Reuters: Doanh nghiệp Mỹ chua chát vì thương chiến Mỹ - Trung và chính sách thương mại của ông Trump
Ảnh: Getty Images
Hãng sản xuất thiết bị âm thanh "thấp thỏm, đứng ngồi không yên"
Ông Win Cramer từng nghĩ rằng Jlab Audio - công ty của ông đã thoát khỏi cuộc đụng độ giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ - Trung sau khi các sản phẩm headphone không dây, loa và tai nghe do hãng này sản xuất tại Trung Quốc được loại khỏi danh sách thuế quan của Washington một năm trước.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành này không hề biết rằng 9 tháng sau, các sản phẩm nói trên lại bị đưa vào "tầm ngắm" lần nữa, từ đó gây rủi ro lớn hơn cho JLab Audio.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo hoãn áp thuế 10% đối với một số mặt hàng trong 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang giữa tháng 12. Tuy nhiên, các lô hàng của JLab sẽ phải chịu mức thuế 10% này bắt đầu từ ngày 1/9.
Theo Reuters, nỗ lực viết lại qui tắc thương mại toàn cầu của ông Trump đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm gia tăng chi phí đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Vốn cũng nhằm mục đích buộc doanh nghiệp Mỹ đưa hoạt động trở về quê nhà, đe dọa thuế quan của ông còn làm phức tạp hóa kế hoạch của những công ty có nhà cung ứng hoặc qui trình sản xuất tại Trung Quốc.
Hôm 23/8, Tổng thống Trump đã đăng tweet "yêu cầu" doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc sau khi Bắc Kinh công bố mức thuế trả đũa đối với 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Đòn "phản công" này đã tạo một bước ngoặt mới cho cuộc chiến thương mại cay đắng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau khi được miễn trừ thuế quan vào tháng 8/2018, JLab đã rót một triệu USD vào phát triển sản phẩm mới và chi thêm 500.000 USD để tăng cường lực lượng lao động ở Mỹ thêm 20%.
Đây là một trong những khoản đầu tư "khủng" nhất của JLab kể từ khi thành lập năm 2005 và nó đang đối mặt với rủi ro lớn.
"Chúng tôi đầu tư vì tự tin rằng thuế quan sẽ không áp dụng trở lại đối với sản phẩm của công ty", ông Cramer cho biết. "Có lẽ, mọi thứ sẽ tốt hơn nếu chính phủ không loại chúng tôi khỏi danh sách thuế quan vào năm ngoái".
Ngành công nghiệp hóa chất Mỹ rơi vào "bể dưa chua"
Ngành công nghiệp hóa chất trị giá 550 tỉ USD cũng đang "chua chát" không kém sau khi 111 sản phẩm mà ngành này nhập khẩu từ Trung Quốc nằm trong danh sách thuế quan mới nhất.
111 sản phẩm nói trên đã nhận được miễn trừ vào tháng 8/2018 với lí do chúng rất cần thiết cho ngành sản xuất và nông nghiệp Mỹ.
Ông Ed Brzytwa, Giám đốc Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC), nhận định bước chuyển hướng nghiệt ngã này đã khiến các nhà sản xuất hóa chất Mỹ nản lòng. "Chính phủ không có lời giải thích nào cho việc họ thay đổi như thế này. Chúng tôi đang rất bối rối".
Các nhà sản xuất hóa chất đang bỏ ra rất nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề thuế quan, thay vì đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ông Brzytwa nói, đồng thời cho hay một số doanh nghiệp còn phải cắt giảm ngân sách du lịch của nhân viên.
Doanh nghiệp Mỹ ngậm ngùi siết chặt chi tiêu vốn vì "không biết đâu mà lần"
Khi mà cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết, các doanh nghiệp đang chần chừ phân bổ ngân sách mới cho đến khi chính sách thương mại của Mỹ trong tương lai trở nên rõ ràng hơn.
Theo dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ, đầu tư kinh doanh đã giảm lần đầu tư kể từ năm 2016 trong quí II/2019. Còn theo khảo sát của OECD, niềm tin kinh doanh tại Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua.
"Chúng ta cần phải chốt được một thỏa thuận thương mại để mang niềm tin trở lại thị trường Mỹ", CEO Dow Inc James Fitterling gần đây đã chia sẻ với các nhà đầu tư. Cho đến lúc đó, hãng sản xuất hóa chất này sẽ thắt chặt chi tiêu vốn, ông Fitterling lưu ý.
