|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông Nhà nước HFIC cũng 'bất lực' tại ĐHĐCĐ Suleco

16:47 | 04/07/2019
Chia sẻ
Cổ đông Nhà nước HFIC lên tiếng phản đối về việc xin ủy quyền nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ Suleco cho HĐQT công ty, tuy nhiên kết thúc đại hội tất cả các vấn đề đều được thông qua.

Họp cổ đông mà không công bố ngày chốt quyền, Suleco bị cổ đông chất vấn

Thông báo chốt danh sách cổ đông tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 (ĐHĐCĐ) trong đó quy định ngày đăng ký cuối cùng là 5/4/2019 và ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/4/2019.

Tuy nhiên sau đó, CTCP Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia (Suleco) lại công bố gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ, thực hiện hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy giao dịch trên thị trường UPCoM. Đến ngày 14/6/2019, Suleco có thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 trong đó nêu rằng cổ đông có quyền dự họp là cổ đông có tên trong danh sách ngày 13/6/2019. 

Đáng chú ý là Suleco đã không thông báo thời gian chốt danh sách cổ đông trên các phương tiện công bố thông tin kể từ sau thông báo ngày chốt quyền 5/4.

Đây chính là vấn đề khiến một số cổ đông Suleco đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ĐHĐCĐ tổ chức ngày 29/6 vừa qua. Cổ đông cho rằng, việc Suleco không công bố công khai ngày chốt quyền thì NĐT không thể nắm được thời gian để mua bán cổ phiếu xác định ngày giao tham dự đại hội.

20190629_110215

ĐHĐCĐ Suleco (Ảnh do cổ đông cung cấp)

Đại diện của công ty cho biết rằng, Suleco hủy đăng ký công ty đại chúng từ ngày 5/4 do không đủ số lượng cổ đông 100 người, công ty sau đó tự quản lý danh sách cổ đông nên không bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ.

Tại phần hỏi đáp, đại diện Suleco cũng tiết lộ công ty hiện có trên 130 cổ đông, và đủ điều kiện là công ty đại chúng. Do đó, công ty sẽ thực hiện thủ tục đăng ký và trở lại thị trường UPCoM theo quy định pháp luật.

Trao quá nhiều quyền cho HĐQT, cổ đông Nhà nước lên tiếng

Năm 2019, Suleco đặt kế hoạch doanh thu thuần 76,5 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế 12 tỉ đồng. Đáng chú ý, công ty trình lên kế hoạch chi trả cổ tức 7% lần đầu tiên kể từ thời điểm cổ phần hóa 2015, trong đó tạm ứng đợt một 4% vào quý III/2019. Đây có thể xem là tín hiệu vui đối với các cổ đông lâu năm của Suleco.

Trao đổi với người viết, một cổ đông Suleco cho biết công ty từng có hiệu quả kinh doanh rất cao dưới thời Nhà nước, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 đạt gần 39 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi IPO, lợi nhuận của Suleco giảm dần.

Đại hội năm 2019, phương án ủy quyền cho HĐQT quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ vấp phải nhiều ý kiến phản đối, trong đó có cổ đông Nhà nước HFIC sở hữu 25% vốn điều lệ.

Đại diện Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HIFC) cho rằng những vấn đề như quyết định thuê cơ sở vật chất để mở rộng hoạt động kinh doanh; quyết định góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phần của công ty tại các công ty con bao gồm cả trường hợp mà giá trị đầu tư, giá trị giao dịch thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ; việc ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm, làm việc, thương lượng với các đối tác để đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có của công ty… là những vấn đề quan trọng, đề nghị HĐQT thực hiện theo điều lệ công ty. Kế hoạch đầu tư khai thác quỹ đất hiện có, HFIC đề nghị Suleco thực hiện theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân TP HCM.

Hay việc xin thông qua chủ trương đầu tư dự án Nhà dưỡng lão kết hợp phát triển nông nghiệp sạch tại Lâm Đồng với tổng mức đầu tư dự kiến không quá 50% tổng tài sản cũng được HFIC góp ý là đang không có phương án đầu tư cụ thể, không có báo cáo về khả năng sinh lời, nguồn huy động vốn… cần bổ sung thêm.

Đại diện vốn Nhà nước cũng lưu ý đến các khoản đầu tư của Suleco, trong đó góp vốn với CTCP Vận tải Ô tô Vĩnh Long 39,5 tỉ đồng, hay khoản cho vay CTCP Môi trường Công ích Miền Nam 29,6 tỉ đồng, thời hạn vay một năm và không có tài sản đảm bảo.

Đáng lưu ý, tại ĐHĐCĐ năm ngoái, cổ đông Nhà nước HFIC đã có ý kiến về các khoản nói trên và Suleco đã hứa là trong năm 2018 sẽ thu hồi các khoản cho vay và góp vốn này. Thế nhưng kết thúc năm qua, không những Suleco chưa thu hồi mà khoản cho vay còn tăng thêm.

Được biết, Công ty Môi trường Công ích Miền Nam mới chỉ được thành lập từ năm 2016, vốn điều lệ 75 tỉ đồng; tuy nhiên đến tháng 9/2018, cổ đông sáng lập lớn nhất Nguyễn Hoàng Quân sở hữu 40% vốn điều lệ đã bất ngờ thoái vốn.

Tuy nhiên kết thúc đại hội, tất cả các vấn đề trong tờ trình vẫn đủ điều kiện thông qua.

Nhóm cổ đông lớn 'già dơ' trên thị trường chứng khoán

Suleco vốn điều lệ 92 tỉ đồng với cổ đông lớn nhất là CTCP Hoàn Lộc Việt sở hữu 45,66%, HFIC sở hữu 25%, cổ đông cá nhân Nguyễn Thị Mỹ Tiên sở hữu 21,82%, cổ đông Mai Vương Diệu sở hữu 4,38%...

Suleco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ đào tạo, xuất khẩu lao động và chuyên gia, giới thiệu việc làm chủ yếu sang Nhật Bản. Đây cũng là một trong những công ty đầu tiên cung cấp nữ PG cho các hãng bia như Heiniken, Tiger…

1-e1445416586590_LBJC

Suleco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Tại thời điểm cổ phần hóa, Suleco quản lý và sử dụng hai bất động sản gồm tòa nhà số 635A, đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP HCM diện tích 842 m2; và nhà số 165 Đại lộ 3, phường Phước Bình, quận 9, TP HCM diện tích 12.305 m2. Đáng chú ý, bản cáo bạch của Suleco ghi rõ "giá trị sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp: 0 đồng".

Quay trở lại nhóm cổ đông lớn nhất tại Suleco – Hoàn Lộc Việt, công ty được sáng lập năm 2007 bởi ông Phan Minh Hoàn (nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính) hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ máy tính. Từng có vốn điều lệ tới 1.500 tỉ đồng, tuy nhiên sau nhiều lần thay đổi, vốn điều lệ của Hoàn Lộc Việt hiện chỉ còn 800 tỉ đồng.

Năm 2014, Hoàn Lộc Việt nổi tiếng với thương vụ mua 22% cổ phần của SASCO sau đó bán lại cho Tập đoàn IPP Group của ông "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn.

Hoàn Lộc Việt cũng là "kiến trúc sư trưởng" trong thương vụ mua cổ phần và hợp nhất hai công ty chứng khoán là Chứng khoán Tiên Phong (ORS) và Chứng khoán Châu Á (ASC).

Đông A