|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Vua gọi xe' Trung Quốc nhăm nhe vào Việt Nam, nỗi lo không chỉ của riêng Grab?

14:06 | 10/04/2018
Chia sẻ
Didi Chuxing - "vua gọi xe" Trung Quốc sẽ là một trong các đối thủ đáng gờm của Grab cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam nếu được cơ quan quản lý chấp thuận cho hoạt động...

vua goi xe trung quoc nham nhe vao viet nam noi lo khong chi cua rieng grab

Didi Chuxing (Trung Quốc) đã gửi hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải nhưng cơ quan chức năng chưa xem xét.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Xuân Thủy - Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua có một số công ty về ứng dụng gọi xe muốn vào Việt Nam như Go-Jek của Indonesia hay Didi của Trung Quốc.

“Didi đã gửi hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải nhưng cơ quan chức năng chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp”, ông Thuỷ cho biết. Cũng theo vị này, đến thời điểm hiện tại Didi Chuxing vẫn chưa được chính thức hoạt động tại Việt Nam.

Cả Go-Jek và Didi Chuxing đều được nhận định sẽ là hai đối thủ cực kỳ lớn của Grab và các hãng ứng dụng gọi xe khác nếu chính thức được phép hoạt động tại Việt Nam.

Trong 2 cái tên này, đáng lưu ý đó là Didi Chuxing. Hãng này được biết đến với một cái tên khá thú vị - đó là “sát thủ của Uber”. Sở dĩ gọi như vậy bởi ứng dụng này đã từng “hất cẳng” Uber ra khỏi thị trường đặt xe lớn thứ 2 trên thế giới – Trung Quốc.

Gần cuối năm 2016, giới công nghệ đã xôn xao trước thông tin Uber đồng ý bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi và rời bỏ quốc gia này sau gần 18 tháng cạnh tranh quyết liệt. Đổi lại, Uber nắm 17,7% cổ phần trong Didi và lấy thêm 1 tỷ USD tiền mặt.

Sở dĩ nhận định Didi sẽ là một trong các đối thủ đáng gờm của Grab cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam bởi họ là một doanh nghiệp rất tiềm lực. Không chỉ là công ty chia sẻ xe lớn nhất Trung Quốc, Didi Chuxing còn được hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là Tencent và Alibaba “hậu thuẫn”.

Năm 2017, các nhà đầu tư đã định giá Didi 35 tỷ USD, biến nó trở thành một trong các công ty tư nhân giá trị nhất thế giới chỉ sau Uber.

Trong khi đó, Go-Jek – một cái tên khá quen thuộc trong lĩnh vực gọi xe tại Đông Nam Á cũng “nhăm nhe” vào thị trường Việt Nam.

Thực tế thời gian qua tại Indonesia, cả Uber và Grab đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt với Go-Jek. Được biết, đến giữa năm 2017, Go-Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.

Âm ỉ từ năm ngoái và bắt đầu từ tháng 3/2018, thông tin hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Go-Jek của Indonesia tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân đã gây xôn xao trong giới công nghệ và cũng gây không ít lo lắng cho các doanh nghiệp cùng ngành.

Giám đốc điều hành Go-Jek Nadiem Makarim tỏ ra khá tự tin khi cho rằng, thỏa thuận sáp nhập giữa Uber và Grab là “cơ hội tuyệt vời” vì “ít đối thủ hơn đồng nghĩa với việc tiếp tục thống lĩnh thị trường sẽ thuận lợi hơn”.

Còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại giữa Grab và các ứng dụng nói trên nhưng có một điều có thể chắc chắn, khi các “ông lớn” tiếp tục vào đổ bộ vào Việt Nam cùng với đó một loạt ứng dụng mới mọc ở Việt Nam cùng sự đổi mới taxi truyền thống sẽ làm cho ngành vận tải phát triển một cách cạnh tranh hơn. Thị trường càng cạnh tranh thì sẽ càng có lợi cho người dùng trong việc chọn lựa, tuy nhiên nó cũng sẽ khiến cho các cơ quan chức năng tiếp tục “đau đầu” với bài toán quản lý…

Nguyễn Khánh