|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một tập đoàn tỉ đô của Mỹ đang chuyển hết sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

15:34 | 10/10/2019
Chia sẻ
Tập đoàn Fitbit của Mỹ vừa tuyên bố đang chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe và đồng hồ thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế khi nhập khẩu về Mỹ.
fitbit

Sản phẩm đồng hồ thông minh Versa 2 của Fitbit. Ảnh: Getty Images.

Bloomberg trích dẫn một thông cáo được đưa ra hôm 9/10 cho biết Fitbit kì vọng kể từ tháng 1/2020, tất cả sản phẩm theo dõi sức khỏe và đồng hồ thông minh của công ty sẽ không còn mang nhãn xuất xứ từ Trung Quốc và do vậy không bị đánh thuế nhập khẩu khi mang về Mỹ.

Fitbit cho biết công ty này sẽ cung cấp các thông tin tài chính liên quan đến sự chuyển đổi này trong buổi công bố kết quả kinh doanh quí III tới đây.

Như vậy Fitbit đã "nhập hội" hàng trăm công ty Mỹ khác trong xu hướng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác để tránh tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Công ty sản xuất thiết bị theo dõi vị trí qua Bluetooth là Tile Inc. mới đây cũng cho biết đang xem xét chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc để thành lập các trung tâm sản xuất mới tại Mexico, Malaysia, Việt Nam và "có thể là Mỹ".

Năm ngoái, hãng sản xuất máy ảnh và camera GoPro Inc. thông báo sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất camera cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Đại gia công nghệ Apple thì từ lâu đã kiến nghị với giới lãnh đạo ở Washington để đưa điện thoại iPhone và các sản phẩm khác của mình ra khỏi danh sách hàng Trung Quốc bị đánh thuế từ ngày 15/12 tới.

Các dây chuyền sản xuất iPhone qui mô lớn đều được đặt tại Trung Quốc nên Apple gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đến quốc gia khác.

Ông Tom Forte – một nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính D.A. Davidson nhận định: "Fitbit là một ví dụ tuyệt vời cho xu hướng doanh nghiệp chủ động ra quyết định nhằm hạn chế tác động của các rủi ro liên quan tới thuế quan. Trong trường hợp này, công ty quyết định đưa toàn bộ chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc".

Các công ty khác "có thể hòa theo xu hướng này nếu cuộc chiến thương mại kéo dài, lan rộng và có nguy cơ leo thang".

Năm 2018, Fitbit đạt doanh thu hơn 1,5 tỉ USD, lỗ sau thuế gần 186 triệu USD, tương ứng với biên lỗ ròng 12,3%. Trong quí II/2019, công ty lỗ gần 69 triệu USD.

Tổng tài sản thời điểm cuối quí II/2019 là gần 1,3 tỉ USD, tổng nợ phải trả là 653 triệu USD.

Vốn hóa thị trường tính đến cuối phiên giao dịch 9/10 là 953 triệu USD.

Davidson hiện đang xếp hạng Mua với cổ phiếu Fitbit. Công ty dịch vụ tài chính này cho rằng thị trường chứng khoán đang không đánh giá đầy đủ tác động tích cực của những nỗ lực giảm thiểu rủi ro thuế quan.

Các nhà đàm phán cấp cao Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại Washington trong ngày 10/10 để cố gắng giải quyết cuộc xung đột thương mại kéo dài hơn một năm qua.

Bloomberg dẫn lời một quan chức thân cận cho biết chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận cục bộ với Mỹ theo hướng Trung Quốc tăng cường mua nông sản để đổi lấy việc Mỹ ngừng tăng thuế quan.

Theo kế hoạch, cuộc đàm phán sẽ kéo dài trong hai ngày 10-11/10. Tuy nhiên tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây dẫn lời quan chức giấu tên cho biết cuộc đàm phán cấp thứ trưởng đầu tuần này đã đi vào ngõ cụt và do vậy cuộc đàm phán cấp cao sắp tới sẽ chỉ diễn ra trong một ngày 10/10 thay vì hai ngày như kế hoạch ban đầu.

Một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết cơ quan này không nhận được thông tin nào về thay đổi trong kế hoạch đàm phán thương mại.

Song Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.