Ông Trump đánh cược khả năng tái đắc cử năm 2020 vào cuộc chiến thương mại
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tầm ảnh hưởng của ông Trump ở Mỹ bắt đầu xuất hiện nhiều lỗ hổng
Theo Wall Street Journal, các ứng viên tổng thống tiềm năng đến từ Đảng Dân chủ, bao gồm cả nhân vật có khả năng giành chiến thắng nhất là Joe Biden, đều đã nhận thấy những lỗ hổng trong tầm ảnh hưởng của Tổng thống Trump ngay tại Mỹ.
Cụ thể, doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu thiệt hại bởi thuế quan, cũng như nông dân không thể bán nông sản sang Trung Quốc vì đòn trả đũa của Bắc Kinh là những điểm yếu lớn nhất
"Chiến tranh thương mại đang bóp nghẹt nông dân Mỹ", cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay hôm 20/8 tại hạt Warren, Iowa. "Có bao nhiêu nông dân ở Iowa, hay trên khắp nước Mỹ, phải đối mặt với viễn cảnh trắng tay chỉ vì số thuế quan này?"
Người tiêu dùng Mỹ được dự đoán sẽ bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng của thuế quan sau ngày 1/9, thời điểm mà quần áo, đồ điện tử và các mặt hàng khác chịu thuế suất 10%. Tiếp sau đó, vào ngày 15/12, điện thoại thông minh, đồ chơi và các sản phẩm khác cũng sẽ chính thức bị đánh thuế.
Hôm 23/8, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách công bố mức thuế suất mới đối với 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ, khiến ông Trump đe dọa leo thang cuộc thương chiến hơn nữa và đẩy thị trường tài chính tụt dốc thê thảm.
Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn không hề lúng túng. Tại cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp hôm 25/8 vừa qua, ông dường như đã bày tỏ sự an hận vì đã khiến căng thẳng thương mại với Trung Quốc tăng lên khi ông nói đã "suy nghĩ lại".
Tuy nhiên, vài giờ sau, thư kí báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham quả quyết về cam kết của Tổng thống Trump, theo đó cho hay ông Trump "hối tiếc vì không tăng thuế cao hơn" chứ không phải hối tiếc vì đã leo thang xung đột.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điểm tựa cho chiến dịch tranh cử của ông Trump
Mặc dù chiến lược của ông Trump tồn tại một số rủi ro, các nhà phân tích chính trị và chuyên gia thăm dò ý kiến đều nhất trí chiến thuật gây khó dễ cho Trung Quốc của Tổng thống Mỹ có thể là điểm tựa cho chiến dịch tranh cử của ông, như đã từng vào năm 2016.
"Năm 2020 sẽ bị đóng khung trong vấn đề này", ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump, nhận định.
"Nó đã vượt qua tầm cỡ của một cuộc chiến thương mại. Mỹ và Trung Quốc đang bị kéo vào cuộc xung đột kinh tế bao gồm cả thương mại, công nghệ và tiền tệ. Ông Trump phải xuất hiện mỗi ngày để đưa ra đối sách".
Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể chịu thiệt nếu chiến lược gây sức ép lên cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc không mang lại kết quả rõ ràng.
Tăng trưởng việc làm trong ngành chế tạo tại Mỹ đã chững lại trong năm qua. Các chỉ số công nghiệp cũng sụt giảm, cho thấy nền kinh tế nặng về sản xuất, chế tạo của Mỹ đang phải gánh chịu áp lực lớn.
Hơn thế nữa, người tiêu dùng chỉ mới bắt đầu cảm nhận tác động của thuế quan. JPMorgan Chase ước tính một hộ gia đình trung lưu tại Mỹ sẽ phải trả thêm 1.000 USD/năm cho các khoản chi phí gia tăng sau khi toàn bộ thuế quan có hiệu lực.
Nguy cơ phản tác dụng và gây hại cho chiến dịch tranh cử
Ông Mo Elleithee tin rằng bước đi chính trị táo bạo của ông Trump đối với Trung Quốc có thể phản tác dụng khi người tiêu dùng bắt đầu phải trả giá cao hơn khi mua hàng. Ông Elleithee hiện là giám đốc điều hành của Viện Chính trị và Dịch vụ công và đồng thời là cựu quan chức cấp cao của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.
"Mặc dù chiến lược đó có thể giúp Tổng thống Trump chiếm lấy lòng tin của một số người yêu thích vẻ bạo dạn, vấn đề kinh tế đối với nhiều người dân khác lại rất bất ổn", ông Elleithee nói.
"Một số người ủng hộ ông Trump nhận xét những thiệt hại này là nghĩa vụ của họ với tổ quốc, tuy nhiên tôi không chắc nhiều người sẽ có cùng quan điểm này trong vài tháng tới".
Các thành viên Đảng Dân chủ nhìn chung đã bị chia rẽ trước tình hình thương mại hiện nay, với các ứng cử viên hàng đầu như thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warrren có quan điểm tương tự với ông Trump.
