|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một công ty nước sạch vốn 55 tỉ đồng đi vay hàng trăm tỉ đầu tư chứng khoán, M&A

08:00 | 15/04/2019
Chia sẻ
Sau khi chuyển giao từ chủ sở hữu Nhà nước về một nhóm cổ đông tư nhân, các khoản vay của Nước sạch Số 3 Hà Nội tăng đột biến. Số tiền vay để đầu tư chứng khoán, mua cổ phần các DN nước sạch khác tại Cần Thơ và Khánh Hòa, đều là những DN có quy mô lớn hơn.

Nước sạch Số 3 Hà Nội chi hơn 90 tỉ đồng đầu tư chứng khoán

Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Nước sạch Số 3 Hà Nội (Mã: NS3) đang giao dịch trên thị trường UPCoM là doanh nghiệp gắn liền với biểu tượng tháp nước Đồn Thủy (được xây dựng cách đây 125 năm), đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm – trung tâm thủ đô Hà Nội.

Một công ty nước sạch vốn 55 tỉ đồng đi vay hàng trăm tỉ đầu tư chứng khoán, M&A - Ảnh 1.

Tháp nước Đồn Thủy trong khuôn viên công ty NS3 cùng với tháp nước Hàng Đậu là hai tháp nước cổ nhất Hà Nội

Công ty trước đây thuộc sở hữu bởi Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, từ năm 2018 được chuyển giao 86% cho CTCP Đầu tư Ngành nước DNP.

Cũng tại thời điểm Nhà nước thoái vốn, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Tổng Giám đốc (TGĐ) của Nước sạch Số 3 Hà Nội được chuyển giao cho đội ngũ mới với Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, TGĐ Nguyễn Đình Tiến.

Năm 2018, Nước sạch Số 3 Hà Nội đạt doanh thu thuần 171 tỉ đồng, tăng 4%; biên lợi nhuận gộp 43%, cải thiện so với 39% năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ còn 17,3 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí tài chính gần 9,3 tỉ đồng, tăng đột biến so với 189 triệu đồng năm 2017.

Tại thời điểm 31/12/2018, nợ phải trả của Nước sạch Số 3 Hà Nội tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm 2018, lên 219 tỉ đồng. Con số này gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu, trong khi đó hệ số nợ phải trả/vốn chủ thời điểm 31/12/2017 chỉ là 0,6 lần.

Đáng chú ý là khoản nợ vay dài hạn 174 tỉ đồng, tăng gấp 11,5 lần. Theo cơ cấu, 150 tỉ đồng vay trái phiếu của Vietnam Debt Fund SPC, lãi suất 11% đáo hạn trong vòng 3 năm. Hơn 21 tỉ đồng vay từ ngân hàng Vietcombank và gần 5 tỉ đồng được vay từ VietinBank.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Nước sạch Số 3 Hà Nội vào ngày 4/4 vừa qua, vay nợ tăng cao là vấn đề được cổ đông công ty chất vấn khá gay gắt.

Theo lý giải của lãnh đạo Nước sạch Số 3 Hà Nội, năm 2018 công ty vay nhiều tiền để thực hiện mua cổ phần của các công ty trong cùng ngành nước, nhằm mở rộng tiềm năng trưởng trong dài hạn.

Cụ thể, Nước sạch Số 3 Hà Nội đầu tư 98,5 tỉ đồng vào CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 khi mua lại 39% vốn điều lệ; đầu tư 21,3 tỉ đồng vào CTCP Cấp thoát nước Khánh Hòa khi mua lại 3,5% vốn điều lệ.

Danh mục đầu tư của Nước sạch Số 3 Hà Nội cũng bất ngờ xuất hiện 34 tỉ đồng với mục đích "Nghiên cứu lựa chọn đầu tư và đầu tư chứng khoán" có thời hạn 12 tháng. Đây là kết quả của hợp đồng với CTCP Đầu tư T&D giá trị 74 tỉ đồng, ký vào tháng 10/2018.

Một hợp đồng khác cũng với mục đích "Đầu tư chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận" có thời hạn 2 năm với giá trị đầu tư không vượt quá 350 tỉ đồng được ký với các cá nhân bà Phan Thị Tuyết, ông Nguyễn Văn Hòa, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh và bà Nguyễn Thị Thắm. Giá trị đầu tư của NS3 trong hợp đồng này lên tới 57,5 tỉ đồng.

Như vậy trong năm 2018, Nước sạch Số 3 Hà Nội chi tới 91,5 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán, 120 tỉ đồng cho mua cổ phần các công ty nước sạch; trong khi số tiền vay thêm tới 163 tỉ đồng.

