Khó bỏ qua 'món hời' tại Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ mạnh tay đầu tư bất chấp thương chiến leo thang
Hồi tháng 6, Nike cho biết hãng sẽ mở rộng qui mô tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu nội địa. (Ảnh: AFP)
Doanh nghiệp Mỹ rót hàng tỉ USD vào Trung Quốc
Theo công ty tư vấn Rhodium Group, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 6,8 tỉ USD vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019, tăng 1,5% so với trung bình cùng kì hai năm vừa qua.
Phần lớn khoản vốn nói trên được rót vào các dự án mới, chẳng hạn như nhà máy chế tạo xe điện của Tesla tại Thượng Hải. Đây sẽ là nhà máy ô tô đầu tiên hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài tại Trung Quốc.
Theo Financial Times, các thỏa thuận lớn khác bao gồm khoản đầu tư 570 triệu USD của quĩ Bain Capital vào nhà cung cấp trung tâm dữ liệu Beijng Qinhuai.
"Các công ty chúng tôi liên lạc vẫn duy trì hoạt động đầu tư, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang mở rộng sang các thành phố hạng hai và ba", ông Ker Gibbs, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho hay.
Trả lời tờ Financial Times, ông Gibbs cũng cho biết: "Các doanh nghiệp Mỹ nói rằng thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn còn rất mạnh mẽ".
Dữ liệu nói trên cho thấy sự khác biệt giữa chiến lược của nhiều doanh nghiệp Mỹ và định hướng của Tổng thống Donald Trump, người mà vào hôm 23/8 đã yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.
Rhodium Group chia sẻ, phần lớn vốn đầu tư của Mỹ trong năm nay đến từ các dự án xây dựng kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, công ty tư vấn này cũng cho biết giá trị của các dự án mới công bố đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, với một phần nguyên nhân xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Số liệu của Rhodium Group khác với dữ liệu chính thức từ Bộ Thương mại Trung Quốc, khi mà cơ quan này ước tính rằng vốn FDI của Mỹ đã giảm 15% trong nửa đầu năm nay, so với con số 1,9 tỉ USD cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc đã bỏ qua một số dự án, trong khi phương pháp nghiên cứu của Rhodium được xem là đáng tin cậy hơn.
Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng 7,3% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm ngoái (5,5%) lên 75,6 tỉ USD.
"Chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương vẫn rất hoan nghênh đầu tư của doanh nghiệp Mỹ và các nước khác. Họ thường rất nhiệt tình tìm cách giúp đỡ doanh nghiệp", ông Gibbs nói.
Thị trường tiêu dùng tỉ dân là món hời công ty Mỹ không thể phớt lờ
Theo CBRE, các nhà đầu tư nước ngoài đã công bố số lượng giao dịch bất động sản thương mại trị giá 6,7 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, tăng từ con số 2,6 tỉ USD trong cùng kì năm ngoái.
Mặc dù nhiều nhà sản xuất từng xem Trung Quốc là trung tâm xuất khẩu, ngày càng có nhiều công ty sản xuất hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Chi tiêu tiêu dùng nội địa đã chiếm hơn 75% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Theo Bloomberg, khi mà khách du lịch Trung Quốc ngày càng ít ghé thăm Mỹ, Tiffany & Co. đã chuyển một số món trang sức thuộc nhóm đắt nhất của hãng đến cửa hàng ở Bắc Kinh và Thượng Hải vào quí trước, bán số lượng giới hạn mặt dây chuyền Tiffany Keys và Tiffany Love Bugs.
Nhà bán lẻ có trụ sở tại New York này cũng đang nâng cấp ba cửa hàng lớn tại Trung Quốc, bao gồm cả cơ sở ở Hong Kong.
Với hi vọng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất cho dòng xe Lincolns trong vài năm tới, Ford Motor cho biết họ cuối cùng cũng lên kế hoạch chế tạo hầu hết loại xe kinh doanh tại đất nước tỉ dân dưới thương hiệu này nhằm né tránh thuế quan.
Tesla cũng đang tập trung đưa nhà máy tại Thượng Hải đi vào vận hành vào cuối năm nay. Tùy thuộc vào thời điểm, hãng chế tạo xe điện Mỹ có cơ may tránh được vòng thuế quan mới nhất của Trung Quốc, sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới.
Hồi cuối tuần trước, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố áp thuế quan trả đũa lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Để đáp lại động thái trên, Tổng thống Trump cũng quyết định nâng thuế suất đối với 550 tỉ USD Trung Quốc lên 5 điểm % so với mức hiện tại. Đồng thời, ông còn yêu cầu doanh nghiệp Mỹ ngay lập tức tìm kiếm phương án thay thế cho Trung Quốc.
Trên thực tế, bất chấp sự chững lại của nền kinh tế lúc này, Trung Quốc vẫn là đất nước mang đến cơ hội tăng trưởng cho nhiều công ty toàn cầu hiện đang phải đối mặt với thị trường bão hòa ở quê nhà. Cũng do đó, Trung Quốc trở thành địa điểm lí tưởng để đầu tư lâu dài.
Chẳng hạn, Starbucks cũng đang xoay vòng về phía Trung Quốc sau khi hạn chế đầu tư tại quê nhà Mỹ. Trung Quốc dần trở thành một thị trường quan trọng đối với các nhà bán lẻ cà phê, khi mà tầng lớp trung lưu từng yêu thích hương vị trà nay chuyển sang thú vui thưởng thức cà phê.
Sở hữu hơn 50% thị phần cà phê Trung Quốc, Starbucks trung bình mất 15 giờ để mở một cửa hàng mới tại đất nước tỉ dân, với mục tiêu vượt lên trước đối thủ Luckin Coffee. Sự so kè giữa hai ông lớn này tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay tại thị trường tỉ dân.
Trung Quốc cũng là thị trường máy bay lớn nhất thế giới, và Boeing cũng vừa khai trương nhà máy hoàn thiện dòng máy bay 737 đầu tiên tại đây hồi cuối năm ngoái, bất chấp thương chiến căng thẳng.
Cũng trong tuần này, cửa hàng đầu tiên của Costco Wholesale tại Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa trong ngày khai trương, khi khách hàng sẵn sàng "choảng nhau" để giành sản phẩm giảm giá và chờ đợi hàng giờ đồng hồ để mua hàng.
Chuỗi cửa hàng hải sản Red Lobster, hiện chỉ có chi nhánh tại Trung Quốc, cũng nhìn thấy tương lai xán lạn ở đây.
Chiến lược "ở Trung Quốc, vì Trung Quốc"
Theo một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ hồi tháng 5, khoảng 35% doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho biết họ đang áp dụng chiến lược "ở Trung Quốc, vì Trung Quốc" để đối phó với tác động của thuế quan.
Vào tháng 6, Nike cho biết họ sẽ "mở rộng sản xuất tại Trung Quốc vì Trung Quốc", trong khi công ty hóa chất Dow cũng bắt đầu khởi công một nhà máy nhựa silicone mới tại miền đông Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu vật liệu cao cấp tại nước này.
"Các công ty thuộc danh sách Fortune 1000 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cao cấp đang thu xếp thỏa thuận và mở rộng hoạt động tại Trung Quốc", ông James McGregor, Chủ tịch công ty tư vấn Apco, cho biết. "Họ hiểu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là trung tâm sản xuất vững mạnh nhất thế giới".
Một số nhà sản xuất đã chuyển ra khỏi Trung Quốc nhưng chủ yếu là để tránh chi phí nhân công tăng, ông McGregor nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/