Hé lộ kết quả kinh doanh của đơn vị vận hành casino Phú Quốc
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc vừa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét nửa đầu năm 2019; đây chính là đơn vị vận hành casino Phú Quốc (Corono Casino & Resort) - tổ hợp sòng bài đầu tiên thí điểm cho phép người Việt vào chơi.
Hoạt động chính của Công ty Phát triển Du lịch Phú Quốc là kinh doanh bất động sản (bao gồm cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng) và dịch vụ quản lý bất động sản, kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
Tổ hợp của công ty bao gồm các khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi phức hợp có thưởng, khu thương mại dịch vụ, sân golf, bất động sản nghỉ dưỡng, vườn thú Safari tại khu du lịch Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Dự án Vinpearl Phú Quốc thuộc quản lý của CTCP Phát triển Du lịch Phú Quốc
Ngoài ra công ty còn sở hữu một công ty con là CTCP Đầu tư Xây dựng Đại An với tỉ lệ sở hữu 98% nhằm phát triển khu đô thị Đại An tại tỉnh Hưng Yên.
Trong 6 tháng đầu năm, Phát triển Du lịch Phú Quốc ghi nhận 605 tỉ đồng đến từ hoạt động kinh doanh casino, hoạt động này mới chỉ mở cửa đón khách từ giữa tháng 1/2019
Các mảng kinh doanh chính khác như dịch vụ khách sạn chỉ đạt 259 tỉ đồng, giảm 63%; doanh thu dịch vụ quản lý biệt thự 187 tỉ đồng; doanh thu hợp tác kinh doanh 72 tỉ đồng, giảm 50% và chuyển nhượng bất động sản chỉ chưa đầy 2 tỉ đồng…
So với giá vốn, ngoài hoạt động kinh doanh casino có lãi gộp, các hoạt động còn lại của công ty đều đang thua lỗ.
Phát triển Du lịch Phú Quốc ghi nhận mức lỗ gộp hơn 600 tỉ đồng nửa đầu năm; chi phí tài chính hơn 783 tỉ đồng (chủ yếu là lãi vay) cộng thêm chi phí hoạt động hơn 450 tỉ đồng khiến công ty thêm phần thua lỗ.
Bất chấp doanh thu tài chính 328 tỉ đồng và 641 tỉ đồng doanh thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh; Phát triển Du lịch Phú Quốc vẫn báo lỗ ròng khoảng 872 tỉ đồng, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ bảng cân đối kế toán, Phát triển Du lịch Phú Quốc có mức tài sản ấn tượng hơn 30.800 tỉ đồng. Cơ cấu tài sản đến từ các nguồn chính như phải thu ngắn hạn gần 12.800 tỉ đồng, trong đó riêng các khoản phải thu cho vay chiếm hơn một nửa.
Tài sản cố định hơn 11.800 tỉ đồng bao gồm 8.650 tỉ đồng là nhà cửa kiến trúc, máy móc thiết bị gần 3.600 tỉ đồng phục vụ hoạt động kinh doanh casino.
Tài sản nhiều nhưng nợ cũng lớn, số nợ phải trả cuối kỳ của Phát triển Du lịch Phú Quốc gần 26.300 tỉ đồng, riêng các khoản vay là hơn 11.000 tỉ đồng. Ngoài ra công ty có các khoản phải trả hợp đồng hợp tác kinh doanh giá trị 10.100 tỉ đồng vào các dự án tại Bãi Dài, Phú Quốc và Hưng Yên.
Phát triển Du lịch Phú Quốc có vốn điều lệ 7.500 tỉ đồng, trong đó 30% thuộc về CTCP Vinpearl (công ty con của Tập đoàn Vingroup). Hai cổ đông cá nhân là ông Võ Phước Thành và bà Phạm Minh Anh mỗi người sở hữu 22,5%; Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đức Mai sở hữu 15% và bà Võ Thị Phương Thảo sở hữu 10%.
Tính đến hết quí II/2019, công ty lỗ lũy kế gần 3.000 tỉ đồng, điều này làm giảm vốn chủ sở hữu xuống còn hơn 4.500 tỉ đồng.