Dấu hỏi khoản đầu tư 120 tỉ đồng vào các công ty nước sạch khác

Một công ty nước sạch vốn 55 tỉ đồng đi vay hàng trăm tỉ đầu tư chứng khoán, M&A - Ảnh 2.

Nước sạch Số 3 Hà Nội là chủ đầu tư dự án trụ nước sạch miễn phí trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Ảnh: VnExpress)

Tại đại hội, cổ đông công ty cũng chất vấn xung quan hiệu quả của các khoản đầu tư vào nước Cần Thơ 2 và nước Khánh Hòa. Ban lãnh đạo tiết lộ quy mô của nước Cần Thơ 2 lớn hơn cả Nước sạch Số 3 Hà Nội, tại đây công ty có khả năng nâng tỉ lệ sở hữu lên chi phối,  từ đó hợp nhất kết quả kinh doanh. Quy mô vốn điều lệ của Nước Khánh Hòa cũng gấp đôi  Nước sạch Số 3 Hà Nội.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, nếu chỉ tập trung làm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì khó để có thể tăng trưởng doanh thu lợi nhuận trong tương lai.

Khoản đầu tư vào Nước Khánh Hòa cũng được ban lãnh đạo Nước sạch Số 3 Hà Nội đánh giá hấp dẫn, tăng trưởng sản lượng của công ty này đạt 10%/năm.

Trao đổi với người viết, cổ đông công ty cũng thắc mắc con số 91,5 tỉ đồng đầu tư vào nước Cần Thơ 2 liệu có hợp lý?

Theo tìm hiểu, tháng 4/2018, UBND TP Cần Thơ thoái 1,76 triệu cổ phần Nước Cần Thơ 2, giá trúng thành công bình quân 12.621 đồng/cp. Tương đương tổng giá trị thu về 22,3 tỉ đồng. Sau đấu giá, Nhà nước chỉ còn sở hữu 49% vốn điều lệ công ty. Nước Cần Thơ 2 có vốn điều lệ gần 118 tỉ đồng.

Trước đó tháng 1/2017, UBND TP Cần Thơ cũng đã bán 1,21 triệu cp công ty với giá trung bình 12.350 đồng/cp.

Nước sạch Số 3 Hà Nội công bố sở hữu 39% vốn Nước Cần Thơ 2, tương đương 4,59 triệu cp. Như vậy giá mua trung bình vào khoảng hơn 19.900 đồng/đơn vị, cao hơn 60% so với giá mà UBND TP Cần Thơ bán ra.

Với Nước Khánh Hòa, giao dịch trên thị trường UPCoM, vốn điều lệ 260 tỉ đồng. Nước sạch Số 3 Hà Nội sở hữu 910.000 cổ phiếu với giá ước tính 23.400 đồng/đơn vị. Cổ phiếu nước Khánh Hòa hiện đang giao dịch ở giá 27.000 đồng/cp, tuy nhiên không có thanh khoản. Năm 2018, công ty này đạt doanh thu 350 tỉ đồng, lãi sau thuế trên 35 tỉ đồng.

Giải thể Ban kiểm soát thay bằng Kiểm toán nội bộ 

Đại hội cổ đông Nước sạch Số 3 Hà Nội vừa qua cũng lấy ý kiến cổ đông thông qua nhiều vấn đề quan trọng như giải thể Ban kiểm soát (trực thuộc đại hội đồng cổ đông) thay bằng Ban kiểm toán nội bộ (trực thuộc hội đồng quản trị). Ban lãnh đạo công ty giải thích là làm theo mô hình tiên tiến trên thế giới, tại Việt Nam, một trong những công ty đầu ngành là Vinamilk đã làm.

HĐQT cũng lấy kiến thông qua phương án phát hành cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 20%. Nếu thành công, vốn điều lệ của Nước sạch Số 3 Hà Nội sẽ tăng từ 55 tỉ lên 66 tỉ đồng.

Tại đại hội, nhiều cổ đông tỏ ra không hài lòng với việc trả cổ tức cổ phiếu thay vì tiền sau nhiều năm. Ban lãnh đạo đáp lời, công ty muốn giữ lại nguồn tiền đầu tư vào các dự án M&A.

Cổ đông cũng kiến nghị ban lãnh đạo xem xét việc thay đổi mô hình, giải thể Ban kiểm soát liệu có phù hợp. Tuy nhiên kết thúc đại hội, tất cả các vấn đề trên đều được thông qua. Xin nhắc lại nhóm cổ đông chi phối CTCP Đầu tư Ngành nước DNP nắm tới 86% vốn điều lệ Nước sạch Số 3 Hà Nội.


Bạch Mộc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.