|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Phần 1] Chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: 'Ông lớn' mắc kẹt, doanh nghiệp nhỏ dễ bề linh hoạt

16:26 | 03/09/2019
Chia sẻ
Tổng thống Trump đã làm náo loạn Phố Wall khi yêu cầu doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên từ trước khi có yêu cầu của ông Trump, nhiều công ty đã thực hiện bước đi này cũng như phát tín hiệu về kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
1

Ảnh: Financial Times

Trước ông Trump, chưa từng có tổng thống Mỹ nào dùng luật pháp làm đòn bẩy trong tranh chấp thương mại

Hôm 23/8, thông qua Twitter, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho doanh nghiệp "ngay lập tức tìm kiếm phương án thay thế cho Trung Quốc" và thúc giục họ chuyển sản xuất về Mỹ.

Để làm được điều đó, ông Trump đã trích dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp (IEEPA). Đây là đạo luật được thông qua năm 1977, nhằm mục đích đối phó với "mối đe dọa bất thường đến an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế Mỹ".

Đến ngày 30/8, ông Trump tiếp tục làm căng, chỉ trích General Motors (GM) vì mức độ hiện diện đáng kể của hãng này tại Trung Quốc và đặt câu hỏi liệu GM có nên chuyển hoạt động về Mỹ hay không.

"Đôi khi bạn phải đưa ra biện pháp nghiêm khắc", CNBC dẫn lời cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow bên lề cuộc họp G7 (Pháp). Ông Kudlow nhấn mạnh, các công ty Mỹ nên lưu ý đến lời kêu gọi rời khỏi Trung Quốc của Tổng thống Trump.

Trong lịch sử, chưa từng có tổng thống Mỹ nào viện dẫn luật pháp làm đòn bẩy trong tranh chấp thương mại, chứ đừng nói đến việc cắt đứt quan hệ thương mại với một trong những đối tác lớn nhất của mình.

Hiện chưa rõ bằng cách nào hoặc thông qua cơ quan nào mà Tổng thống Trump có thể thực hiện chỉ thị này. Nếu ông thúc ép hơn nữa, doanh nghiệp Mỹ có thể không thừa nhận yêu cầu, từ đó dẫn đến kiện tụng.

Ít công ty có kế hoạch chuyển sản xuất hoàn toàn khỏi Trung Quốc

Khi mà căng thẳng bùng nổ từ hơn một năm trước, các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu đa dạng hóa sản xuất, tuy nhiên yêu cầu mới nhất của Tổng thống Trump buộc vô số ngành nghề phải vật lộn với bất ổn thương mại leo thang.

Bị đè nặng bởi thuế quan bổ sung và cuộc tranh chấp thương mại kéo dài, Trung Quốc đã "rớt đài" từ vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ xuống hàng thứ ba.

Rất ít công ty đang có kế hoạch chuyển hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc. Một bước đi như vậy sẽ gây ra một sự gián đoạn, đặc biệt đối với các "ông lớn" của ngành công nghiệp và công nghệ Mỹ, vốn phụ thuộc vào cơ sở sản xuất tại Trung Quốc như một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của họ.

Trung Quốc vẫn sản xuất khoảng 25% trong tổng số hàng hóa trên thế giới, một phần vì lực lượng lao động ở các quốc gia khác không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Do sự gần gũi về mặt địa lí với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia, đã thu hút sự chú ý trong những tháng gần đây như một điểm cung ứng tiềm năng.

"Ông lớn" nào đang và sắp rời đi, số phận của các doanh nghiệp nhỏ hơn ra sao?

Vài doanh nghiệp đã chuyển thành công một phần qui trình sản xuất đến các địa điểm này, nhưng nhiều công ty khác lại bị cản bước do thiếu hụt chuỗi cung ứng chuyên dụng và lao động.

Chẳng hạn, tại Campuchia, hơn 40% sản phẩm bị kiểm tra trong quí trước không đáp ứng tiêu chuẩn.

