|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì thương chiến, một doanh nghiệp Trung Quốc chạy sang Việt Nam và xuất khẩu 1.100 container hàng mỗi tháng, mục tiêu nâng lên 4.000

11:57 | 18/10/2019
Chia sẻ
Để tránh tác động của cuộc chiến thuế quan giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã vội vã chuyển sản xuất từ quê nhà sang Việt Nam, các lĩnh vực chủ yếu là đồ nội thất và dệt may.
960x0

Một nhà máy sản xuất quần áo tại Hà Nội. Ảnh: AFP/Getty Images.

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chống lại Trung Quốc đã khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp tại quốc gia tỉ dân bị đảo lộn. Thuế quan đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhập vào Mỹ liên tục tăng cao, phạm vi đánh thuế ngày càng mở rộng.

Theo ông Trump, mục đích của chính sách thuế quan này là để doanh nghiệp Mỹ đang sản xuất tại Trung Quốc phải đưa nhà máy về Mỹ, tạo ra việc làm trên quê hương. Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ đã trực tiếp kêu gọi doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc để quay lại quê nhà.

Trong bối cảnh thương chiến ác liệt, chính sách thuế quan thay đổi theo từng dòng tweet, doanh nghiệp tại Trung Quốc buộc phải nghĩ kế phòng thân. 

Giải pháp dễ dàng và được ưa chuộng nhất đúng là rời khỏi Trung Quốc, nhưng không phải để đến Mỹ (nơi có chi phí nhân công đắt đỏ) mà là tới các quốc gia trong khu vực đang mở rộng cửa chào đón.

Việt Nam là một trong số các quốc gia hưởng lợi từ xu hướng di cư của doanh nghiệp này, không chỉ các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc mà cả các doanh nghiệp "bản xứ" Trung Quốc 100%.

Theo tạp chí Forbes, quá trình chuyển dịch sản xuất này đã diễn ra từ lâu do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao, định hướng tỷ giá thay đổi và chính sách của nước này trong việc đẩy mạnh các lĩnh vực mới như công nghệ hay hàng không vũ trụ thay cho các ngành sản xuất hàng tiêu dùng đơn giản.

Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan với Mỹ đã khiến cho sự chuyển dịch nói trên diễn ra nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Hàng trăm doanh nghiệp lũ lượt rời đi.

Doanh nghiệp sản xuất nội thất nằm trong nhóm mạnh dạn chuyển dịch tới Việt Nam nhất. Forbes dẫn thông tin từ tạp chí Furniture Today cho biết nhiều doanh nghiệp nội thất đang gấp rút xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam.

Wanek Furniture – công ty liên quan của tập đoàn bán lẻ nội thất Ashley Home nổi tiếng của Mỹ - cho biết đã chuyển khoảng 50-70% năng lực sản xuất đệm nhập khẩu sang Việt Nam

Theo số liệu của Raymond James, Việt Nam chiếm khoảng 28% thị phần đệm nhập khẩu của Mỹ, tăng mạnh so với thời gian trước đó.

Man Wah, một nhà sản xuất vải thảm lớn của Trung Quốc cho biết công ty này đã xây một nhà máy trên diện tích 230.000 m2 tại Việt Nam chỉ trong vòng 9 tháng và hiện đang nhanh chóng chuyển sản xuất đến nhà máy này để phù hợp với tình hình thương mại.

Từ con số 0 tròn trĩnh, Man Wah hiện xuất khẩu 1.100 container hàng hóa từ Việt Nam đi các nước và có kế hoạch nâng lên thành 2.000 container mỗi tháng trong năm nay. Khi dự án xây dựng các nhà máy hoàn tất, Man Wah dự kiến nâng năng lực xuất khẩu lên thành 4.000 container.

Nội thất không phải là ngành duy nhất của Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Hãng tin Sourcing Journal cho biết hàng giày dép Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ từ đầu năm đến nay tăng trưởng 11,3% so với cùng kì năm ngoái và hiện chiếm 26% thị phần toàn nước Mỹ.

Con số này vẫn thấp hơn thị phần 50% của Trung Quốc nhưng cũng phản ánh sự vươn lên của Việt Nam trong ngành trước đây do Trung Quốc hoàn toàn thống trị.

Tuy nhiên Forbes cũng lưu ý rằng Việt Nam có một số hạn chế khi mời chào doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc đến với mình. Một nhân tố là lực lượng lao động chưa đủ lớn do qui mô dân số Việt Nam chỉ bằng 1/16 Trung Quốc.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa đạt đến qui mô mà Trung Quốc xây dựng trong suốt 4 thập kỉ qua. Đường xá, bến cảng và khả năng bốc dỡ hàng hóa của Việt Nam đều chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Chưa kể, Việt Nam còn thiếu một hệ thống các nhà thầu phụ đủ khả năng sản xuất hàng loạt linh kiện nhỏ cần thiết cho quá trình lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Song Ngọc

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.