Vào tháng trước, Caterpillar cho biết khách hàng của họ đang trở nên cẩn trọng hơn trước khi chi tiêu vốn lớn. Còn Jlab cũng đã hủy kế hoạch tuyển dụng tại thị trường Mỹ.
Ông Cramer đang gặp gỡ các nhà bán lẻ như Best Buy, Target và Walmart nhằm kêu gọi họ chấp nhận tăng giá sản phẩm do thuế quan. Năm 2018, JLab đã tạm dừng các cuộc họp tương tự khi sản phẩm của hãng được miễn trừ thuế quan.
Do chỉ tăng giá sản phẩm không thể hoàn toàn bù đắp tổn thất do thuế quan gây ra, JLab đang cân nhắc toàn bộ lựa chọn cắt giảm chi phí, từ nhà cung ứng cà phê và chất tẩy rửa đến kế hoạch quảng cáo và tiếp thị, trong nửa cuối năm nay.
Liệu có khả quan khi đẩy mạnh đầu tư vào thị trường nước ngoài?
Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, JLab sẽ bắt đầu sản xuất tại Việt Nam vào tháng 1 tới. Tuy nhiên, với việc Chính quyền Tổng thống Trump đang tập trung cân bằng cán cân thương mại với các nước, ông Cramer lo lắng Việt Nam có thể là "tầm ngắm" tiếp theo.
JLab cũng đang tìm đường tắt để mở rộng hoạt động ở nước ngoài. Doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài hiện chiếm 10% doanh thu của công ty này.
"Với tình hình hiện tại, chúng tôi sẽ không thuê nhân công ở Mỹ nữa", ông Cramer nói. "Tuy nhiên, tôi sẽ tuyển dụng lao động ở nước ngoài và tạo thêm việc làm ở châu Âu, APAC và Trung Quốc bởi tôi cảm thấy tự tin rằng những thị trường này sẽ giúp công ty ổn định".
Ông Brzytwa của ACC cho biết một số nhà sản xuất hóa chất cũng đang xem xét kế hoạch đầu tư tại Mỹ và cân nhắc chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Mỹ có thặng dư lớn và ngày càng tăng trong ngành công nghiệp hóa chất. Xuất khẩu của ngành này chỉ đạt 140 tỉ USD năm 2018, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ.
Để phát triển, các nhà sản xuất hóa chất Mỹ cần Trung Quốc, khi mà Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của họ mà đây còn là một nguồn cung quan trọng.
"Chúng tôi đang lo lắng vì khả năng tiếp cận thị trường của ngành hóa chất Mỹ đang khép lại ở một số nơi khác trên thế giới", ông Brzytwa nói.
Nỗi bất an ngay từ thói quen thông báo chính sách thương mại qua Twitter của ông Trump
Ngoài thuế quan, các doanh nghiệp Mỹ còn gặp khó khăn bởi cách chính phủ tiến hành và truyền đạt chính sách thương mại.
Tình trạng biến động thường trực đang buộc doanh nghiệp Mỹ thích nghi và tái thích nghi thường xuyên hơn. Thói quen thông báo quyết định qua Twitter của ông Trump cũng không cho họ nhiều thời gian để chuẩn bị trước các thay đổi.
Ông Cramer và lãnh đạo doanh nghiệp khác cho biết họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục theo dõi Twitter của ông Trump để nắm được những tin tức mới nhất về mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Vào tháng 5, ông Cramer đã sẵn sàng bắt đầu quá trình tuyển dụng ba nhân viên mới cho văn phòng California và Texas sau khi ông biết được các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đã sụp đổ và một vòng thuế quan mới sắp "nhen nhóm" qua Twitter của ông Trump.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Mỹ đưa sản phẩm của JLab vào danh sách thuế quan, quá trình tuyển dụng này cũng bị hoãn lại.
CEO JLab lại chuẩn bị tuyển dụng nhân sự mới sau khi ông Trump tuyên bố "đình chiến" với Trung Quốc hồi tháng 6.
Nhưng khi bắt đầu phỏng vấn ứng viên, Tổng thống Trump lại đăng tweet vào ngày 1/8 rằng thuế quan sẽ tiếp tục được áp dụng. Nếu mọi thứ rơi vào bế tắc, ông Cramer có thể phải xem xét cắt giảm nhân sự, nhưng chính sách thương mại bất nhất của Mỹ khiến việc đưa ra quyết định cũng khó khăn hơn.