|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đã rời Trung Quốc sang Việt Nam, Puma vẫn chưa hết thảm cảnh vì chiến tranh thương mại

07:32 | 04/08/2019
Chia sẻ
Bất chấp việc đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các trung tâm sản xuất khác như Việt Nam, Bangladesh và Campuchia, Puma vẫn chưa bớt lo ngại về thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh.
1

Ảnh: Bloomberg

Bloomberg đưa tin, Puma SE đã cảm thấy "sức nóng" từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trước khi thuế quan do Tổng thống Donald Trump đề xuất "đánh" vào lĩnh vực đồ thể thao.

Nhằm bảo vệ bản thân, Puma đang tăng tốc quá trình chuyển hoạt động sản xuất giày dép và hàng may mặc từ Trung Quốc sang loạt quốc gia khác như Việt Nam, Bangladesh và Campuchia.

Khi các nhà sản xuất khác làm điều tương tự, những trung tâm cung ứng mới này ngày càng trở nên đông đúc hơn. Điều đó đẩy mọi loại chi phí (từ chi phí nhà máy, bộ phận giày dép đến đóng gói) tăng lên, CEO Bjorn Gulden của Puman cho hay.

"Tôi không thể định lượng được chi phí đã tăng lên bao nhiêu, vì cá nhân tôi không cho rằng có một con số cụ thể, tuy nhiên đây là một thực tế", ông Gulden chia sẻ với phóng viên vào hôm 31/7 sau khi công bố kết quả kinh doanh quí II.

Tổng thống Trump đã đe dọa áp thuế quan đến 25% đối với sản phẩm giày dép. Việc chuyển hoạt động sản xuất giày dép và hàng may mặc khỏi Trung Quốc đã buộc Puma phải "giữ chỗ" công suất ở các trung tâm cung ứng khác như Việt Nam sớm hơn thường lệ, ông Gulden nói.

Do đó, hãng thời trang thể thao có trụ sở tại Đức này hiện đang dự trữ khối lượng hàng hóa nhiều hơn thông thường 7%.

Vào tháng 5, cùng với Nike, Adidas AG và các công ty giày dép khác, Puma đã kí một bức thư ngỏ gửi đến Tổng thống Trump. Nội dung thư đề cập rằng thuế quan lên giày dép sản xuất tại Trung Quốc có thể một thảm họa đến người tiêu dùng và công ty của họ cũng như nền kinh tế Mỹ.

Tác động về giá có thể sẽ thay đổi tùy theo khu vực, ông Gulden nhận định.

Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ "bình an vô sự" vì các công ty từng xuất hàng ra thế giới đang ngày càng tập trung phục vụ khách hàng trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ sẽ "lãnh đủ" thuế quan khi mua sắm quần áo.

"Bạn không thể chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và do dó giá sản phẩm trên thị trường sẽ tăng và khách hàng là người chịu thiệt", CEO Puma nói.

Yên Khê