|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nước Đồng Nai: Kiểm toán nhấn mạnh nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 350 tỉ đồng

16:20 | 13/09/2019
Chia sẻ
Dowaco sử dụng bòn bẩy nợ cao để phát triển các dự án nước sạch mới như Nhơn Trạch giai đoạn II và Thiện Tân giai đoạn II.
PRI_84435130

Là doanh nghiệp cung cấp phần lớn nước sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm CTCP Cấp nước Đồng Nai (Dowaco - Mã: DNW) đạt doanh thu thuần hợp nhất 530 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 38% so với 36% cùng kỳ năm ngoái.

Việc cắt giảm chi phí hoạt động giúp cho Dowaco đạt mức lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 61 tỉ đồng, tăng 22%. 

Tuy nhiên tại thời điểm kết thúc quí II/2019, cơ quan kiểm toán nhấn mạnh đến vấn đề nợ vay của doanh nghiệp này; cụ thể nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn 352 tỉ đồng. Kiểm toán kết luận, đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty. 

Thực vậy, nợ phải trả 2.446 tỉ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó nợ vay ngắn hạn 442 tỉ đồng và nợ vay dài hạn lên tới 1.769 tỉ đồng. 

Khoản vay lớn nhất của Dowaco là tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 1.415 tỉ đồng dài hạn và 174 tỉ đồng nợ dài hạn đến hạn trả. Đây là khoản vay bằng đồng Won được đảm bảo bằng tài sản được hình thành trong tương lai của dự án cấp nước Nhơn Trạch và dự án cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2. Các khoản vay còn lại bằng đồng Việt Nam từ các ngân hàng với lãi suất từ 8 - 10%. 

Nợ vay lớn khiến Dowaco phải trả tới 37 tỉ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh đó là lỗ tỷ giá do vay ngoại tệ hơn 29 tỉ đồng. Các khoản chi phí vốn này làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận cuối cùng của công ty. 

Tổng năng lực cấp nước của Dowaco và các doanh nghiệp thành viên lên tới 380.000 m3/ngày đêm, nằm trong top những doanh nghiệp ngành nước lớn nhất tại Việt Nam.

Dowaco hiện sở hữu hai công ty con hoạt động trong ngành nước là CTCP Cấp nước Nhơn Trạch nắm 52,44% và CTCP Cấp nước Long Khánh nắm 51%; một công ty liên kết nắm 25% là CTCP Cấp nước Gia Tân. 

Dowaco hiện cũng đang phát triển thêm các dự án cấp nước lớn gồm nhà máy Thiện Tân giai đoạn II công suất 100.000 m3/ngày đêm được tài trợ bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc; dự án Nhơn Trạch giai đoạn II công suất 100.000 m3 và dự án cấp nước Gia Tân 20.000 m3/ngày đêm.

Chính việc phát triển các dự án này là nguyên nhân khiến cho nợ vay của Dowaco tăng cao. 

Tại thời điểm kết thúc quí II, giá trị xây dựng dở dang của nhà máy Thiện Tân giai đoạn II giá trị hơn 232 tỉ đồng, dự án Nhơn Trạch II giá trị 103 tỉ đồng, đều tăng so với đầu năm. 

Tổng giá trị đầu tư các dự án trên theo dự án lần lượt là 1.277 tỉ đồng và 3.568 tỉ đồng. Để thực hiện các dự án trên, nhóm công ty Dowaco đã ký kết hợp đồng xây lắp với nhà thầu Kumho Industrial và hợp đồng tư vấn với nhà thầu Dohwa. Tổng giá trị các hợp đồng 36 tỉ Won và 1,75 tỉ Won, đến ngày 30/6 các nhà thầu đã thực hiện và bàn giao gần như toàn bộ. 

Dowaco là công ty con của Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi - nắm giữ 64%); hai cổ đông lớn khác là hai doanh nghiệp có liên quan: Biwase nắm 17,7% và Thủ Dầu Một nắm 12,8%. 

Với kịch bản Sonadezi thoái vốn khỏi Dowaco, giới đầu tư đồn đoán ít nhất hai cái tên có thể là ứng cử viên sáng giá. Một là là nhóm Biwase - Thủ Dầu Một, "ông lớn" ngành nước đất Bình Dương, cũng đã là nhóm cổ đông sở hữu hơn 30% cổ phần tại Dowaco. 

Hai là DNP Water - thành viên của Nhựa Đồng Nai (DNP Corp), thế lực mới nổi trong ngành nước từ năm 2018. DNP Corp cũng là công ty chuyên cung cấp vật tư ngành nước cho Dowaco. 

Đông A

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.