Boeing bị kẹt lại vì nhà máy mới khánh thành

Lấy Boeing làm ví dụ - hãng sản xuất máy bay có trụ sở tại Seattle dường như không sẵn sàng từ bỏ thị trường Trung Quốc sau khi khánh thành nhà máy hoàn thiện dòng máy bay 737 MAX ngay tại đây hồi cuối năm ngoái.

Di chuyển sản xuất cũng có thể đẩy Boeing vào nguy cơ nhượng lại sân chơi cho đối thủ Airbus khi mà hãng chế tạo máy bay châu Âu cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ với Boeing tại thị trường Trung Quốc.

Bộ phận kinh doanh của Boeing được ước tính rót thêm một tỉ USD vào nền kinh tế Trung Quốc mỗi năm. Hãng này cũng đã giao 200 máy bay 737 MAX cho hãng hàng không Trung Quốc Hạ Môn vào mùa thu năm ngoái.

Không doanh nghiệp nào khó "đoạn tuyệt" với Trung Quốc bằng Apple

Apple là một ví dụ điển hình khác. Hầu hết sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ này được chế tạo tại Trung Quốc và nhà cung ứng lớn nhất của hãng - Foxconn, sản xuất phần lớn thiết bị iPhone tại 29 nhà máy ở tỉnh Trịnh Châu.

Tổng cộng, khoảng 50% điểm cung ứng của Apple đều nằm tại Trung Quốc, tăng 5% so với 4 năm trước. Apple sẽ phải mất nhiều năm để rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn và hành động đó có thể dọn đường cho các đổi thủ như Samsung chiếm thị phần của họ.

Apple cũng từng thất bại trong việc chế tạo máy tính cao cấp tại thị trường Mỹ do thiếu nguồn cung cho quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, Apple được cho là đã yêu cầu các nhà cung ứng lớn đánh giá tác động chi phí của việc di chuyển 15 - 30% năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Nguyên nhân của hành động nói trên là do sản phẩm đồng hồ thông minh và tai nghe không dây AirPod của hãng đang phải đối mặt với mức thuế 15%, trong khi thuế suất đối với iPhone có thể có hiệu lực vào ngày 15/12.

Các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ đang nối gót Apple. Hai hãng sản xuất máy tính HP và Dell Technologies được cho là đang dự tính chuyển đến 30% hoạt động sản xuất máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc.

Trả lời tờ CNBC, CEO Antonio Neri cho biết HP đã giảm thiểu tác động của thuế quan trong quí II, phần lớn nhờ vào chuỗi cung ứng đã được đa dạng hóa.

Mới đây, nhiều hãng tin cho biết Google đang chuyển sản xuất dòng điện thoại Pixel (thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ 5 tại Mỹ) sang Việt Nam, bắt đầu từ đầu mùa thu năm nay.

Ngoài ra, Google cũng đang lên kế hoạch chuyển qui trình sản xuất phần lớn thiết bị phần cứng dành cho thị trường Mỹ đến Việt Nam.

Hàng trăm doanh nghiệp Mỹ khó có khả năng rời Trung Quốc, điển hình là Starbucks

Đối với hàng trăm công ty Mỹ, đáng chú ý là các hãng bán lẻ như Starbucks, rời bỏ thị trường Trung Quốc không phải là việc họ có đủ khả năng để làm.

Chẳng hạn, CEO Gregory Johnson của hãng cung ứng linh kiện xe hơi O'Reilley Automotive cho biết, mặc dù họ đang khám phá các điểm cung ứng thay thế, hãng cũng không thể thay đổi một sớm một chiều được vì năng lực sản xuất hạn chế ở nơi khác.

Tuy nhiên, sau lời kêu gọi gần nhất của ông Trump, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thuyết phục ngày càng nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ chuyển sản xuất sang các nước ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan hơn. Và quá trình này không chỉ xoay quanh các công ty công nghệ lớn.

Yên Khê