|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc tìm đến đồng minh của Mỹ ở phương Tây nhưng nhận về cái bắt tay lạnh nhạt?

11:10 | 12/06/2020
Chia sẻ
Các nhà phân tích cảnh báo chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Mỹ - Trung đang diễn ra và có thể trở nên tồi tệ hơn khi các nước khác bị kéo vào cuộc xung đột. Bắc Kinh cũng có thể bắt đầu nhắm đến các đồng minh của Mỹ với chiến thuật "ngoại giao chiến lang (chó sói)".

"Cơm không lành, canh không ngọt" với Mỹ

Từ thương chiến đến khẩu chiến về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và nhiều vấn đề khác, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi trong vài năm trở lại đây.

Gần đây nhất, tình hình leo thang sau khi Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép soạn thảo luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong - một đặc khu hành chính có quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ.

Tổng thống Donald Trump nhanh chóng tuyên bố Mỹ sẽ thu hồi qui chế thương mại đặc biệt của Hong Kong. Ông Trump nói: "Hong Kong không còn đủ quyền tự trị để nhận được đặc quyền thương mại của Mỹ kể từ khi thuộc địa cũ của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997".

Quan hệ song phương Mỹ - Trung đã căng thẳng từ năm 2018, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị kéo vào cuộc chiến thương mại kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chỉ tạm hòa hoãn nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một kí vào tháng 1 năm nay.

Mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa hai nước bắt đầu sục sôi trở lại cũng vào đầu năm nay, khi ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Gần đây, căng thẳng lan sang thị trường tài chính. Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật có thể hủy niêm yếu của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động tiền từ nhà đầu tư Mỹ trừ khi họ tuân thủ các qui định kiểm toán và kiểm soát của Washington.

Trung Quốc nhắm đến các đồng minh phương Tây của Mỹ

Theo CNBC, Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật tương đối mới mà một số chuyên gia gọi tên là "ngoại giao chiến lang (chó sói)" để đánh vào những nước được cho là đứng về phía Mỹ.

Bắc Kinh nhắm đến đồng minh phương Tây của Washington nhưng nhận về cái bắt tay lạnh nhạt? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Deposit Photos

Nhà phân tích Christopher Granville từ công ty nghiên cứu TS Lombard gọi sự leo thang gần đây trong căng thẳng Mỹ - Trung là "Chiến tranh lạnh 2.0". Ông Granville cho hay các đồng minh của Mỹ có thể phải trả giá khi đụng chạm đến chính quyền Bắc Kinh.

Nhà phân tích của TS Lombard nói Trung Quốc đã bày ra một số chiến thuật. Chẳng hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tạm dừng nhập khẩu một lượng thịt bò từ Australia sau khi chính phủ Australia kêu gọi cộng đồng quốc tế tổ chức cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Ông Edward Lucas thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu nói thêm: "Làn sóng phản đối ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang gia tăng. Bắc Kinh đã chọc giận Australia, Canada, Đức, Hàn Lan và Thụy Điển, đây là một số ví dụ gần đây".

Ngày 5/6 vừa qua, Bắc Kinh đã khuyên công dân nước mình không nên đến Australia, cho rằng do đại dịch mà người dân Trung Quốc phải chịu sự phân biệt chủng tộc và bạo lực ở Australia. Theo Reuters, Australia đã phản bác lập luận này.

Ở diễn biến khác, Anh cũng nhận về cái nhìn phẫn nộ của Trung Quốc sau khi London tuyên bố đưa ra các lựa chọn thị thực (visa) cho người dân Hong Kong sau những lo ngại rằng Bắc Kinh đang siết chặt quyền kiểm soát đối với đặc khu hành chính này, ông Granville nói thêm.

Song, Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây cũng lại thường xuyên điện đàm cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, tần suất hơn hẳn so với các cuộc điện thoại với ông Trump. Theo South China Morning Post, Bắc Kinh đang chuyển hướng sang châu Âu giữa lúc chính quyền ông Trump cũng gia tăng áp lực lên khối kinh tế chung này.

Tuy nhiên, cuộc điện đàm của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/6 vẫn gặp phải nhiều thách thức lớn chưa thể giải quyết được, trong đó có một thỏa thuận đầu tư song phương còn dang dở, tranh cãi xoay quanh một số vấn đề như chính sách của Bắc Kinh với Hong Kong.

Ngoài ra, một cuộc họp giữa ông Tập và các nguyên thủ quốc gia tại châu Âu bị hoãn gần đây cũng chưa được nối lại.

SCMP cho biết tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện cuộc gọi thứ 4 trong năm nay tới Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 3/6, sau đó là cuộc gọi thứ 5 trong năm đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 5/6.

Các nước châu Âu đang cảm thấy áp lực từ chính quyền ông Trump, khi mà vào ngày 5/6, ông chủ Nhà Trắng đã dọa áp thuế lên xe hơi EU và hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên này không dỡ bỏ thuế quan với tôm hùm Mỹ.

"Trung Quốc và EU có cơ hội hợp tác sâu rộng hơn ở các vấn đề kinh tế hoặc biến đổi khí hậu, tuy nhiên mối quan hệ song phương này cũng tồn tại những hạn chế lớn và căng thẳng hơn trong vài tháng gần đây", nhà nghiên cứu cấp cao Frans-Paul van der Putten của Viện Clingendael (Hà Lan), cho hay.

Mối quan hệ Trung Quốc - EU sẽ khá bấp bênh trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là sau khi EU, cùng với Mỹ và Anh, đụng độ với Trung Quốc về luật an ninh mới với Hong Kong.

SCMP dẫn lời ông Francois Godement của Viện Montaigne (Paris) cho hay, hầu hết các nước EU đều hoài nghi về quan hệ với Bắc Kinh vì mối liên kết này thiếu vắng những hành động cụ thể từ Bắc Kinh sau những lời hứa hẹn sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu.

Ngoài ra, một yếu tố khác làm căng thẳng thêm quan hệ Trung Quốc - EU chính là việc các nước châu Âu đang phân vân có nên cho phép Huawei Technologies xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G trong khu vực hay không sau một loạt cáo buộc nói sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh quốc gia và làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

"Trung Quốc liên tục bày tỏ thiện chí và tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương nhưng không hề nhượng bộ chút nào với một nhà đàm phán châu Âu trong năm 2020 - năm EU-Trung Quốc", ông Godement nói.

Vị chuyên gia của Viện Montaigne nhấn mạnh: "Tôi chưa thấy bất kì dấu hiệu nào chỉ ra rằng châu Âu đang thay đổi thái độ với Trung Quốc. Cái nhìn của dư luận châu Âu đối với đất nước tỉ dân nói chung khá tiêu cực và các quốc gia thành viên EU thường không giải quyết vấn đề mạng 5G theo hướng có lợi cho Bắc Kinh".

Khả Nhân