SCMP: Đàm phán thương mại cấp thứ trưởng bế tắc, đoàn Trung Quốc định về nước sớm một ngày
Từ phải qua trái: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AP.
Tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây dẫn nguồn tin thân cận cho biết hai ngày đàm phán cấp thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm đặt nền tảng cho thảo luận cấp cao tuần này đã không đạt được tiến triển nào.
Cụ thể, quan chức hai nước đã gặp nhau vào ngày 7 và 8/10 (thứ Hai và thứ Ba tuần này). Phía Trung Quốc từ chối thảo luận về vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Đây lại chính là điểm mà Mỹ thường công kích mạnh mẽ nhất trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận có đề cập qua vấn đề trợ cấp nhà nước. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cho rằng trợ cấp của chính phủ đã tạo cho doanh nghiệp Trung Quốc những lợi thế không công bằng so với các đối thủ cạnh tranh trên thế giới.
Theo nguồn tin của SCMP, đoàn đàm phán Trung Quốc, dẫn đầu là Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân chỉ tập trung vào hai lĩnh vực là nhập khẩu nông sản và bảo vệ tài sản trí tuệ.
"Họ không đạt được tiến triển nào", nguồn tin này còn cho biết thêm rằng phía Trung Quốc cũng không thể thuyết phục phái đoàn đàm phán Mỹ xem xét ngừng tăng thuế quan trong tương lai.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng thuế suất từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 15/10 tới. Sau đó, kể từ ngày 15/12, Mỹ dự định bắt đầu áp thuế suất 15% mới đối với khoảng 160 tỉ USD hàng Trung Quốc, đa số là hàng tiêu dùng.
Đoàn đàm thương mại cấp cao của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu dự kiến sẽ thảo luận với các quan chức Mỹ trong hai ngày 10 và 11/10.
Tuy nhiên theo nguồn tin của SCMP, sau khi các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng đi vào ngõ cụt, ông Lưu Hạc dự kiến sẽ rời Washington ngay trong ngày 10/10, tức là chỉ sau một ngày đàm phán.
Trao đổi với CNBC, một người phát ngôn Nhà Trắng nói: "Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được thông tin về thay đổi trong lịch trình chuyến công tác của Phó Thủ tướng Lưu Hạc".
Phản ứng của thị trường chứng khoán
Thông tin trên được SCMP đăng tải sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa phiên 9/10 trong sắc xanh. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 180 điểm (0,7%), các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng khoảng 1%.
Tuy nhiên sau khi có thông tin đàm phán cấp thứ trưởng bế tắc và đàm phán cấp cao sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones có lúc giảm 300 điểm. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng giảm khoảng 1%.
Các cổ phiếu nhạy cảm với thương mại như Apple hay Caterpillar đều đi xuống khoảng 1% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Quan hệ Mỹ - Trung mấy ngày vừa qua xấu đi rõ rệt sau khi chính quyền Tổng thống Trump liệt vào danh sách đen thương mại 28 thực thể Trung Quốc, trong đó có 8 tập đoàn công nghệ lớn, vì cáo buộc có liên quan đến xâm phạm nhân quyền người dân tộc thiểu số tại Khu tự trị Tân Cương.
Mỹ còn cấm nhập cảnh đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến cáo buộc xâm phạm nhân quyền tại khu tự trị nói trên.
Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc về vấn đề vi phạm nhân quyền từ phía Mỹ và đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ. Nguồn tin của Reuters cho biết chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ có liên quan tới các tổ chức chống Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Trung còn căng thẳng do mâu thuẫn liên quan tới Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA). Một quản lí đội bóng của NBA đăng dòng tweet ủng hộ người biểu tình tại Hong Kong đã gây nên làn sóng phẫn nộ rộng rãi tại Trung Quốc. Nhiều đài truyền hình tại Trung Quốc đã từ chối chiếu các trận bóng NBA.