|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khách sạn Đà Nẵng chưa sẵn sàng mở cửa trở lại

07:37 | 05/10/2021
Chia sẻ
Chủ các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng vẫn chưa sẵn sàng mở cửa đón khách dù được cho phép. Họ vẫn đang theo dõi tình hình dịch bệnh, việc mở lại đường bay đến Đà Nẵng, cân nhắc các chi phí,... để hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Nhiều khách sạn Đà Nẵng 'cửa đóng then cài' dù được phép hoạt động - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn ở ven biển Đà Nẵng vẫn chưa hoạt động đón khách dù được cho phép từ 30/9. (Ảnh: Chu Lai).

UBND TP Đà Nẵng đã cho phép khách sạn, cơ sở lưu trú hoạt động không quá 30% tổng số phòng hiện có kể từ 0h ngày 30/9. Trường hợp 100% khách hàng đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng được phép lưu trú không quá 50% tổng số phòng hiện có. Riêng các dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú chưa được phép hoạt động.

Theo ghi nhận của người viết từ ngày 30/9 đến 3/10, nhiều khách sạn ở ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vẫn chưa có động thái hoạt động lại.

Cụ thể, trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ đoạn Nguyễn Huy Chương đến Phan Tứ có hơn 20 khách sạn đóng cửa, không có bảo vệ trông coi. Trên đường Võ Văn Kiệt có khoảng 5 khách sạn, cơ sở lưu trú cũng không có dấu hiệu hoạt động. Tình trạng nhiều khách sạn vẫn đóng cửa cũng diễn ra tại đường Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Loseby,…

Một bảo vệ trông coi khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp cho biết, ông chưa nghe chủ khách sạn thông báo sẽ cho khách sạn hoạt động lại. Nhiều nhân viên buồng phòng, đón khách, lễ tân,…của khách sạn đã nghỉ việc từ lâu, chỉ còn bảo vệ ở lại làm việc.

"Khách sạn chúng tôi đóng cửa từ cuối năm 2020 đến nay. Tôi chưa nghe thông tin hoạt động lại. Nếu có khách thì vui hơn chứ, lâu nay vắng vẻ thấy buồn", người bảo vệ này nói.

Bà Hạnh, người sở hữu hai khách sạn tại Đà Nẵng, chia sẻ bà cho nhân viên nghỉ việc từ lâu nên không có ý định kinh doanh lại. Hiện bà vẫn đang gửi bán khách sạn.

Trước đó, bà Hạnh đi vay ngân hàng để có tiền xây dựng khách sạn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bất ngờ khiến người phụ nữ này lâm cảnh cảnh khó khăn, bán nhiều tài sản để trả lãi và nợ gốc ngân hàng.

Trong khi đó, ông An, chủ một cơ sở lưu trú ở quận Sơn Trà chia sẻ, ông vẫn đang nghe ngóng, chờ thêm thời gian trước khi kinh doanh lại. 

"Tình hình bây giờ tôi chưa mở cửa được, phải đợi khi có phương án cụ thể, có đường bay mở lại đi đến Đà Nẵng từ các địa phương khác. Tôi cho nhân viên tạm nghỉ việc từ lâu, họ về quê rồi, nếu mở lại cũng phải tính toán gọi họ đi làm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chi phí khác phải lo, tính toán kỹ lưỡng trước khi hoạt động", ông An nói và cho biết thêm các cơ sở lưu trú của bạn bè ông cũng chưa muốn hoạt động trở lại trong thời điểm này.

Theo Sàn giao dịch bất động sản VRM Đà Nẵng, hiện nay thành phố có 943 khách sạn, với số lượng khoảng 40.000 phòng. Trong đó, số khách sạn dưới hai sao có 795 khách sạn, chiếm 84% số lượng khách sạn trên địa bàn TP.

Giai đoạn 2016- 2019, mỗi năm Đà Nẵng tăng gần 5.000 phòng khách sạn. Riêng năm 2019, khối khách sạn 4-5 sao tăng 1.000 phòng; khối khách sạn ba sao tăng 18 khách sạn với 2.000 phòng.

"Số lượng giao dịch bán khách sạn tăng mạnh trong quý đầu năm. Đến quý II và III, số lượng giao dịch rất thấp do tác động của việc giãn cách, hạn chế đi lại. Hiện có 141 khách sạn được rao bán, chiếm 15% tổng số khách sạn toàn thành phố. Giá bán khách sạn từ đầu năm đến nay vẫn ít thay đổi", Sàn giao dịch BĐS VRM Đà Nẵng thông tin.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy các khách sạn tại Đà Nẵng vào năm 2019 đạt 61% với giá phòng trung bình là 108 USD/phòng/đêm. Đến 2020, tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 17% và giá phòng 54 USD/phòng/đêm. 

Năm 2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, chỉ còn 11% và giá phòng trung bình chỉ đạt 49 USD/phòng/đêm. Hiện nay, Đà Nẵng có khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng đã chuyển đổi thành cơ sở cách ly tập trung.

Một khách sạn trên đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà rào chắn cửa chính khách sạn (bên trái) và dãy khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp tối đèn, chưa có dấu hiệu hoạt động lại. (Ảnh: Chu Lai).


Chu Lai

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).