|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ?

10:41 | 30/09/2022
Chia sẻ
Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo khác của Ấn Độ được cho là sẽ ảnh hưởng đến một số nhà nhập khẩu gạo từ nước này, trong đó có Việt Nam - khách hàng mua gạo tấm lớn thứ ba của Ấn Độ.

Biện pháp siết chặt xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam

Để kiểm soát giá trong nước, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với một số loại khác kể từ ngày 9/9. Động thái này được cho là sẽ tác động trực tiếp đến một số nhà nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, Việt Nam đã nhập khẩu 399.397 tấn gạo từ Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm nay, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số đó là gạo 100% tấm, loại gạo mà Ấn Độ đã cấm xuất khẩu mới đây.

Đồng thời Việt Nam cũng là nước nhập khẩu gạo tấm lớn thứ 3 của Ấn Độ, chỉ sau Trung Quốc và Senegal, chiếm khoảng 7% thị phần với 210.753 tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong khi Senegal nhập khẩu gạo tấm như nguồn thức ăn thiết yếu thì Trung Quốc và Việt Nam nhập khẩu gạo tấm giá rẻ của Ấn Độ để thay thế ngô, lúa mì và đậu tương làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm rượu và thực phẩm chế biến khác trong bối cảnh giá các mặt hàng này tăng mạnh.

Còn theo thông tin từ phía các doanh nghiệp, thuế nhập khẩu tấm ở mức thấp nên nhập khẩu tấm từ Ấn Độ về chế biến có nhiều lợi thế do giá gạo của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với gạo của Việt Nam.

Ngoài ra trong vài năm trở lại đây, Việt Nam chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng thấp và trung bình, tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao nên phân khúc gạo, tấm phục vụ chế biến đang thiếu.

Do đó dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới nhưng từ năm 2021 trở lại đây Việt Nam đã nhập khẩu một lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ. 

Các nước nhập khẩu gạo 100% tấm (HS 10064000) hàng đầu của Ấn Độ  

Số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Không chỉ có gạo 100% tấm, Việt Nam còn là một trong những nước nhập khẩu nhiều gạo trắng thường (HS 10063090) từ Ấn Độ, loại gạo mà nước này vừa áp thuế 20%. Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu 178.839 tấn gạo trắng thường từ Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm nay, chiếm 6% thị phần xuất khẩu của nước này.

Giá gạo trắng thường mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ đạt bình quân 329 USD/tấn, nhưng nay cộng thêm 20% thuế thì sẽ lên đến 394 USD/tấn, không thấp hơn nhiều so với giá gạo nội địa Việt Nam cũng như các nhà cung cấp khác. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể khiến các nhà nhập khẩu phải tìm kiếm những phương án mới trong thời gian tới.

 Các nước nhập khẩu gạo trắng (HS  10063090) hàng đầu của Ấn Độ   

Số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Theo giới chuyên gia, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến gần như toàn bộ lượng gạo mà Việt Nam đang nhập khẩu từ thị trường này. Bởi xét trong cơ cấu nhập khẩu thì có đến 53% khối lượng sẽ bị cấm xuất khẩu và 44% bị nâng thuế lên 20%.

Ngoài ra,  bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng: "Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ còn ảnh hưởng đến một số công ty chuyên làm thương mại. Các công ty này nhập khẩu gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ sau đó tái xuất sang các quốc gia khác".

Số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)    

Thị trường trong nước biến động mạnh

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này là Trung Quốc và Việt Nam.

Do đó, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.

Còn theo nhận định của KBSV, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm sẽ gâp áp lực lên mặt bằng giá gạo nhưng không quá mạnh. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hoàn toàn có thể quay trở lại sử dụng các loại lương thực thay thế trên, nhất là khi giá đã các mặt hàng này đã giảm đáng kể so với vùng đỉnh. 

Tại trong nước, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là gạo phẩm cấp thấp đã tăng mạnh sau động thái siết chặt xuất khẩu của Ấn Độ.  

Hiện gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm IR 504 đã tăng lên 8.700 đồng/kg và 9.300 đồng/kg, tăng lần lượt 700 đồng/kg và 450 đồng/kg so với trước đó. Tương tự, giá tấm IR 504 cũng tăng vọt 800 đồng/kg lên 9.100 đồng/kg; cám khô tăng 650 đồng/kg lên 8.300 đồng/kg.

Số liệu tổng hợp. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Trái ngược với các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo được cho là sẽ hưởng lợi từ những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ. Giá chào bán gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã tăng 30 USD/tấn, lên 423 USD/tấn, mức cao nhất trong 3 tháng qua. 

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, luỹ kế từ đầu năm đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá 2,4 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Hiệp