|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự án Bột giấy Phương Nam rao mãi vẫn ế

22:00 | 29/05/2020
Chia sẻ
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam sau nhiều lần rao bán tài sản vẫn không thể tìm được người mua, trong khi mớ bòng bong nợ nần, kiện tụng vẫn còn đó.
Dự án Bột giấy Phương Nam rao mãi vẫn ế - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được rao bán nhiều lần vẫn ế, hiện Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo để thực hiện các bước tiếp theo.

Theo báo cáo tài chính của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đến hết năm 2019 vốn chủ sở hữu là 77,4 tỷ đồng, tổng tài sản là 3.091 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 3.014 tỷ đồng.

Đội vốn gần 2.000 tỷ đồng

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn đang trong cảnh bán không ai mua từ nhiều năm nay, và khó tìm ra được phương án xử lý hữu hiệu khi ngập trong mớ bòng bong kiện tụng, nợ nần.

Dự án Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH MTV phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau đó chuyển sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm Chủ đầu tư, trong đó vốn chủ sở hữu là 39,3 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.

Được khởi công năm 2004 và đến tháng 6/2008 dừng thi công do Chủ đầu tư không huy động được vốn để đầu tư. Đến tháng 6/2009, Dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Vinapaco.

Điều đáng nói, sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh Dự án và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án từ 1.487 tỷ đồng lên xấp xỉ 3.410 tỷ đồng, Vinapaco đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào tháng 9 năm 2012.

Tháng 4/2010, Vinapco đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào năm 2012. 

Trong quá trình chạy thử có tải cả hệ thống bị tắc nghẽn ngay từ khâu chặt mảnh cho đến các công đoạn tiếp theo. Từ tháng 5/2014, dự án dừng đầu tư.

Bán không ai mua

Để tháo gỡ khó khăn, Vinapco từng bán đấu giá tài sản cuả Dự án nhưng không thành công. Cụ thể, vào năm 2017, Vinapco tổ chức bán đấu giá Dự án lần 1, với giá khởi điểm được phê duyệt 1.885 tỷ đồng, nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.

Theo Đề án 1468, phương án xử lý đối với Dự án là khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án; đồng thời, Vinapco tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án.

Trong khi đó, đến thời điểm 31/12/2019 tổng nợ phải trả của Dự án là 3.014 tỷ đồng, công nợ phải thu ngắn hạn là 4,055 tỷ đồng.

Được biết, trong quá trình triển khai, dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Vụ kiện của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) liên quan khoản vay của Vinapco có thể dẫn đến việc không thể tiến hành bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của Dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 15/01/2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 335/BCT-CN báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, và đề xuất Phó Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và Đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ về tiến độ công tác xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và cổ phần hóa Vinapco.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo để thực hiện các bước tiếp theo.

Giải pháp xử lý đối với Dự án trong giai đoạn tới, hiện Bộ Công Thương chỉ đạo Vinapco khẩn trương báo cáo toàn diện các vấn đề khó khăn trong việc xử lý, bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của Dự án cũng như quá trình cổ phần hóa Tổng công ty, trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo xử lý.

Thế Hải

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.