|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biên lãi gộp 'khủng' của doanh nghiệp cung cấp hơn một nửa nhu cầu nước sạch của Thủ đô Hà Nội

07:57 | 05/09/2019
Chia sẻ
Mặc dù sản xuất và cung cấp mặt hàng tiêu dùng thiết yếu - nước sạch, ít ai có thể ngờ việc biên lợi nhuận gộp của Hawacom lên tới hơn 61%.
haw 4

Theo số liệu thu thập của người viết, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom) hiện cung ứng hơn một nửa nhu cầu nước sạch của Thủ đô. Hai năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất tổng cộng 230 triệu m3, tương đương năng lực sản xuất một ngày đêm trên 650.000 m3.

100% cổ phần thuộc sở hữu của UBND TP Hà Nội, Hawacom thừa hưởng vận hành 12 nhà máy nước sạch và các xí nghiệp cung cấp nước sạch cho 9 quận nội thành (trừ Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm và quận Hoàn Kiếm); 5 huyện ngoại thành gồm Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và một phần huyện Mê Linh với tổng giá trị tài sản trên sổ sách gần 6.500 tỉ đồng. 

hawacom

BM tổng hợp

Nhu cầu nước sạch của TP Hà Nội ngày càng gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. Theo ước tính của một doanh nghiệp trong ngành, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2030 dự kiến 2,4 triệu m3/ngày đêm.

Trong khi đó, sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm mang lại cơ hội kinh doanh tiềm năng đối với doanh nghiệp trong ngành. Bởi với nhu cầu đang tăng và khi hạ tầng nước sạch đã được đầu tư đầy đủ, lợi nhuận của các doanh nghiệp có được sẽ tỷ lệ thuận với hiệu quả khai thác, vận hành hệ thống và việc giảm tỷ lệ thất thoát. 

Thực tế, nhiều thương vụ thoái vốn Nhà nước tại các công ty nước sạch trong những năm gần đây đã giành được không ít sự quan tâm của giới đầu tư. 

Năm vừa rồi, Hawacom thu về 155 tỉ đồng từ việc bán cổ phần trong Công ty Nước sạch số 3 (Mã: NS3), đơn vị cấp nước chủ lực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Bên mua là một công ty mới nổi trong ngành nước gần hai năm trở lại đây, CTCP DNP Water, thành viên thuộc CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp). 

haw 2

Quay trở lại Hawacom, năm 2018, công ty đem về doanh thu thuần 1.874 tỉ đồng, nhưng con số này thậm chí có thể cải thiện hơn nhiều nếu giảm được tỷ lệ thất thoát. 

Báo cáo thường niên của Nước sạch Hà Nội cho biết, tỷ lệ thất thoát nước sạch trong năm ngoái của công ty ở mức 15,72%, vẫn là tỷ lệ cao dù đã cắt giảm 4,75% trong vòng ba năm trước đó. Ước tính, tỷ lệ thất thoát này tương đương với hơn 36 triệu m3 nước sạch không đến được tay người tiêu dùng. 

Mặc dù vậy, lĩnh vực sản xuất nước sạch mà Hawacom đang làm vẫn là ngành kinh doanh "siêu lợi nhuận", thể hiện qua chỉ số lợi nhuận gộp biên lên tới 61%. Nhưng cũng phải lưu ý về việc các loại chi phí hoạt động của Nước sạch Hà Nội hàng năm đã ngốn đi phần lớn khoản lợi nhuận gộp này. 

Năm ngoái, Hawacom chi 692 tỉ đồng cho hoạt động bán hàng và 137 tỉ đồng cho hoạt động quản lý doanh nghiệp; tổng chi phí tương đương tỷ lệ 44% trên doanh thu. Trong đó phần chi cho nhân công là 238 tỉ đồng, ngoài ra công ty có thêm khoản 221 tỉ đồng chi phí bán hàng khác nhưng không được thuyết minh rõ. 

Nước sạch Hà Nội đạt mức lãi ròng 356 tỉ đồng với tỷ suất lợi nhuận 19% trong năm 2018; điều này được hỗ trợ không nhỏ từ khoản lợi nhuận bán NS3. Nếu loại bỏ yếu tố này, tỷ suất lợi nhuận ròng của Hawacom chỉ ở mức 11%.  

hawacom chart

BM tổng hợp

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng giá trị nợ phải trả của Nước sạch Hà Nội ở mức gần 3.000 tỉ đồng, 2/3 trong số đó là các khoản nợ vay. Trong đó, riêng giá trị nợ vay dài hạn 1.714 tỉ đồng và giá trị nợ vay ngắn hạn 161 tỉ đồng. Khoản nợ này khiến công ty phải trả hơn 60 tỉ đồng tiền lãi vay năm ngoái. 

haw 3

Nước sạch Hà Nội đang sở hữu một công ty con có tên CTCP Kinh doanh nước sạch số 2 (Mã: NS2) vận hành hai nhà máy nước Gia Lâm và Bắc Thăng Long (công suất 150.000 m3/ngày đêm). Tuy nhiên, đây là công ty nằm trong kế hoạch thoái vốn của Hawacom. 

Bên cạnh đó, Hawacom hiện đang đầu tư cổ phần tại các công ty liên kết như 23,7% tại CTCP Viwaco, 30% cổ phần tại CTCP Tháp nước Hà Nội, chủ đầu tư dự án chung cư Aqua Central 44 Yên Phụ (cũng đang nằm trong kế hoạch thoái vốn). 

Ngoài ra, Hawacom đang sở hữu 20% cổ phần tại CTCP Nước mặt Sông Hồng, 10% cổ phần tại CTCP Nước mặt Sông Đuống. Hiện dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 công suất 150.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành; còn nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm đang chậm tiến độ.  

Trong năm 2019, Hawacom đặt mục tiêu tăng công suất thêm 13.000 m3/ngày đêm nhờ các biện pháp tiết kiệm và cải tạo nhà máy; ngoài ra công ty dự kiến tiếp nhận nguồn nước sông Đuống 80.000 m3/ngày đêm, ngược lại tiết giảm công suất các nhà máy Tương Mai, Pháp Vân, Hạ Đình theo quy hoạch. 

Cũng trong năm nay, nhiều dự án chống thất thoát nước sạch được Hawacom cho biết sẽ đưa vào triển khai tại các xí nghiệp nước nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình…

Hawacom cùng nhiều doanh nghiệp khác của TP Hà Nội nằm trong danh sách các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cổ phần hóa đến năm 2020. Dự kiến sau cổ phần hoá, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% - 65% vốn điều lệ Hawacom.

Bạch Mộc