|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Vua tôm' Minh Phú hụt hơi chỉ tiêu lợi nhuận, cấu trúc vốn đã có sự thay đổi lớn

11:42 | 19/08/2019
Chia sẻ
Lợi nhuận suy giảm trong 6 tháng đầu năm, Minh Phú vẫn có những chuyển biến khá tích cực trong cấu trúc vốn sau khi phát hành thành công cho Mitsui.

Thực hiện 13% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC) diễn ra hồi cuối tháng 6/2019, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT cho biết do do nóng nắng kéo dài dẫn đến nguồn cung nguyên liệu cũng thiếu, Minh Phú phải mua nguyên liệu rất cao để tối đa hóa công suất nhà máy, nên lợi nhuận quí I giảm.

Cụ thể, doanh thu quí I tăng hơn 10% lên 3.400 tỉ đồng, do giá vốn hàng bán tương ứng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm xuống mức 87 tỉ đồng so với mức 102 tỉ cùng năm trước.

Dù vậy, theo Chủ tịch Lê Văn Quang thì lợi nhuận quí II sẽ cao hơn quí I trên 50% và đặc biệt từ tình hình nuôi tôm từ tháng 7 trở đi sẽ khá tốt do nguyên liệu tương đối dồi dào.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quí II và BCTC hợp nhất bán niên 2019 vừa được Minh Phú công bố, con số lợi nhuận của quí II chỉ đạt 70 tỉ đồng, tức giảm 20% so với quí I và giảm đến 65% so với con số thực hiện cùng kì năm 2018.

Theo đó, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của Minh Phú đã giảm gần một nửa so với con số thực hiện cùng kì năm trước. Và với kế hoạch đặt ra cho lợi nhuận trước thuế cả năm là 1,430 tỉ đồng, Thủy sản Minh Phú chỉ mới thực hiện được 13% sau 6 tháng đầu năm 2019.

loi nhuan minh phu

Nguồn: tổng hợp BCTC Minh Phú

Nhìn chung, doanh thu của Minh Phú vẫn có sự tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, do chi phí tăng khiến lãi gộp của "vua tôm" giảm đến 10% so với cùng kì năm trước, biên lợi nhuận gộp sụt giảm từ 13,5% rút xuống chỉ còn 10,6%

Trong khi đó, Minh Phú cũng đã chi nhiều hơn cho hoạt động bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay; riêng chi phí bán hàng là 448 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì năm trước; chi phí quản lý cũng tăng 10% lên mức 96 tỉ đồng đã góp phần làm giảm lợi nhuận.

Thay đổi kết cấu tài sản, điểm tựa để vươn lên?

Về mặt tài sản, tổng tài sản của Minh Phú không thay đổi nhiều so với đầu năm, ghi nhận mức 9.042 tỉ đồng. Tuy nhiên, xét về kết cấu đã có nhiều chuyển biến tích cực với nguồn vốn tự có tăng và nợ vay giảm đáng kể.

Nợ vay tài chính đã giảm đi đáng kể sau khi công ty phát hành tăng vốn, các khoản vay nợ tài chính ngắn và dài hạn tại ngày cuối quí II/2019 ghi nhận gần 2,864 tỉ đồng và 258 triệu đồng, giảm lần lượt 15% và 78% so với hồi đầu năm.

MPC tai san

Minh Phú đã có sự thay đổi tích cực hơn (Nguồn: Tổng hợp BCTC)

Trong , Minh Phú cho biết đã hoàn tất phát hành 60 triệu cổ phiếu MPC cho Mitsui & Co, tương đương 30% vốn sau phát hành với giá 50.630 đồng/cp. Theo đó, vốn điều lệ của Minh Phú được nâng lên 2.000 tỉ đồng.

Minh Phú cho biết, hiện Mitsui & Co đang sở hữu hơn 35% cổ phần của Minh Phú. Hiện cổ đông này đã đưa 02 người vào HĐQT nhiệm kì 2019-2024, đồng thời HĐQT Minh Phú sẽ  phải đảm bảo 1/3 số lượng là thành viên HĐQT độc lập.

Trong khi đó, đại diện Mitsui cho biết, Tập đoàn sẽ đi sâu vào nhiều mảng của Minh phú như làm sao giảm vòng quay hàng tồn kho, đảm bảo lợi nhuận cao. Ngoài ra, Mitsui sẽ tham gia ban điều hành, chính sách phát triển cũng như đóng góp vào chương trình công nghệ thông tin của Minh Phú.

Theo ông Quang, khi hợp tác với Mitsui, Minh Phú cũng đã cam kết với Mitsui rằng kế hoạch 2019 - 2020 sẽ trả cổ tức tỉ lệ 50%, từ 2021 trở đi tối đa là 70%. Điều đó cũng cho thấy sự kì vọng của Mitsui trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của ông trùm xuất khẩu tôm Việt Nam. 

Với lĩnh vực thuỷ sản, rủi ro lớn nhất đó chính là vấn đề về an toàn tài chính. Đã có không ít doanh nghiệp đã gặp khó khăn do việc mất cân đối tài sản dẫn đến kẹt thanh khoản, việc phải gánh chịu những khoản lãi vay, lãi phạt lớn đã khiến rất nhiều doanh nghiệp trong ngày này lâm cảnh khốn đốn những năm qua.

Bản thân Minh Phú cũng từng gặp nhiều khó khăn những năm 2012-2013 khi chi phí lãi vay tăng cao đột biến. Theo đó, khi nền tảng tài chính an toàn hơn được kì vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm qua đó tăng năng lực cạnh tranh đối với các đối thủ trong ngành ở trên thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,4 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018 có nguyên nhân rất lớn đến từ sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Ấn Độ, Ecuador...

Theo VASEP, Nhu cầu nhập khẩu giảm từ các thị trường chính như EU – một trong những thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam giảm gần 26% so với cùng kì năm 2018. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam giảm 2%, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm 4,9% so với cùng kì năm ngoái.

Mặc dù xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm, song Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn kỳ ngành tôm Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường EU nhờ tác động tích cực của FTA Việt Nam – EU (EVFTA) trong thời gian tới.


Huy Nguyên