Hàng nghìn tỉ USD cũng khó giúp Trung Quốc giành ngôi vương công nghệ thế giới
Chính phủ Trung Quốc lại đang muốn chi tiêu ngân sách khủng. Lần này, Bắc Kinh sẽ rót hàng nghìn tỉ nhân dân tệ kích thích tài khóa cho lĩnh vực công nghệ.
Kế hoạch táo bạo nhưng mơ hồ: Trung Quốc muốn đưa lĩnh vực công nghệ vào chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm, đồng thời kéo nền kinh tế nước nhà ra khỏi vũng lầy mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, liệu kế hoạch mới có thể giúp Trung Quốc thống trị phần nào lĩnh vực công nghệ, tạo thêm việc làm hoặc thúc đẩy các công ty mà chính phủ chiếu cố hay không? Con số hàng nghìn tỉ nhân dân tệ trên gần như không gợi ra đáp án nào.
Trung Quốc đã bắt đầu phủ sóng mạng 5G từ cuối năm ngoái, bước đi này góp phần tạo nên một xã hội am hiểu công nghệ ngay tại đất nước tỉ dân. Vì thế, không rõ mục tiêu của gói kích thích tài khóa mới là nhằm đẩy nhanh công cuộc đổi mới ngành công nghiệp hay thậm chí là tăng năng suất lao động tại Trung Quốc.
Trong vài năm tới, Bắc Kinh có kế hoạch bơm hơn 2.500 tỉ nhân dân tệ (tương đương 352 tỉ USD) để xây dựng hơn 550.000 trạm gốc (một công trình quan trọng cho cơ sở hạ tầng mạng 5G) và 500 tỉ nhân dân tệ khác vào các dự án điện cao thế.
Theo Bloomberg, chính quyền địa phương cũng có ý tưởng tương tự, chẳng hạn như xây dựng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Tỉnh Giang Tô đang nghiên cứu tăng tốc kết nối mạng cho dịch vụ chăm sóc y tế thông minh, vận tải thông minh cùng nhiều công nghệ mới khác. Chỉ riêng Kế hoạch Hành động của thành phố Thượng Hải dự kiện đã đạt 270 tỉ nhân dân tệ.
Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ đầu tư tổng cộng khoảng 1.400 tỉ USD. Theo một báo cáo công bố vào đầu phiên họp quốc hội hôm 22/5, chính quyền Bắc Kinh có kế hoạch ưu tiên "các sáng kiến cơ sở hạ tầng và đô thị hóa mới" nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs từng cho biết các dự án cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc có thể tiêu tốn tổng cộng 2.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 281 tỉ USD) trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm 2021.
Bắc Kinh sẽ xoay xở tiền tài trợ thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cũng như nhờ sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn. Ví dụ, chính quyền thành phố Thượng Hải dự kiến lấy 40% ngân sách cần thiết từ thị trường vốn và phần còn lại từ các quĩ của chính quyền trung ương và từ các khoản vay đặc biệt.
Bắc Kinh đã thiết lập hàng nghìn quĩ đầu tư trong nhiều ngành công nghiệp kể từ năm 2018 và một số mục tiêu đã được đề ra trong các kế hoạch trước đó. Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tuyên truyền gói kích thích tài khóa nghìn tỉ USD như một dự án cơ sở hạ tầng mới.
Xây dựng các công trình qui mô lớn là phương án thay thế đã chứng minh được tính hiệu quả tại Trung Quốc. Phương án này từng được áp dụng cho mạng lưới đường bộ và đường sắt quốc gia cũng như cho chính sách quyền lực mềm quan trọng nhất của Bắc Kinh - Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tại sao kế hoạch nghìn tỉ của Bắc Kinh sẽ bất thành?
Bloomberg nhận định dường như kế hoạch đầu tư khủng nói trên sẽ không mang lại nhiều hiệu quả cho lĩnh vực công nghệ. Trên thực tế, các dự án được chính quyền trung ương phê duyệt chỉ chiếm khoảng 10% chi tiêu cơ sở hạ tầng và 3% tổng vốn đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc.
Kế hoạch nghìn tỉ USD mới công bố thiếu trọng tâm cũng như cơ sở chuyên môn cho thấy đường đi nước bước mà Bắc Kinh sẽ vận dụng nhằm soán ngôi vương công nghệ thế giới.
