|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vốn tự có của ngân hàng (Equity bank) là gì? Các loại vốn tự có

17:30 | 26/08/2019
Chia sẻ
Vốn tự có của ngân hàng (tiếng Anh: Equity bank) là khoản vốn thuộc sở hữu của ngân hàng, hay còn gọi là vốn chủ sở hữu, bao gồm vốn điều lệ và quĩ dự trữ.
chung-khoan-my-lao-doc-ky-luc-45-

Hình minh họa (Nguồn: capitalfm)

Vốn tự có của ngân hàng (Equity bank)

Vốn tự có của ngân hàng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Equity bank hoặc Owner's equity bank.

Vốn tự có của ngân hàng là khoản vốn thuộc sở hữu của ngân hàng, hay còn gọi là vốn chủ sở hữu của ngân hàng. 

Vốn tự có của ngân hàng bao gồm vốn điều lệ và quĩ dự trữ. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Các loại vốn tự có của ngân hàng

Vốn điều lệ (Charter Capital)

Là khoản vốn thuộc sở hữu của ngân hàng, ghi trong bản điều lệ của ngân hàng, được hình thành ngay từ khi ngân hàng thương mại được thành lập. Gọi là vốn điều lệ vì vốn này được ghi rõ trong điều lệ hoạt động của ngân hàng. Vốn điều lệ có thể được điều chỉnh tăng lên trong quá trình hoạt động của ngân hàng.

Vốn điều lệ có thể do Nhà nước cấp nếu đó là ngân hàng thương mại quốc doanh, có thể là vốn đóng góp của cổ đông nếu là ngân hàng thương mại cổ phần. Trên thế giới, vốn của hầu hết các ngân hàng thương mại dưới dạng vốn cổ phần do các cổ đông đóng góp. 

Đứng về mặt hạch toán, ngân hàng thương mại cổ phần coi số vốn cổ phần là phần vay nợ từ các cổ đông. Do vậy, việc huy động vốn để thành lập ngân hàng cổ phần cũng được coi là nghiệp vụ vay nợ.

Qui mô vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại lớn hay nhỏ là tùy vào qui mô của ngân hàng với số lượng chi nhánh nhiều hay ít và địa bàn hoạt động là thành thị hay nông thôn, và không được nhỏ hơn vốn pháp định (Legal capital) qui định cho ngân hàng đó. 

Vốn pháp định là số vốn tối thiểu theo luật định mà ngân hàng phải có để đi vào hoạt động. Số vốn pháp định phụ thuộc vào các nghiệp vụ mà ngân hàng thực hiện, địa bàn hoạt động, số chi nhánh mà ngân hàng có...

Vốn điều lệ được sử dụng vào mục đích mua sắm tài sản, trang thiết bị ban đầu cần thiết cho hoạt động của ngân hàng; góp vốn liên doanh; cho các thành phần kinh tế vay và thực hiện các dịch vụ khác của ngân hàng. 

Các ngân hàng không được phép sử dụng nguồn vốn nào khác ngoài nguồn vốn điều lệ để đầu tư tài sản cố định của ngân hàng và hùn vốn liên doanh.

Quĩ dự trữ

Được hình thành từ 2 quĩ là Quĩ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ Quĩ dự trữ đặc biệt để bù đắp rủi ro (Loan loss reserves). Các quĩ này được trích từ lợi nhuận ròng (là lợi nhuận sau khi đã trừ thuế) hàng năm của ngân hàng.

Việc hình thành các quĩ này nhằm làm tăng vốn tự có của Ngân hàng, đồng thời đảm bảo an toàn trong kinh doanh. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Khai Hoan Chu