|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ khách sạn 5 sao Sheraton Grand Danang Resort lỗ mất vốn sau một năm rưỡi hoạt động

06:37 | 17/09/2019
Chia sẻ
Chủ dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort, một trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng hiện nay vừa công bố báo cáo 6 tháng đầu năm với số lỗ lũy kế lên đến 269 tỉ đồng.

Lỗ âm vốn 15 tỉ đồng sau hơn 1 năm hoạt động

Sheraton Grand Danang Resort nằm trong một quần thể dự án biệt thự và khách sạn rộng 8,3 ha bao gồm xây dựng và kinh doanh khu khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng tiêu chuẩn 5 sao và các công trình phụ trợ khác.

Khách sạn nằm trên trục đường Trường Sa thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) tập trung nhiều khách sạn hạng sang nhất khu vực miền Trung như Furama, Pullman, Crowne Plaza, Vinpearl, Melia…

Dù vậy, khi đi vào vận hành từ đầu năm 2018, công ty phải chịu khoản lỗ lớn. Năm tài chính 2018,  báo cáo của CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (gọi tắt là Đông Phương, Mã: BDP) cho thấy, doanh thu khách sạn chỉ đạt 259 tỷ đồng, lỗ trước thuế lên tới 178 tỷ đồng do chi chi phí quá cao. 

Đến kì báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2019, doanh thu khách sạn đã có mức tăng trưởng 80% so với cùng kì năm trước, đạt gần 182 tỉ đồng. Theo đó, Công ty đã có lợi nhuận gộp hơn 45 tỉ đồng (cùng kì lỗ hơn 33 tỉ đồng). 

Tuy nhiên, các khoản chi phí đều ghi nhận ở mức khá cao, trong đó chi phí lãi vay gần 69 tỉ đồng, chi phí quản lí doanh nghiệp gần 45 tỉ đồng. Thu không đủ bù chi dẫn đến công ty phải báo lỗ hơn 78 tỉ đồng trong 2 quí đầu năm nay.

Dong-Phuong-nguon-von

Cơ cấu nguồn vốn tại ngày 30/6/2019. Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp

Với vốn góp của chủ sở hữu 250 tỉ đồng, tính đến ngày 30/6/2019, lỗ lũy kế của công ty đã chạm 269 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 15 tỉ đồng. 

Tổng dư nợ vay của Đông Phương tính đến ngày 30/6/2019 gần 1.119 tỉ đồng. Các khoản vay ngắn và dài hạn từ ngân hàng cũng như các tổ chức có liên quan của công ty đều nhằm mục đích đầu tư dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort.

Trong các khoản vay tại ngân hàng, riêng khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – chi nhánh Đà Nẵng gần 902 tỉ đồng, được tính theo lãi suất thả nổi.

Tính đến cuối kì kế toán quí II/2019, giá trị hàng tồn kho của công ty ghi nhận 490 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (459 tỉ đồng) từ việc xây dựng biệt thự, bao gồm chi phí xây dựng, tiền thuê đất cho phần diện tích sử dụng để xây khu biệt thự 3,13 ha trong tổng thể dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort.

Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án, cụ thể là tầng 4 khu reception đang thi công hoàn thiện nội thất cũng ghi nhận khoảng 80 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong hạng mục chi phí trả trước dài hạn, chi phí tiền thuê đất ghi nhận hơn 45 tỉ đồng. Đây là chi phí thuê lô đất sử dụng cho việc xây dựng khách sạn để có được quyền thuê lô đất 8,38 ha, được phân bổ từ ngày 9/6/2011 đến ngày 18/12/2056.

Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận hơn 26 tỉ đồng chi phí khai trương khách sạn, được phân bổ trong ba năm tính từ khi khách sạn đi vào khai thác thương mại.

Chưa quyết toán vốn đầu tư 

Liên quan đến tài sản của Đông Phương, công ty hiện đang ghi nhận 2.186 tỉ đồng tài sản cố định dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort và chi phí phải trả ngắn hạn gần 586 tỉ đồng công ty đang tạm trích trước trong năm 2018, hãng kiểm toán AASC đã nhấn mạnh rằng số tiền trên là Đông Phương tạm ghi tăng và chưa được xác minh.

Dong-Phuong-tai-san

Cơ cấu tài sản tại ngày 30/6/2019. Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2019, dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort có giá trị tài sản cố định hữu hình hơn 2.040 tỉ đồng (chiếm 67% tổng tài sản), được dùng thế chấp, cầm cố đảm bảo các khoản vay.

Công ty đã tạm ghi tăng tài sản cố định hữu hình dự án này với số tiền 2.186 tỉ đồng đối với các hạng mục đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng căn cứ trên chi phí đã tập hợp và các phần công việc đã hoàn thành trên cơ sở các hợp đồng đã kí kết với nhà thầu.

Bên cạnh đó, Đông Phương tạm trích trước chi phí phải trả gần 586 tỉ đồng, tương ứng theo giá trị hợp đồng và khối lượng công việc đã thực hiện nhưng chưa có hóa đơn và nghiệm thu giá trị thanh toán với nhà thầu.

Trong khi đó, dự án này chưa được quyết toán nên giá trị ghi tăng khoản mục tài sản cố định này và các khoản mục khác có liên quan có thể thay đổi và được điều chỉnh theo kết quả quyết toán trên báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án đã được phê duyệt gần 889 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/6/2019, Đông Phương cho biết tổng vốn đầu tư dự án nâng lên gần 3.666 tỉ đồng, tức gấp 4 lần con số dự toán ban đầu.

Trong khi đó, Đông Phương vẫn đang lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xin phê duyệt thay đổi tổng mức đầu tư dự án lên 3.666 tỉ đồng.

Đông Phương cũng cho biết thêm, khu khách sạn 8,38 ha đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, còn khu biệt thự 3,13 ha trong tổng thể dự án cơ bản hoàn thành và dự kiến mở bán vào cuối năm 2019.

Sheraton Da Nang

Dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort. Nguồn: Zing.vn

Phải trả dài hạn gần 1.039 tỉ đồng liên quan đến những ai?

Theo BCTC soát xét bán niên 2019, Đông Phương có khoản phải trả dài hạn gần 1.039 tỉ đồng, liên quan đến Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Vượng Phát và Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại Hòa Quý, các bên có liên quan đến dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort.

Theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 15/8/2017, Vượng Phát và Hòa Quý là hai đơn vị góp vốn với Đông Phương để xây dựng và kinh doanh dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort.

Theo thỏa thuận, Đông Phương sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất và chi phí đầu tư vào dự án với số tiền ước tính 2.876 tỉ đồng (78%). Còn Vượng Phát và Hòa Quý mỗi bên góp 790 tỉ đồng (22%). 

Bên cạnh đó, Đông Phương sẽ trả lãi cho Vượng Phát với mức lãi suất 9,5% mỗi năm (tính từ ngày 1/9/2017), trong thời gian dự án chưa đi vào khai thác.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Đông Phương đã đã trả lãi cho Vượng Phát với số tiền hơn 26 tỉ đồng. Theo ghi nhận của Đông Phương, Vượng Phát đã góp đủ số vốn theo cam kết trong khi Hòa Quý chỉ mới góp 249 tỉ đồng. 

Nguyên Ngọc