|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bloomberg: Chính quyền Donald Trump tiếp tục bàn cách chặn dòng vốn Mỹ chảy vào cổ phiếu Trung Quốc

08:42 | 09/10/2019
Chia sẻ
Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận liên quan đến việc hạn chế dòng vốn đầu tư danh mục chảy vào Trung Quốc. Đối tượng chính của hạn chế này là các quĩ hưu trí.
Trump AFP Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/10. Ảnh: AFP/Getty Images.

Những ngày cuối tháng 9, nhiều hãng tin lớn như Bloomberg, CNBC, Reuters … đồng loạt dẫn nguồn tin giấu tên cho biết quan chức chính phủ Mỹ đang xem xét loạt biện pháp nhằm ngăn dòng tiền từ Mỹ chảy vào cổ phiếu Trung Quốc.

Các biện pháp cụ thể bao gồm kiểm soát hoạt động đầu tư của các quĩ hưu trí, hạn chế tỉ trọng cổ phiếu Trung Quốc trong các chỉ số do công ty Mỹ cung cấp, hay thậm chí là hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu Trung Quốc giao dịch tại Mỹ.

Các quan chức chính phủ sau đó lên tiếng tỏ ý không hài lòng khi các cuộc thảo luận trên bị báo chí công khai, đồng thời cho rằng cuộc thảo luận mới ở giai đoạn đầu và không mang tính cực đoan như báo đưa tin. 

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarrro thì cho rằng quá nửa nội dung mà Bloomberg đăng tải về cuộc thảo luận trên là tin giả, không chính xác.

Tuy nhiên, Bloomberg ngày 8/10 một lần nữa dẫn nguồn tin cho biết chỉ vài giờ sau khi ông Navarro ra tuyên bố phủ nhận nói trên, các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục họp mặt và tập trung vào bàn bạc cách ngăn các quĩ hưu trí Mỹ tài trợ cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Theo nguồn tin này, văn phòng của ông Larry Kudlow – Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đã tổ chức một cuộc họp phối hợp chính sách hôm thứ Ba tuần trước, dự họp còn có các quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Tài chính.

Một người phát ngôn của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ từ chối yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Mỹ giờ đây sẽ tìm cách tăng cường giám sát các tổ chức cung cấp chỉ số như MSCI (Morgan Stanley Capital International) khi những tổ chức này quyết định thêm các công ty Trung Quốc bị cho là rủi ro tới nhà đầu tư Mỹ vào các chỉ số tham chiếu quan trọng.

Hiện vận chưa rõ Nhà Trắng sẽ dựa vào qui định pháp luật nào để yêu cầu các chỉ số lớn phải loại bỏ doanh nghiệp Trung Quốc.

Ít nhất một trong những vấn đề được các quan chức bàn thảo đang khá gấp rút về thời gian.

Năm 2017, Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang Mỹ (FRTIB) đã quyết định rằng từ giữa năm 2020, quĩ đầu tư quốc tế của ủy ban này sẽ chuyển sang mô phỏng biến động của chỉ số MSCI All Country World Index. Chỉ số này có nhiều cổ phiếu thành phần đến từ các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc với tỉ trọng khoảng 7-8%.

Cuối tháng 8 năm nay, hai thượng nghị sĩ là Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) và Jeanne Shaheen (Đảng Dân chủ) đã gửi thư cho ông Michael Kennedy – Chủ tịch FRTIB để yêu cầu ông này thay đổi quyết định mô phỏng chỉ số nói trên vì cho rằng nó có thể kéo theo hàng tỉ USD từ Mỹ chảy vào cổ phiếu Trung Quốc.

Trong thư, các nghị sĩ cho rằng quĩ đầu tư của FRTIB đang có ý định hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bằng "đồng lương của các sĩ quan, binh sĩ quân đội và công chức liên bang Mỹ".