Hàng nghìn trạm sạc xe điện mới cũng không thể thay đổi thực tế rằng Trung Quốc chưa thể sản xuất được xe điện chất lượng cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở thị trường tỉ dân cũng sẽ không mua xe điện nếu chính phủ không trợ giá.
Khi doanh thu gần như không tăng, các đại gia ngành viễn thông Trung Quốc có vẻ đang miễn cưỡng phân bổ chi tiêu vốn cho kế hoạch phổ biến mạng 5G của chính phủ.
Mức đầu tư để phát triển mạng 5G của China Mobile dự kiến sẽ đạt đỉnh trong ba năm. Tuy nhiên, phát biểu tại buổi công bố lợi nhuận hồi tháng 3, Chủ tịch Yang Jie của China Mobile cho hay chi tiêu vốn sẽ không tăng nhiều mặc dù công ty này đang ở giai đoạn đầu của kế hoạch nói trên.
Trong khi giới phân tích dự đoán chi tiêu vốn cho mạng 5G của China Mobile sẽ tăng hơn 20%, mức tăng trên thực tế chỉ là 8,4%.
Trung Quốc đang tham vọng triển khai nhiều dự án công nghệ từ phát triển mạng không dây cho đến trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đặt nền móng mới cho nền kinh tế đòi hỏi thời gian chứ không chỉ cam kết rót vốn. So với các dự án cơ sở hạ tầng cũ, Bắc Kinh khó có thể sớm thu về lợi nhuận với kế hoạch mới nhất trong lĩnh vực công nghệ.
Các dự án này ít thâm dụng lao động hơn nên tỉ lệ thất nghiệp hậu đại dịch sẽ khó có chuyển biến tích cực và do đó, nhu cầu tiêu dùng nhiều khả năng cũng không thể cải thiện.
Doanh nghiệp nhà nước có thể đạt được lợi nhuận khủng từ doanh số bán xi măng và máy móc cho các dự án xây dựng mới nhưng không thể trực tiếp hái ra tiền từ việc tăng cường kết nối mạng internet.
Chi tiêu ngân sách theo cách cũ sẽ không giúp Bắc Kinh thu về quả ngọt như trong quá khứ. Các ngành công nghiệp như ô tô và vật liệu xây dựng là những đối tượng hưởng trợ cấp và tài trợ của chính phủ. Nhưng thời gian gần đây tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của nhóm này đang giảm dần.
Nhờ không ngừng chi tiêu ngân sách mạnh tay trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã có được hệ thống tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải và một mạng lưới xe lửa cũng như đường bộ rộng lớn.
Tuy nhiên, nhiều khoản nợ vẫn nằm đó và kha khá dự án hiện chưa thể tạo ra lợi nhuận. Doanh nghiệp phải chịu áp lực cơ cấu bảng cân đối kế toán và hạn chế chi tiêu, mỗi nhân dân tệ tín dụng được cấp lại trở nên kém hiệu quả hơn.
Vấn đề chuyên môn cũng rất đáng cân nhắc. Nếu Bắc Kinh muốn thống trị lĩnh vực công nghệ thế giới, họ cần phải đẩy mạnh nghiên cứu hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng các trạm gốc cho mạng 5G.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn chưa thể tháo gỡ vấn đề còn vướng mắc: khả năng đổi mới công nghệ trên qui mô lớn. Chính quyền trung ương vẫn phải hoạch định chính sách và lựa chọn doanh nghiệp nào tham gia nghiên cứu công nghệ.
Hai ví dụ điển hình chính là kế hoạch đổi mới xã hội công bố năm 2006 và kế hoạch "Made in China 2025" năm 2015 nhằm mục đích chuyển đổi các ngành công nghiệp - chế tạo của Trung Quốc. Đến nay, kết quả khá lẫn lộn.
Trung Quốc khó có thể thành công với kế hoạch kích thích tài khóa mới mà họ cho là cần thiết để giải quyết các vấn đề hiện có của nền kinh tế.
Cuối cùng, đất nước tỉ dân sẽ quay về với những thứ họ biết rõ nhất: bất động sản, xe hơi, đường xá và khu công nghiệp, Bloomberg nhận định. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn do ngành xây dựng, bất động sản và chế tạo điều khiển. Nhà đầu tư nên cân nhắc kĩ trước khi chen chân vào kế hoạch mới của Bắc Kinh.