Một trong những người phê bình ông Trump gay gắt nhất, nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện Chuck Schumer thậm chí đã nhiều lần thúc giục ông Trump tiếp tục cuộc chiến với Trung Quốc.
Tại các cuộc gặp và bình luận trước báo giới, ông Trump đã tự miêu tả mình là người đang đảm nhận một công việc mà không mấy ai có đủ "gan" để theo đuổi.
"Đây không phải là cuộc chiến thương mại của tôi", ông nói với các phóng viên hôm 21/8, cùng lúc giận dữ bác bỏ một câu hỏi về nguy cơ suy thoái kinh tế. "Đây là cuộc chiến đáng lẽ ra phải diễn ra từ rất lâu dưới các đời tổng thống trước".
"Tôi là người được chọn. Ai đó phải làm điều này. Thế nên, tôi mới tuyên chiến với Trung Quốc". Về sau, ông Trump cho hay ông chỉ đang đùa về việc mình là người được chọn.
Trong chính phủ Mỹ, các cố vấn phản đối cuộc xung đột thương mại từ sớm phần lớn đã rời đi, từ đó tạo thêm không gian cho các "diều hâu" thúc giục Tổng thống Trump tiến về phía trước.
Đa phần người dân Mỹ đều công nhận Trung Quốc thực hiện hành vi thương mại không công bằng với Mỹ
Theo một khảo sát do Gallup thực hiện năm 2018, khoảng 62% những người được hỏi cho rằng hoạt động thương mại của Trung Quốc với Mỹ là không công bằng và khoảng 30% cho là công bằng.
"Trung Quốc là trường hợp đặc biệt", ông Mohamed Younis, tổng biên tập của Gallup, nhấn mạnh. "Đây là quốc gia duy nhất mà phần lớn người Mỹ đều nhất trí rằng họ có mối quan hệ thương mại không công bằng với Mỹ".
Tổng thống Trump đã giành chiến thắng vào năm 2016 phần lớn bằng cách may mắn lật ngược tình thế ở các tiểu bang công nghiệp như Michigan, Pennsylvania và Wiscousin.
Các chiến lược gia thuộc Đảng Cộng hòa nhận thấy thông điệp của ông Trump đã gây tiếng vang với công nhân nhà máy và những người tin rằng sự bành trướng của Trung Quốc sẽ gây hại cho công ăn việc làm trong ngành chế tạo ở Mỹ.
Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm dưới thời ông Trump lại tập trung vào các ngành dịch vụ chuyên nghiệp và chăm sóc sức khỏe, vốn không liên quan gì đến chiến tranh thương mại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó chấm dứt trước thềm bầu cử 2020
Tác động chính của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung rơi vào người nông dân Mỹ, những người có xu hướng sống tại các khu vực ủng hộ Đảng Cộng hòa và cho đến nay vẫn ủng hộ cuộc chiến của ông Trump.
Thiệt hại về kinh tế của nông dân Mỹ đã được giảm nhẹ nhờ gói cứu trợ hàng tỉ USD của chính phủ.
Tuy nhiên nếu nền kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến xấu và cử trị cho rằng chiến tranh thương mại là nguyên nhân dẫn tới suy thoái thì sự kiên nhẫn mà người nông dân giành cho ông Trump cũng sẽ không còn.
Trong những ngày gần đây, khi mà lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, Tổng thống Trump đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch Jerome Powell. Cùng lúc đó, các quan chức Nhà Trắng xuất hiện trên truyền hình nhằm tranh luận rằng nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh mẽ và không hề bị đe dọa bởi chiến tranh thương mại.
"Họ biết lỗ hổng ở đâu và bắt đầu chiến dịch xóa bỏ nó", ông Douglas Holtz-Eakin, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết.
"Họ đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn tin đồn thổi đó", ông nói.
Bất chấp sự bạo dạn trước công chúng, các thành viên trong chính phủ của Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho viễn cảnh kinh tế Mỹ chững lại bằng cách tuyên bố tranh chấp thương mại Mỹ - Trung là cuộc chiến vì việc làm và công nhân Mỹ.
Ngay cả khi ngành sản xuất chững lại, nhóm xây dựng chiến dịch tranh cử của ông Trump vẫn cho rằng ông có thể mở rộng "bản đồ bầu cử" đến các bang có cơ sở sản xuất truyền thống như Minnesota, New Hampshire và Maine.
Ông Bannon là một trong số những nhân vật đồng tình rằng cuộc tranh chấp Mỹ - Trung sẽ diễn ra trong suốt mùa tranh cử.
"Ông Trump sẽ không nhượng bộ và thương chiến sẽ không thể giải quyết trước ngày bỏ phiếu năm 2020", ông Bannon nói.
"Đây là vấn đề giữ vai trò quyết định trong nửa đầu thế kỉ 21 và sẽ thiết lập nhịp điệu cũng như hướng đi không chỉ của nước Mỹ mà còn là nền kinh tế toàn cầu. Đó là lí do tại sao cuộc chiến này nên xảy ra".