Lá thư còn cho rằng khoảng 50 tỉ USD tiền tiết kiệm của người dân Mỹ sẽ phải hứng chịu những rủi ro "nghiêm trọng và mờ ám" vì bị đem đầu tư vào một số công ty Trung Quốc.

"Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang phải công khai thay đổi quyết định đầu tư trên ngay lập tức", Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói thêm.

Trả lời tờ Financial Times, ông Rubio nói: "FRTIB đã đưa ra một quyết định thiển cận và ngu ngốc, có tác dụng tài trợ cho chính quyền Trung Quốc, giúp họ làm tổn hại lợi ích kinh tế Mỹ và tiền tiết kiệm hưu trí của binh sĩ cũng như nhiều công chức liên bang khác".

Bảo vệ nhà đầu tư, không liên quan tới thương chiến?

Tháng 6 năm nay, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng gửi thư đến Tổng Giám đốc của tổ chức cung cấp chỉ số toàn cầu MSCI, đề nghị tổ chức này nghiêm túc xem xét lại việc đưa cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index) được đông đảo nhà đầu tư quan tâm.

Theo ông Rubio, các cổ phiếu Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu về minh bạch và an toàn thông tin và do vậy không nên được đưa vào các chỉ số cổ phiếu toàn cầu. 

Ông lấy ví dụ: "Tháng 4 vừa qua, Kangmei Pharmaceutical Co. - một công ty Trung Quốc góp mặt trong một số chỉ số toàn cầu của MSCI, đã thừa nhận thổi phồng khối tiền mặt trị giá lên tới 4,4 tỉ USD". 

Nhà Trắng mới đây cũng cho biết lí do chính của việc xem xét hạn chế dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc là muốn bảo vệ nhà đầu tư, hàm ý rằng động thái này không liên quan đến cuộc đàm phán thương mại dự kiến diễn ra tại Washington vào thứ Năm tuần này (10/10).

"Chúng tôi đang muốn bảo vệ nhà đầu tư Mỹ cũng như sự minh bạch, tuân thủ một số qui định pháp luật", Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow nói với báo giới sáng 7/10.

"Các sở giao dịch chứng khoán đã có những khiếu nại về vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán (SEC) đã tiếp nhận những khiếu nại này. Vì vậy chúng tôi đã lập ra một nhóm nghiên cứu để xem xét vấn đề. Tuy nhiên chúng tôi mới ở giai đoạn đầu của cuộc thảo luận", ông Kudlow nói thêm.

Bloomberg: Chính quyền Donald Trump tiếp tục bàn cách chặn dòng vốn Mỹ chảy vào cổ phiếu Trung Quốc - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow. Ảnh: Bloomberg.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết sau khi nội dung các cuộc thảo luận được công khai trên báo giới, chính quyền Tổng thống Trump đã tạm ngừng việc xem xét hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc.

Ông Kudlow sáng 7/10 cũng cho biết các kế hoạch hủy niêm yết "không xuất hiện trên bàn thảo luận".

Giá trị của quĩ thuộc FRTIB và dòng tiền có khả năng chảy vào cổ phiếu Trung Quốc năm sau là khá nhỏ so với thị qui mô thị trường chứng khoán Mỹ cũng như giá trị vốn hóa của các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. 

Tuy nhiên, hành động này lại rất có ý nghĩa về mặt biểu tượng và có thể được coi là bước đi đầu tiên của chính phủ Mỹ tiến tới kiểm soát dòng vốn.

Về đối nội, Nhà Trắng có thể tuyên bố chiến thắng vì giúp ngăn chặn dòng tiền của quân nhân và công chức chính phủ Mỹ chảy vào các doanh nghiệp Trung Quốc – những tổ chức đang bị Washington cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ từ doanh nghiệp Mỹ để vượt lên trong lĩnh vực kĩ thuật.

Vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại là nội dung trọng tâm trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Bắc Kinh.

Song Ngọc, Kiên Dương