Vùng ven đô thị (Suburb) là gì? Đặc trưng kinh tế
Hình minh hoạ (Nguồn: reatimes)
Vùng ven đô thị
Khái niệm
Vùng ven đô thị hay gọi tắt là ven đô trong tiếng Anh được gọi là Suburb.
- Về mặt địa lí ven đô có thể được hiểu là khu vực cận kề với thành phố.
- Về tổng thể, vùng ven đô là nơi vừa có các hoạt động nông thôn vừa có các hoạt động đô thị, nghĩa là không hoàn toàn là đô thị cũng không thuần tuý là nông thôn và chịu tác động mạnh của đô thị hoá. Nó là sự pha trộn của các hệ thống sinh thái nông nghiệp và đô thị.
Bởi vậy, vùng ven đô không tồn tại độc lập mà nằm trong một miền liên thông nông thôn - ven đô - đô thị và tạo thành một hệ thống nông thôn - ven đô - đô thị.
Do đó, khó có thể xác định được ranh giới của một vùng ven đô với các tiêu chuẩn cụ thể. Thông thường, người ta xác định ranh giới của vùng ven đô dựa vào các chính sách qui hoạch đô thị và các biện pháp quản lí hành chính.
Trong quá trình đô thị hoá, vùng ven đô thường phải chịu tác động mạnh của việc mở rộng không gian đô thị. Ở nhiều nước, chính sách qui hoạch và phát triển đô thị đã biến vùng ven đô thành đô thị và đô thị hoá vùng nông thôn lân cận thành vùng ven đô mới.
Các đặc trưng kinh tế của vùng ven đô
Tuy tồn tại trong một hệ thống nông thôn - ven đô - đô thị, nhưng vùng ven đô vẫn có những đặc trưng kinh tế, văn hoá và xã hội riêng của nó.
Khác với nông thôn, ven đô là nơi không đồng nhất về các hoạt động kinh tế vì nó bao gồm các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ đô thị.
Tỉ trọng nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập từ các hoạt động kinh tế của khu vực.
Ven đô là nơi chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hoá, các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị giảm dần và có thể mất đi do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và thay vào đó là các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp.
Các mối quan hệ tương tác lẫn nhau về mặt kinh tế của hệ thống nông thôn - ven đô - đô thị được thể hiện ở chỗ nông thôn và ven đô là nơi cung cấp thường xuyên, lâu dài lương thực, thực phẩm, nguồn nguyên liệu và nguồn lao động cho đô thị.
Ngược lại, đô thị tạo ra thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm và nơi ở cho các dòng di dân từ nông thôn đến đô thị và cung cấp hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Tác động của đô thị hóa đến các mặt của kinh tế-xã hội của vùng ven đô và những vấn đề cần quan tâm, Nguyễn Duy Thắng, Xã hội học)