Transerco chuẩn bị cho cổ phần hóa
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa ra thông báo về việc mời đơn vị tư vấn chào giá cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phần hóa. Transerco nằm trong danh sách 11 doanh nghiệp trực thuộc TP Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa trong năm nay theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là ưu tiên số một của công ty trong bản công bố kế hoạch kinh doanh.
Hoạt động chính của Transerco là vận tải hành khách công cộng (bao gồm vận hành xe buýt và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông); bên cạnh đó công ty điều hành hoạt động tại nhiều bến xe và điểm đỗ xe. Một đặc điểm đáng chú ý của Transerco là nắm trong tay quyền khai thác, sử dụng nhiều khu đất vàng trên địa bàn Thủ đô.
Song song với việc phải thực hiện xong công tác cổ phần hóa, phương án thoái vốn tại các đơn vị khác cũng sẽ được công ty đẩy mạnh để tập trung nguồn lực cho ngành nghề chính. Hoạt động vận tải công cộng đang gặp phải thách thức lớn đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch, TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động xe buýt từ 28/3 đến hết ngày 15/4, khiến Transerco không có nguồn thu. Dù vậy, công ty cho biết vẫn phải trả nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng, trả một phần thu nhập cho người lao động và các chi phí tối thiểu để vận hành...
Doanh thu các lĩnh vực kinh doanh khác của Transerco được cho biết cũng giảm từ 10 - 20% so với kế hoạch đã xây dựng ban đầu.
Trước tình hình này, Transerco đặt kế hoạch kinh doanh lỗ 45 tỉ đồng, bên cạnh doanh thu 1.870 tỉ đồng. Với đặc thù doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích, công ty thường xuyên phải chịu cảnh lỗ thuần, thay vào đó cứu cánh bằng nguồn lợi nhuận khác. Năm ngoái, báo cáo tài chính tổng hợp của Transerco cho biết mức doanh thu 2.621 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 33 tỉ đồng với tài sản cuối kì gần 3.330 tỉ đồng.
Trong văn bản giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh năm 2020, Ủy ban ND TP Hà Nội đưa ra chỉ tiêu không lỗ đối với Transerco. Bên cạnh đó, không có nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1. Đối với các công ty mà Transerco sở hữu trên 51% vốn, ba đơn vị được yêu cầu không lỗ gồm CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hóa Hà Nội, CTCP Vận tải Newway và CTCP Xe điện Hà Nội. Các doanh nghiệp yêu cầu có lãi gồm Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và CTCP Bến xe Hà Nội.
Kế hoạch kinh doanh nói trên cho thấy phần nào những thách thức mà Transerco và các đơn vị thành viên phải gánh chịu trong giai đoạn hậu COVID-19, bất chấp việc đại dịch ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt.