ĐHCĐ Minh Phú: Kì vọng lợi nhuận quí II tăng 50% so với quí I, cam kết trả cổ tức tối đa 70% từ năm 2021
Mitsui tham gia HĐQT, hứa trả cổ tức tối đa 70% từ 2021
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC), ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT cho biết, cơ cấu cổ đông lớn của công ty đã thay đổi nhiều so với trước (Mitsui & Co hiện đang sở hữu hơn 35% cổ phần của Minh Phú). Do đó, Ban điều hành và cổ đông lớn đề xuất bầu lại toàn bộ 9 thành viên HĐQT nhiệm kì 2019-2024 và sẽ đảm bảo 1/3 số lượng là thành viên HĐQT độc lập.
Danh sách đề cử gồm có các ông Lê Văn Quang, Lê Văn Điệp, Bùi Anh Dũng, Osada Tsutomu (Mitsui), Tsukahara Keiichi (Mitsui) và bà Chu Thị Bình; cùng với đó là ông Phan Thanh Lộc, Nguyễn Nhân Nghĩa và bà Hồ Thu Lê sẽ được đề cử thành viên HĐQT độc lập.
Theo ông Quang, khi cổ đông mới vào, các kế hoạch kinh doanh của công ty cũng có thể bị chậm lại do phải có sự đồng ý của các bên. Minh Phú cũng cam kết với Mitsui rằng kế hoạch 2019 - 2020 sẽ trả cổ tức tỉ lệ 50%, từ 2021 trở đi tối đa là 70%.
Vấn đề chia cổ tức này có nên đưa vào nghị quyết luôn hay không, ông Quang cho biết, Minh Phú phải bàn thêm để đảm bảo công bằng giữa các cổ đông. Nếu làm tốt hơn thì có thể chia cổ tức cao hơn.
Ngoài ra, nhà máy Minh quí hiện đang xây dựng nhưng chờ Mitsui vào để thống nhất. Minh Phú sẽ có những giải pháp để đảm bảo sản lượng tăng, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nói về mục đích tham gia vào Minh Phú, đại diện Mitsui cho biết, Tập đoàn sẽ đi sâu vào nhiều mảng của Minh phú như làm sao giảm vòng quay hàng tồn kho, đảm bảo lợi nhuận cao. Ngoài ra, Mitsui sẽ tham gia ban điều hành, chính sách phát triển cũng như đóng góp vào chương trình công nghệ thông tin của Minh Phú.
"Tập đoàn cũng dự định cử nhân viên của mình để bán hàng cho Minh Phú. Chúng tôi là nhà đầu tư chiến lược chứ không phải tài chính và muốn Minh Phú đi lên tầm cao mới", đại diện Mitsui cho biết.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Minh Phú sáng 29/6.
Lợi nhuận quí II có thể tăng 50% so với quí I
Bên cạnh đó, tại đại hội, cổ đông đã xem xét, thông qua kế hoạch kinh doanh mới. Cụ thể, chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu 2019 là 77.400 tấn, doanh số 850 triệu USD và không thay đổi so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế kế hoạch giảm từ 2.300 tỉ xuống 1.430 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ nhà máy Cà Mau 750 tỉ đồng, nhà máy Hậu Giang 500 tỉ đồng và lợi nhuận nuôi tôm 180 tỉ đồng.
Giải thích về việc điều chỉnh nói trên, ông Quang cho biết, quy trình nuôi tôm công nghệ được đánh giá là tốt, nhưng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nên nhiều người dân vẫn nuôi theo công nghệ cũ và chịu tác động thời tiết.
Đầu năm 2019, do nóng nắng kéo dài, người dân không dám thả. Sau đó, đến tháng 5 thì bắt đầu có mưa nên cũng không thả thêm. Vì vậy, nguồn cung nguyên liệu cũng thiếu, Minh Phú phải mua nguyên liệu rất cao để tối đa hóa công suất nhà máy, nên lợi nhuận quí I giảm.
Tuy nhiên theo ông Quang, lợi nhuận quí II sẽ cao hơn quí I trên 50% và đặc biệt từ tình hình nuôi tôm từ tháng 7 trở đi sẽ khá tốt do nguyên liệu tương đối dồi dào.
Tổng diện tích nuôi tôm của Minh Phú hiện tại là 900 ha với công nghệ cũ tương đối tốt, nhưng từ khi phát sinh dịch bệnh, công ty đã phải tìm công nghệ mới.
Hiện Minh Phú đang thử nghiệm công nghệ 234 với gần 1.500 ao, chi phí đầu tư khoảng 900 triệu/ao. Theo kế hoạch, Minh Phú Lộc An nuôi 760 ao/vụ, Kiên Giang 580 ao/vụ… Như vậy, tổng sản lượng cả công nghệ mới và cũ hơn 23.000 tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng của Minh Phú. Công ty đặt mục tiêu đến 2020 nuôi tôm lấp đầy hết 900 ha theo công nghệ mới.
"Chúng ta 2019 nuôi tôm theo mô hình 234, gần như lời 100%. Trong thời gian tới, công ty đặt mục tiêu tự nuôi được ít nhất 50% còn lại mua của người dân. Vùng tự nuôi tăng, lợi nhuận tương đối tốt trên 300 triệu/ao/vụ. Mỗi năm có thể nuôi 4,5 vụ/ao. Năng suất có thể đạt trên 10 tấn", ông Quang cho biết.