|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những khoản đầu tư đất vàng và ngân hàng của HFIC - 'con cưng' của TP HCM

11:21 | 25/05/2019
Chia sẻ
Được xem là "con cưng"của TP HCM, HFIC hiện nắm khá nhiều khoản đầu tư tại những doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP HCM. Trong đó có không ít khoản đầu tư ở những khu đất vàng và ngân hàng.

Báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) cho thấy, tính đến cuối 2018, HFIC có vốn điều lệ 7.950 tỉ đồng. Cơ cấu tài sản chiếm hơn 84% là các khoản cho vay dài hạn 4.925 tỉ đồng và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 5.806 tỉ đồng.

Cho vay do HFIC thực hiện trực tiếp là 4.843 tỉ đồng, giá trị thu hồi chiếm 98%; HFIC hợp vốn cho vay gần 160 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với đầu năm, giá trị có thể thu hồi là gần như toàn bộ. Ước tính tỷ lệ nợ xấu các khoản cho vay của HFIC là 4,31%, giảm so với 4,98% vào đầu năm 2018.

Đối với các khoản đầu tư góp vốn, HFIC sở hữu 100% vốn tại hai công ty con là Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM và Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết TP HCM với giá trị gốc lần lượt 1.178 tỉ và 1.297 tỉ đồng; và sở hữu 51% tại CTCP Chiếu sáng Công cộng TP HCM. Bên cạnh đó, HFIC có 2.469 tỉ đồng đầu tư vào 14 công ty liên kết, một số này sở hữu những dự án đất vàng tại TP HCM.

Khoản đầu tư 450 tỉ đồng tại Sài Gòn Kim Cương

CTCP Sài Gòn Kim Cương nổi tiếng với dự án tháp SJC tại khu tứ giác vàng đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực (quận 1). Công ty thành lập năm 2007 với 4 cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), CTCP Hùng Vương, CTCP Kinh Đô (KDC - hiện là CTCP Tập Đoàn Kido) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, nhằm đầu tư dự án Tháp SJC.

Nhiều năm sau, Sài Gòn Kim Cương chỉ còn ba cổ đông gồm HFIC nắm 40% (do Kinh Đô chuyển nhượng); và hai công ty con của Vạn Thịnh Phát là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star sở hữu 42%, và CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam nắm 18%.

Năm 2017, Sài Gòn Kim Cương tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỉ đồng, tuy nhiên HFIC đã bán lại hơn 13 triệu quyền mua cổ phiếu phát hành mới, thu về trên 252 tỉ đồng, chiếm phần lớn trong khoản thu của năm 2017. Với việc bán quyền mua trên, tỉ lệ sở hữu của HFIC giảm còn 25%.

Năm 2016, HFIC thắng lợi từ cổ phần hóa các công ty thu gần 912 tỉ đồng. Năm 2015, HFIC có khoản doanh thu trên 145 tỉ đồng từ chuyển nhượng vốn CTCP Xây dựng Cầu Sài Gòn và CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh - BCCI (nay CTCP Đầu Tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đã thâu tóm và đổi tên thành Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc).

Lũy kế đến năm 2016, Sài Gòn Kim Cương lỗ gần 204 tỉ đồng. Với vai trò chính là triển khai dự án tháp SJC nên Công ty phải sống nhờ hoạt động cho thuê mặt bằng và đặt biển quảng cáo trong thời gian triển khai đầu tư, do đó dự kiến kinh doanh tiếp tục lỗ cho đến khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh.

Được biết tháp SJC có diện tích gần 3.792 m2, địa điểm số 66ter, đường Lê Lợi, phường Bến Thành, quận 1. Thời hạn sử dụng đất đến tháng 11/2057, Công ty chỉ phải nộp tiền thuê đất cho 36 năm 11 tháng kể từ tháng 12/2019.

Những khoản đầu tư đất vàng và ngân hàng của HFIC - con cưng của TP HCM - Ảnh 2.

Phối cảnh tháp SJC.

Tổng mức đầu tư khoảng 3.210 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, cập nhật gần nhất vào tháng 1 năm nay, UBND TP HCM đã điều chỉnh giảm chiều cao công trình từ 208 m xuống 199,8 m và giảm số tầng từ 54 còn 46. Đồng thời, chuyển chức năng văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ - căn hộ bán và cho thuê thành chức năng văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê. Như vậy dự án không còn chức năng căn hộ bán.

Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM (HMTC)

HMTC được giao quản lý, đầu tư và cho thuê nhiều bất động sản giá trị tại trung tâm TP HCM như chung cư 213 Đồng Khởi (quận 1), cao ốc 255 Trần Hưng Đạo (quận 1), cao ốc văn phòng 25Bis Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), cao ốc văn phòng 91 Pastuer (quận 1), 18 Cư Xá Đô Thành (quận 2), 123 Trương Định (quận 3)…

Dù sở hữu và quản lý nhiều dự án đắc địa nhưng HMTC lại kinh doanh thua lỗ thời gian gần đây, tính đến giữa năm 2018, HMTC lỗ lũy kế gần 54 tỉ đồng.

"Đất vàng" số 8-12 Lê Duẩn

Thông qua HMTC, HFIC sở hữu CTCP Đầu tư Lavenue với giá trị khoản đầu tư 155 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2018).

