|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn ban đầu 900 triệu và vẫn lỗ, mô hình bếp tâp trung kêu gọi đầu tư thành công với định giá 9 tỷ đồng

10:53 | 10/05/2021
Chia sẻ
Với số vốn đầu tư 900 triệu đồng, Cloud Cook đã gọi vốn thành công với mức định giá trước đầu tư lên đến 9 tỷ đồng từ Shark Bình và Shark Liên.

Mô hình bếp trung tâm - nhà hàng chỉ bán mang đi trên các nền tảng giao hàng đang là xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam. Chính vì thế, ông Hoàng Tùng đã mang đến Shark Tank Việt Nam mùa 4 công ty Cloud Cook cùng đề xuất 4 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần.

Nói về ý tưởng kinh doanh của mình, ông Hoàng Tùng cho biết hiện có khoảng 200.000 nhà bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn trên thị trường. Cloud Cook sẽ tập trung các nhà bán hàng trên ứng dụng đó về một mô hình bếp trung tâm. 

Hiện tại, mô hình bếp trung tâm tại các ứng dụng giao đồ ăn bị giới hạn tại ứng dụng trong khi Cloud Cook cho phép bán hàng trên tất cả các ứng dụng.

“Ngành F&B có rất nhiều rủi ro, chi phí đầu tư lớn, với bếp trung tâm, nhà bán hàng chỉ cần số vốn vài chục triệu đồng đã có thể khởi tạo khu bếp và nhận đơn hàng… Nó sẽ tiết kiệm tài nguyên cho xã hội rất nhiều”, nhà sáng lập nhận định.

Bị bể cá mập tấn công, startup Bếp trên mây vẫn đứng vững, nhận được cái gật đầu từ shark Liên và shark Bình - Ảnh 1.

CEO Hoàng Tùng đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn cho mô hình bếp tập trung (Ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Như đã triển khai, Cloud Cook sẽ thu tiền cho thuê các gian bếp tại bếp trung tâm, mỗi một gian bếp sẽ có chi phí từ 5 - 10 triệu/tháng và mỗi trung tâm của Cloud Cook sẽ có tối đa 10 bếp. Cloud Cook hiện đang có 2 điểm tại Hà Nội. 

Tự tin là chuyên gia bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn, CEO Hoàng Tùng cho biết mô hình Cloud Cook sẽ sống khi mà các nhà bán hàng đều sống cùng, đồng nghĩa với việc Cloud Cook sẽ đào tạo cho những người tham gia cách bán hàng qua mô hình này.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư về doanh thu, lợi nhuận, số vốn ban đầu, kế hoạch tiếp theo… CEO Hoàng Tùng cho biết, số vốn đăng ký là 1,5 tỷ đồng, thực tế đã bỏ vào dự án này 900 triệu đồng. Doanh thu năm 2020 là hơn 2 tỷ đồng nhưng mới đạt được điểm hòa vốn và nếu tính sát còn có thể lỗ vì chưa tính lương của nhà sáng lập.

Cảm thấy không hứng thú với mô hình của Cloud Cook, ông Nguyễn Xuân Phú là nhà đầu tư đầu tiên từ chối CEO Hoàng Tùng. 

"Nếu cứ thuê gian bếp với 10 triệu/gian mà có độ chục trăm cái gian thì ít quá, không bõ công đầu tư. Nếu như mình tạo ra bếp và tận dụng tài năng nấu ăn của người khác, ăn chia theo doanh thu đồ ăn thì còn có tiềm năng. Anh cảm giác mô hình này không có sức tăng trưởng lớn", Shark Phú cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng nhận định mô hình này giống như co-working space (mô hình văn phòng chia sẻ) trong lĩnh vực bếp. 

“Nếu bạn thực sự là bếp tập trung, bạn hợp tác ăn chia doanh số với đầu bếp – những người đam mê nấu ăn nhưng không biết cách bán hàng thì tôi nghĩ mô hình này sẽ có khả năng nhân rộng tốt hơn, nhưng phải thu tiền tập trung”, Shark Hưng cho biết.

Ông Hưng cũng định hướng Hoàng Tùng nên làm marketing tổng thể cho toàn bộ gian bếp. Thêm nữa, ông chỉ ra vấn đề lớn mà Cloud Cook chưa giải quyết được, đó là chi phí vận chuyển ở các ứng dụng giao hàng đang rất là cao, nếu như startup không tìm cách cắt giảm chi phí, rút ngắn khoảng cách giao hàng thì đó cũng làm một hạn chế của mô hình này. Nhận thấy không phù hợp, Shark Hưng đã từ chối đầu tư.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho rằng, bản chất của bếp tập trung là phải kiếm tiền từ các giao dịch. 

“Mô hình này anh nghĩ là không sống được và chắc là anh phải từ chối đầu tư”, Shark Bình nói. Song, nếu startup chuyển về mô hình bếp trung tâm đúng nghĩa, chỉ đi nấu và bán, ăn lợi nhuận thì hệ sinh thái của Shark Bình sẽ hỗ trợ cho Cloud Cook.

Với điều kiện trên, ông đưa ra lời đề nghị 4 tỷ cho 35%. Trong khi đó ông Phạm Thanh Hưng và ông Nguyễn Thanh Việt tiếp tục chỉ ra lỗ hổng trong bài toán tài chính cũng như mô hình kinh doanh mà Cloud Cook đang mắc phải. 

Shark Hưng cho rằng với mức đầu tư là 900 triệu, doanh thu khoảng 2 tỷ, đang lỗ mà gọi đầu tư 4,5 tỷ cho 15% thì bài toán tài chính chưa được hợp lý. Trong khi đó Shark Việt cũng cho rằng ý tưởng của Cloud Cook “hơi lãng mạn”. 

Không chất vấn CEO Hoàng Tùng nhiều về vấn đề tài chính, bà Đỗ Liên bất ngờ tỏ ra đồng cảm với nhà sáng lập, vì bà quan tâm tới việc Cloud Cook tạo ra công ăn việc làm cho số đông cộng đồng. Bà cho rằng lợi thế của mình là cộng đồng phụ nữ với vài chục nghìn người.

"Ngay lập tức, em mở ra bao nhiêu thì chị có thể lấp đầy cho em luôn", Nhà sáng lập ứng dụng Lian nói.

Bị thuyết phục, ông Hoàng Tùng nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% cho 4 tỷ đồng. Trong khi các nhà đầu tư khác vẫn đang phân vân, thì bà Đỗ Liên nâng hẳn lời đề nghị lên 8 tỷ đồng cho 40% với quyết tâm "hạ knock out" các "cá mập" khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình cũng đưa ra lời đề nghị của mình: 4 tỷ đồng cho 33%. Ông cho rằng Cloud Cook có thể nhận hỗ trợ "gió đông", chính là hệ sinh thái công nghệ của NextTech.

Phân vân giữa hai lựa chọn, ông Hoàng Tùng sau cùng muốn sự góp mặt của cả ông Bình và bà Liên. Nhà sáng lập đưa ra đề nghị 6 tỷ đồng cho 40% cổ phần, chia đều cho hai nhà đầu tư. Đây cũng là lời mời gọi nhận được cái gật đầu của cả hai vị "cá mập". Số tiền này tương đương mức định giá trước đầu tư là 9 tỷ đồng.

Thùy Trang