Ông Trump buộc công ty Mỹ rời đi: Nhường lại sân nhà cho doanh nghiệp Trung Quốc?
Một nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images/AFP)
Trung Quốc xoay xở với thuế quan
Hôm 23/8, Trung Quốc công bố kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ vào ngày 1/9 và 15/12. Để đáp trả, Tổng thống Donald Trump sau đó đăng tải trên Twitter rằng Mỹ cũng sẽ tăng thuế suất đối với 550 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Thông báo về vòng thuế quan mới nhất trong vài ngày qua đồng nghĩa với việc đến cuối năm nay, toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều sẽ phải chịu đánh thuế.
Mặc dù điều này làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp Trung Quốc khi mà họ hiện đang phải đối mặt với áp lực từ sự chững lại của nền kinh tế trong nước, dữ liệu và phân tích khác cho thấy các công ty ở đại lục đang tìm cách duy trì ứng phó, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc tự "hấp thụ" chi phí thuế quan.
"Tôi tin chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài", ông Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định.
Trả lời CNBC hôm 25/8, ông Wei cho hay mặc dù phía Trung Quốc đang chờ đợi một thỏa thuận thương mại công bằng và bình đẳng, chính phủ nước này cũng đã chuẩn bị để chống lại bất kì tác động tiêu cực nào của cuộc thương chiến. "Chúng tôi không sợ", ông Wei nói.
Ông hiện đang là Phó Chủ tịch kiêm Phó Giám đốc điều hành tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế (Bắc Kinh).
Ông đã vạch ra 4 hướng đi mà Trung Quốc đang áp dụng để củng cố doanh nghiệp nước nhà, gồm: Tăng cường hỗ trợ từ chính phủ; Tiếp cận các thị trường quốc tế khác thông qua loạt chương trình như các khu thương mại tự do và Sáng kiến Vành Đai - Con đường; Phát triển môi trường kinh doanh chất lượng cao cho doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài; Thực hiện các chính sách như cắt giảm thuế và phí.
Mỹ có thể mất thị phần toàn cầu về tay Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc hôm 23/8, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 600 điểm. Trong khi nhà đầu tư đã lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại đối với doanh nghiệp Mỹ, các công ty Trung Quốc lại có thể sắp bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh khác.
"Trong thời gian tới, thuế quan do phía Mỹ tăng lên sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp Trung Quôc", ông Wang Zhe, nhà kinh tế cao cấp tại viện chính sách Caixin, cho hay.
"Về lâu dài, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn, chúng sẽ tác động đến cấu trúc của chuỗi công nghiệp toàn cầu", ông Wang nhận xét. "Dĩ nhiên, điều này cũng sẽ buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải thay đổi phương thức sản xuất và thúc đẩy chuyển đổi cũng như nâng cấp hoạt động".
Các nhà phân tích lưu ý, một hậu quả khác của thương chiến Mỹ - Trung có thể là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giành được nhiều thị phần hơn, trong khi công ty Mỹ đánh mất chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.
Hiện tại, dữ liệu và báo cáo doanh nghiệp đã cho thấy các công ty Trung Quốc đang chuyển sang mua nông sản từ các nước khác, đặc biệt là ở Mỹ Latin, thay vì từ nông dân Mỹ.
"Đối với các công ty có nguy cơ chịu tổn thất về doanh số, họ đang tự 'hấp thụ' một số chi phí thuế hoặc cố gắng đẩy chi phí sang khách hàng", ông Jake Parker, thành viên cao cấp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, cho hay.
"Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại đánh mất cơ hội kinh doanh cho các đối thủ từ quốc gia khác và đây chính là thực trạng đang diễn ra. Khả năng phân phối các khoản chi phí nói trên sẽ phụ thuộc vào biên lợi nhuận, nguồn cung sẵn có và điều khoản hợp đồng với nhà cung ứng".
Công ty Mỹ rời đi, để lại sân chơi cho doanh nghiệp Trung Quốc
Cũng trong ngày 23/8, thông qua Twitter, ông Trump đã yêu cầu doanh nghiệp Mỹ ngay lập tức tìm kiếm phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa hoạt động trở về Mỹ và sản xuất hàng hóa ngay tại đây.
"Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc về nước thì ở mức độ nào đó, việc bỏ trống thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc lấp đầy khoảng trống đó", ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, cho biết.
Quan trọng hơn, ông Olson nhận định, một bước đi như vậy sẽ trở thành vết rạn nứt chưa từng thấy trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai siêu cường thế giới, từ đó gây ra tình trạng bất ổn và ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp hai nước.
Mặc dù có nhiều thách thức kinh doanh tại Trung Quốc, rời khỏi thị trường này cũng không phải là lựa chọn hay.
"Cần phải nhớ rằng doanh nghiệp Mỹ đã là một hình mẫu tích cực cho sự tiến bộ tại Trung Quốc. Các công ty Mỹ mang đến ý tưởng, giá trị và bản mẫu mà chúng lại đóng vai trò là chất xúc tác nhất quán và lan tỏa cho tiến trình đổi mới ở Trung Quốc", ông Parker nói.
Mặt khác, nếu doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc, họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng toàn cầu quan trọng.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang trong trạng thái "chờ"
Chính quyền Tổng thống Trump xem thuế quan là công cụ hành động chính trong tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, hiện không rõ hiệu quả của chúng đối với Trung Quốc như thế nào.
Phân tích của nhà nghiên cứu Chris Rogers tại Panjiva (đơn vị nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence) cho thấy giá cả của một số loại hàng hóa, chẳng hạn như hóa chất và đồ nội thất, đã sụt giảm khi thuế quan được áp dụng.
Ông Wei cho biết hôm 25/8 rằng một số công ty Trung Quốc đang tự hấp thụ chi phí thuế quan, tuy nhiên con số không nhiều. Thay vào đó, đa phần doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ đợi một giải pháp cho cuộc tranh chấp thương mại.
Tuần trước, ông Parker cũng nhận xét, phần lớn công ty Trung Quốc đang tính toán xem thuế quan sẽ được duy trì trong bao lâu trước khi thay đổi kế hoạch kinh doanh của chính họ
"Các công ty có nguồn cung chịu ảnh hưởng bởi thuế quan đang cân nhắc các lựa chọn. Một số chuyển nguồn hàng, số khác duy trì chuỗi cung ứng hiện tại, và số còn lại hoặc chấp nhập giảm biên lợi nhuận hoặc sang tay chi phí hết mức có thể".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/