Kỳ vọng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt 28 tỷ USD
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 6/4, trả lời về dự báo thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết kết quả trong quý I rất khá.
Cụ thể, vốn đầu tư mới và điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần đã đạt gần 1 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI thực hiện để đầu tư khoảng 4,96 tỷ USD; tăng 72% so với cùng kỳ tập trung công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm khoảng gần 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ).

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Theo Thứ trưởng, mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 35-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD. Tuy vậy, sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn này trong những tháng cuối năm.
Thứ nhất, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Thứ hai, chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.
Vì vậy, Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài.
"Với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp", Thứ trưởng tin tưởng.
Trước đó, kết quả Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý I của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, các doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam. Theo đó, 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư – thể hiện cam kết dài hạn của họ.
Còn tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, thuế đối ứng có thể gây ra rất là khó khăn cho việc duy trì các hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.
Tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng sang các quốc gia không có hoặc là mức thuế đối ứng thấp hơn, dẫn đến số giảm nghiêm trọng khối lượng và kinh ngạch xuất khẩu tại thị trường trọng điểm này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể phải đối mặt các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận chuyển cao khi do thuế suất tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn lớn trong việc duy trì sản xuất và xuất khẩu gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động.
Tuy vậy, theo ông Hưng, chênh lệch thuế tạm thời có thể là không đảm bảo bù cho các chi phí phát sinh nếu mà chuyển sang một quốc gia khác.
"Các tổ chức mà Thương vụ tham vấn như là Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Dệt may và Giày dép Mỹ, Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giầy dép tại Mỹ, Hiệp hội về Hàng Máy Mặt tại Mỹ cho biết các doanh nghiệp thành viên cam kết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam nhưng sẽ quan sát chặt chẽ các động thái về chính sách", ông Hưng nêu rõ.