|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau soát xét, Licogi lỗ thêm 13 tỉ đồng

09:54 | 03/09/2019
Chia sẻ
Lỗ sau thuế công ty mẹ Licogi tăng từ 71 tỉ đồng lên 84 tỉ đồng do lợi nhuận các công ty con như Cơ khí Đông Anh, Licogi 9, Licogi 10 giảm.

Lỗ ròng sau soát xét tăng lên 84 tỉ đồng

Sau kết quả soát xét bán niên của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Tổng công ty Licogi (Mã: LIC) từ - 71 tỉ đồng giảm xuống - 84 tỉ đồng. Doanh thu thuần của Licogi 6 tháng đầu năm đạt 893 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của ban Tổng giám đốc, lỗ sau soát xét của Licogi tăng do điều chỉnh giảm lợi nhuận tại các công ty con: Cơ khí Đông Anh, Licogi 9, Licogi 10.

Ngoài ra, báo cáo riêng bán niên đã soát xét của Licogi điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế thêm 1,2 tỉ đồng do hạch toán bổ sung, doanh thu hoạt động tài chính (thu cổ tức năm 2018 của CTCP Đầu tư, Xây lắp và VLXD Đông Anh) và hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi. 

Kiểm toán nhấn mạnh tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 1.500 tỉ đồng

Tại báo cáo soát xét bán niên, Công ty Kiểm toán AASC nhấn mạnh việc tổng nợ ngắn hạn của Licogi vượt quá tài sản ngắn hạn 1.507 tỉ đồng, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán hợp nhất 613 tỉ đồng chiếm 68% vốn điều lệ. 

Tuy nhiên ban Tổng giám đốc tin vào công cuộc tái cấu trúc của Licogi, đồng thời cho biết có thể huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn khác để thanh toán nợ đến hạn và duy trì nguồn vốn lưu động cần thiết để tiếp tục hoạt động trong tương lai gần. 

Báo cáo tài chính bán niên của Licogi được trình bày trên cơ sở giả định hoạt động liên tục. 

Nhiều khoản mục ghi nhận chưa đúng chuẩn mực kế toán Việt Nam

Các ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tiếp tục được đưa ra với một số vấn đề đã được nêu trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018. 

Trong các năm trước, Licogi đã ghi nhận một phần doanh thu và giá vốn của Dự án KĐT Nam Ga Hạ Long trên cơ sở nhận tiền trước, cơ sở ghi nhận doanh thu này chưa phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 (VAS 14) và thông tư số 200 của Bộ Tài chính. 

Trong 6 tháng đầu năm, Licogi đã ghi nhận doanh thu, giá vốn của dự án này trong đó có một số lô đất đã được ghi nhận một phần doanh thu từ các kỳ trước. Nếu hạch toán theo VAS 14 thì doanh thu và giá vốn trong dự án này nửa đầu năm nay tăng thêm lần lượt 1,93 tỉ đồng và 1,36 tỉ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 0,57 tỉ đồng. 

Tính đến thời điểm 31/12/2018, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục "chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn" của dự án KĐT mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế là 341 tỉ đồng. Kiểm toán viên không thể thu nhập thông tin cần thiết để xác định giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa vào dự án này theo chuẩn mực kế toán số 16 - chi phí đi vay (VAS 16). 

Trong 6 tháng đầu năm, Licogi tiếp tục vốn hóa lãi vay vào khoản mục "chi phí kinh doanh dở dang dài hạn" của dự án này với giá trị 19 tỉ đồng, nâng tổng giá trị vốn hóa lãi vay lũy kế tính đến 30/6/2019 là 360 tỉ đồng. 

Tại ngày 31/12/2018, các công ty con của Licogi ghi nhận một số khoản nợ phải thu mà kiểm toán viên không đánh giá được tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ của khoản nợ phải thu này. Cụ thể tại Công ty Licogi 15 là 84 tỉ đồng, tại CTCP Lắp máy Điện nước nợ phải thu là 6 tỉ đồng.

Tại ngày 30/6, một số công ty con của Licogi gồm Licogi 9, Licogi 17, Licogi 10 chưa trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản "Phải thu ngắn hạn của khách hàng", "phải thu ngắn hạn khác" theo hướng dẫn của thông tư 228 của Bộ Tài chính. Nếu thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Licogi giảm 0,7 tỉ đồng...

Đông A

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.