CTCP Đầu tư Lavenua hiện đang là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown tại khu đất vàng 4.896 m2 số 8-12 Lê Duẩn (quận 1), xôn xao dư luận thời gian qua bởi lùm xùm việc biến tài sản sở hữu nhà nước vào tay tư nhân.

Những khoản đầu tư đất vàng và ngân hàng của HFIC - con cưng của TP HCM - Ảnh 3.

Vị trí dự án 8-12 Lê Duẩn. (Nguồn: Google map)

Theo báo Thanh niên, vào năm 2010, dự án có tổng mức đầu tư khảng 2.700 tỉ đồng. Trong đó, HMTC góp 50%; 4 công ty thuê đất trước đó thuôc Bộ Công thương gồm CTCP Hóa chất Vật liệu Điện TP HCM, CTCP Kim khí TP HCM, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco mỗi công ty góp 12,5%.

Tuy nhiên cả 5 công ty này đều không đủ năng lực đầu tư dự án, HMTC đã chấp thuận hợp tác với nhà đầu tư mới là Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm chỉ thành lập được vài tháng và chưa tham gia thực hiện bất cứ dự án nào, với tỷ lệ 30% vố góp.

Còn 4 công ty của Bộ Công thương đồng ý chuyển nhượng và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (thuộc Kido) đồng ý nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất số 8-12 Lê Duẩn "theo giá trị chuyển nhượng tự thỏa thuận".

Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND TP HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất khu đất. Từ đó, Thanh tra yêu cầu thu hồi lại khu đất này. Hiện nay dự án đã thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư, tuy nhiên vẫn đang là bãi giữ xem và là căn cứ để phục vụ điều tra liên quan đến sai phạm.  

Những khoản đầu tư đất vàng và ngân hàng của HFIC - con cưng của TP HCM - Ảnh 4.

Bài giữ xem trên khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn. (Ảnh: Người Lao động)

Những khoản đầu tư tại ngân hàng

Ngoài đất, HFIC còn nắm hàng triệu cổ phần tại ba ngân hàng là HDBank (26,3 triệu cp), Eximbank (5,6 triệu cp) và Viet A Bank (4,32 triệu cp).

HDBank những năm qua phát triển tương đối ổn định với lợi nhuận liên tục tăng, nợ xấu duy trì mức thấp trong hệ thống. 

Trong khi đó, Eximbank kinh doanh liên tục sụt giảm, rối rem nhân sự cấp cao, các nhóm cổ đông phân quyền, "bốc hơi" tiền gửi khách hàng… Ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận Eximbank giảm gần 37% so cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 280 tỉ đồng. Hiện đây là ngân hàng duy nhất chưa tiến hành đại hội đồng cổ đông thương niên năm tài chính 2018.

Tương tự, Viet A Bank cũng dính vào những lùm xùm tiền gửi khách hàng bị mất, lãnh đạo cấp cao liên tục thay đổi. Chỉ trong năm 2017, Viet A Bank trải qua ba đời Tổng Giám đốc. Quý I/2019, tổng tài sản ngân hàng giảm hơn 9.900 tỉ đồng do số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tại ngân hàng giảm. Cùng với đó, lợi nhuận ròng giảm gần 68% so với cùng kì năm trước, đạt hơn 23 tỉ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ dự án tại số 33-39 Pasteur trong năm 2019

Kết quả 2018, hai hoạt động chính gồm cho vay và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác mang lại cho HFIC thu nhập lần lượt trên 245 tỉ đồng và 250 tỉ đồng. So với năm trước đó, thu nhập lãi thuần tăng 15% trong khi thu nhập từ đầu tư góp vốn giảm đến gần 55%. Nguyên nhân chính là không có khoản thu từ bán quyền mua cổ phần Sài Gòn Kim Cương như năm ngoái. Nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng mang về hơn 85 tỉ đồng.

Chi phí được giảm 33% còn 97 tỉ đồng. Ngoài ra, HFIC còn hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro cho vay trên 32 tỉ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt gần 464 tỉ đồng, giảm khoảng 27%.

Năm 2019, công ty mẹ HFIC đặt kế hoạch doanh thu khoảng 760 tỉ đồng, lãi trước thuế trên 500 tỉ đồng. Đẩy nhanh tiến độ xây dự án Văn phòng - thương mại dịch vụ của HFIC tại số 33-39 Pasteur (quận 1), dự án xây hạ tầng khu tái định cư 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Những khoản đầu tư đất vàng và ngân hàng của HFIC - con cưng của TP HCM - Ảnh 5.

Vị trí lô đất 33-39 Pasteur. (Nguồn: Google map)

Mới đây, công ty liên kết của HFIC nắm gần 29% quyền biểu quyết là CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM) phát hành gần 86,4 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cp. Tuy nhiên HFIC đăng ký bán đấu giá công khai 37,5 triệu quyền mua cổ phiếu HCM, tương ứng 25 triệu cổ phần phát hành thêm với giá 14.000 đồng/cp. Đến ngày 22/5, hết thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu, HFIC đã không bán được cổ phiếu này. Do đó, HSC sẽ phân phối lại cho HFIC. Ước tính HFIC sẽ phải chi khoảng 350 tỉ đồng để mua hết số cổ phiếu này.

Tiến Vũ