|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp

15:09 | 12/05/2020
Chia sẻ
Tác động kinh tế từ COVID-19 khiến cho hàng chục triệu người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Các thành quả việc làm mà Trung Quốc gầy dựng trong suốt hàng chục năm trời đang có nguy cơ bị xóa sạch.

Trong vài năm qua, thị trường lao động của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng của việc làm trong ngành dịch vụ. Các công nhân nhà máy bị sa thải có thể trở thành lái xe giao hàng hoặc nhân viên bán hàng.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã phá vỡ vòng tuần hoàn này, làm thổi bùng lên nỗi lo của chính phủ về tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp  - Ảnh 1.

Một người đàn ông tự quảng cáo mình là thợ sửa chữa trên một con đường ở Vũ Hán. Ảnh: SCMP

Trên khắp Trung Quốc, quang cảnh các cửa hàng đóng cửa cài then hay các nhà hàng nổi tiếng gần đại học thưa thớt thực khách do sinh viên chưa quay trở lại đã dần trở nên quen thuộc.

Tại một số trung tâm sản xuất, người lao động nhập cư vẫn đang chờ cho các nhà máy hoạt động trở lại, vì thời hạn đóng cửa đã bị kéo dài do nhu cầu toàn cầu sụt giảm.

Dù Trung Quốc đã khởi động lại các cỗ máy kinh tế từ giữa tháng 3 sau hàng tháng trời phong tỏa, rất nhiều lĩnh vực vẫn đang phải vật lộn để phục hồi.

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp  - Ảnh 2.

Trước đây, những công nhân bị sa thải có thể dễ dàng trở thành shipper giao đồ ăn. Ảnh: Reuters

Lần đầu tiên trong suốt nhiều thập kỉ, thị trường lao động của Trung Quốc đang phải hứng chịu sức ép từ nhiều phía. Thách thức đối với thị trường lao động càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc ghi nhận quí tăng trưởng âm đầu tiên trong ít nhất 28 năm.

Thị trường lao động suy yếu khiến cho mục tiêu phát triển xã hội của Bắc Kinh - bao gồm tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người trong thế kỉ vào năm 2020 và xóa đói giảm nghèo - đang ngày càng xa rời khỏi tầm tay.

Hai nhà kinh tế Ouyang Jun và Qin Fang của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô viết trong bài báo đăng tải vào cuối tháng trước: "Do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên đáng kể và tình hình việc làm tiếp tục xấu đi".

"Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiệm vụ khó khăn của chính phủ là ổn định việc làm đã càng trở nên phức tạp và khó quản lí hơn".

Tình trạng thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp  - Ảnh 3.

Việt hóa: Giang.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), tỉ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc đã vẽ ra một bức tranh tương đối tích cực về thị trường việc làm: Từ mức cao kỉ lục 6,2% trong tháng 2, tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 3 đã giảm xuống 5,9%.

Tuy nhiên, các con số này lại không tính đến phần lớn lượng lao động nhập cư, và rất nhiều nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng tình hình việc làm tại Trung Quốc đen tối hơn nhiều so với tuyên bố của chính phủ. 

Báo cáo nghiên cứu của công ty chứng khoán Zhongtai Securities vào cuối tháng 4 chỉ ra tỉ lệ thất nghiệp thực sự là 20,5%; và hơn 70 triệu người bị mất việc.

Ông Liu Chenjie, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lí quĩ Upright Asset ước tính vào cuối tháng 3, đại dịch COVID-19 có thể đã đẩy 205 triệu công nhân Trung Quốc rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời.

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp  - Ảnh 4.

Không hiếm gặp những cửa hàng phải đóng cửa tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Theo dữ liệu chính thức, tổng số việc làm ở thành thị trong tháng 3 đã giảm 6% kể từ đầu năm, tương đương khoảng 26 triệu việc làm bị xóa sổ.

Ông Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của HSBC viết trong lưu ý gần đây: "Con số này trái ngược với mức tăng ròng 8,3 triệu việc làm tại thành thị vào năm 2019. Đây là lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỉ Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm trong số việc làm ở thành thị".

Theo thống kê chính thức, khoảng 18,3% lực lượng lao động củaTrung Quốc đã bị sa thải, cắt giảm lương hoặc nghỉ không lương trong quí I. Người lao động trong những ngành nghề này sẽ tiếp tục phải chịu áp lực nếu tình hình kinh tế tiếp tục yếu.

Trung Quốc đã công bố một gói hỗ trợ phúc lợi khiêm tốn để giúp đỡ một số công dân dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả lao động nhập cư. Nhưng phạm vi của gói cứu trợ này bị giới hạn, và sẽ không thể giúp đỡ được cho toàn bộ lượng lao động đông đảo bị ảnh hưởng bởi COVID-19. 

"Không giống như những nền kinh tế khác, Trung Quốc đại lục không thực hiện kế hoạch bảo vệ tiền lương cho người lao động trên diện rộng như Anh, Singapore hay Hong Kong".

"Các quốc gia và vùng lãnh thổ này đòi hỏi chủ lao động phải duy trì số lượng nhân viên và trả lương cho công nhân. Còn ở Trung Quốc đại lục, hầu hết những người lao động bị tạm cho nghỉ việc không có nguồn thu nhập nào cả".

Phần lớn những người không được chính phủ hỗ trợ bao gồm lao động nhập cư không thể trở lại làm việc do các hạn chế về đi lại, cũng như những người tự kinh doanh. Những người này chiếm đến gần 30% lực lượng lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Khoảng 50 triệu lao động nhập cư ở nông thôn đã không thể quay lại thành phố để làm việc trong quí I, hậu quả của các lệnh phong tỏa và đóng cửa doanh nghiệp.

Trong khi đó, khoảng 149 triệu người tự kinh doanh – từ các chủ quầy hàng rau quả cho đến chủ cửa hàng đồ kim khí – đã phải chấp nhận mức thu nhập giảm trung bình 7,3% trong quí I. Tại các khu vực thành thị, thu nhập của nhóm này còn giảm tới 12,6%.

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp  - Ảnh 5.

Dưới tác động sâu rộng của COVID-19 tới kinh tế Trung Quốc, người lao động nước này ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển từ các công việc trong ngành sản xuất tới các vị trí trong lĩnh vực dịch vụ. Ngành du lịch và khách sạn đều đang phải chịu sức ép lớn. 

Theo khảo sát của Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc, doanh thu du lịch nội địa trong kì nghỉ ngày Quốc tế lao động 1/5 giảm 60% so với năm trước. Doanh thu của các nhà hàng cũng giảm một nửa.

Cũng theo khảo sát này, hơn 1/3 các chủ nhà hàng đã phải đóng cửa một số hoặc tất cả nhà hàng của họ. Khoảng 40% nhà hàng đã phải sa thải nhân viên.

Lao động Trung Quốc lao đao trong khủng hoảng thất nghiệp  - Ảnh 6.

Nhân viên nhà hàng rảnh rỗi do không có khách. Ảnh: Reuters

Ông Yao Wei, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Pháp Societe Generale cảnh báo: "Nếu xuất khẩu không phục hồi trong nửa cuối năm và người tiêu dùng vẫn hạn chế đến nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và các trang web du lịch, tổng số người thất nghiệp có lên cao hơn nhiều, lên đến khoảng 30 triệu người vào cuối năm nay".

Áp lực lên thị trường việc làm tại Trung Quốc ngày càng gia tăng khi năm nay sẽ có khoảng 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm.

Giang