brad Gastwirth - chiến lược gia cấp cao tại Wedbush Securities, nhận định. "Chẳng hạn, không rõ các công ty Mỹ có thể bán sản phẩm cho một khách hàng tiềm năng có khả năng dùng thiết bị đó cho Huawei hay không".

Không dừng lại ở đó, vì các công ty không có trụ sở tại Mỹ cũng phải xin cấp giấy phép nếu sử dụng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ để cung ứng cho Huawei, giới quan sát lo ngại rằng những công ty này cũng có thể từ bỏ các hãng công nghệ Mỹ để tránh sự bất ổn xoay quanh qui định mới và thủ tục giấy tờ nhiêu khê.

"Với tôi, thật điên rồ khi bảo ai đó họ có thể làm gì và không thể làm gì với món hàng mà họ mua trước đây", ông Gastwirth nói.

Giữa lúc các công ty công nghệ Mỹ đang lo mất khách hàng nước ngoài do lệnh hạn chế mới, ông Gastwirth nói thêm rằng "phía doanh nghiệp Mỹ đang tích cực vận động hành lang tại thủ đô Washington D.C".

Tách rời chuỗi cung ứng là một xu thế

Đáng lo ngại hơn, chiến thuật mới nhất của Mỹ được dự đoán sẽ đẩy nhanh quá trình "tách rời" chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bắt đầu từ căng thẳng thương mại hồi năm ngoái và tăng tốc chóng mặt trong đại dịch COVID-19.

"Tôi nghĩ cuộc tranh chấp xoay quanh Huawei sẽ làm gia tăng căng thẳng song phương và nhiều khả năng thúc đẩy Mỹ - Trung phân tách chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Timothy Heath - nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách RAND Corporation, nêu nhận định.

Khi đại dịch phơi bày sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, Washington đã kêu gọi doanh nghiệp mang chuỗi cung ứng về quê nhà hoặc đến địa điểm sản xuất khác.

Theo Nikkei, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất nhiều dự luật kích thích nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại ở lĩnh vực chất bán dẫn và tăng cường tính độc lập của chuỗi cung ứng.

Đề xuất mới nhất là dự luật CHIPS Act do lưỡng đảng cùng công bố hôm 10/6 vừa qua. Dự luật này sẽ phân bổ 10 tỉ USD ngân sách liên bang để tài trợ cho hoạt động sản xuất chip và 12 tỉ USD để nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Ngoài ra, dự luật CHIPS Act còn được cho là sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm thu nhập cao cũng như đảm bảo thế hệ chất bán dẫn mới đều được sản xuất ở Mỹ thay vì Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang đẩy nhanh các cải cách chuỗi cung ứng, chủ yếu thông qua chiến lược "Made in China 2025" nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

"Dù không may nhưng tách rời chuỗi cung ứng là một xu thế mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang theo đuổi", ông Heath cho hay.

Nikkei nhận định, một chuỗi cung ứng bị phân tán là tin đặc biệt xấu đối với ngành bán dẫn Mỹ vì ngành này vốn phụ thuộc vào thị trường toàn cầu.

Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, chất bán dẫn là sản phẩm xuất khẩu giá trị thứ 4 của Mỹ trong năm 2018, chỉ sau máy bay, dầu tinh chế và dầu thô.

Trung Quốc hiện chiếm hơn 60% mức tiêu thụ chất bán dẫn trên toàn cầu cho nên ngành bán dẫn của Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường 5G của Trung Quốc cho mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt là khi thị trường này đang phát triển hết sức nhanh chóng.

Trong phiên họp quốc hội thường niên hồi cuối tháng 5, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch đầu tư 1.400 tỉ USD từ nay cho đến năm 2025 để xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G và dự kiến sẽ có hơn 600.000 trạm gốc 5G được lắp đặt vào cuối năm 2020.

Qui mô của gói đầu tư nghìn tỉ USD nêu trên cũng như thị trường 5G tại đất nước tỉ dân đều lớn nhất thế giới, từ đó giúp Trung Quốc trở thành nguồn tăng trưởng quan trọng cho các hãng sản xuất chất bán dẫn cùng các ngành công nghiệp liên quan.

Ngành bán dẫn Mỹ thiệt hại thêm và vụt mất cơ hội vào tay đối thủ Hàn Quốc

Qualcomm, Broadcom, Intel, Micron Technology và một số nhà cung ứng lớn khác của Huawei liên tục khẳng định việc triển khai mạng 5G cùng đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G tại Trung Quốc có lợi cho triển vọng kinh doanh của họ trong năm 2020.

Sau khi thiệt hại hàng tỉ USD vào năm 2019 do tác động của lệnh cấm mà Washington áp lên Huawei, các công ty công nghệ rất hoan nghênh những tin tốt như trên. Tuy nhiên, năm 2020 lại không rực rỡ như các hãng chế tạo chip Mỹ kì vọng.

Theo báo cáo tháng 3 của Boston Global Consulting, căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường đe dọa trực tiếp đến "doanh thu ước tính 49 tỉ USD mà ngành bán dẫn Mỹ có được từ thị trường Trung Quốc" khi các công ty Mỹ không thể tiếp cận thị trường 5G của đất nước tỉ dân.

Con số 49 tỉ USD này không bao gồm tổn thất kinh doanh từ bên ngoài Trung Quốc. Nếu các công ty ở nơi khác cũng chọn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển sang mua sản phẩm của các nhà cung cấp không phải Mỹ nhằm né tránh lệnh hạn chế của Washington, thiệt hại có thể còn lớn hơn.

Trong khi các công ty Mỹ đang tính toán thiệt hại tiềm tàng thì một số đối thủ Hàn Quốc như Samsung lại đang cố gắng nắm bắt cơ hội ở Trung Quốc. Về lâu dài, hai siêu cường càng tách rời nhau thì ngành bán dẫn của Mỹ có thể rớt đài khỏi vị trí số một hiện có.

Khả Nhân