Giữa thương chiến Mỹ - Trung, công ty quản lí tài sản 35 tỉ USD thích thị trường Việt Nam
Công nhân làm việc tại một nhà máy may ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam vào ngày 1/3/2019. (Ảnh: Bloomberg)
Khi các doanh nghiệp Mỹ lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có thể chính là những đối tượng hưởng lợi lớn nhất, ông Sandeep Naik, người phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của General Atlantic, cho hay trên chương trình "Street Signs" của CNBC.
"Nếu nhìn vào các lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như ô tô và hóa chất, bạn sẽ nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp đang chuyển sản xuất sang Việt Nam", ông Naik cho hay, đồng thời nói thêm rằng cộng đồng nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ để tìm điểm đến đầu tư mới trong khu vực.
General Atlantic hiện đang quản lí khối tài sản trị giá 35 tỉ USD. Công ty này chuyên đầu tư vào các start-up có tiềm năng tăng trưởng cao trong 4 lĩnh vực chính, gồm tiêu dùng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghệ.
"Chúng tôi đang cân nhắc Việt Nam như một điểm đến đầu tư thú vị tại thời điểm này", vị giám đốc cấp cao cho biết. "Khi nhiều công ty nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam và tạo thêm công ăn việc làm, người dân có thu nhập khả dụng cao hơn, biết đâu từ đó sẽ bắt đầu một xu hướng tiêu dùng mới".
Các nhà phân tích trước đây từng nhận định Việt Nam, quốc gia chuyên xuất khẩu linh kiện điện thoại, đồ nội thật và máy xử lí dữ liệu tự động, đang nổi lên với tư cách là người hưởng lợi lớn nhất khi dòng chảy thương mại bị chuyển hướng.
Cũng theo ông Naik, Việt Nam còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành dịch vụ tài chính khi mà các công ty nước ngoài chuyển sản xuất đến Việt Nam cũng cần vốn tín dụng để vận hành.
"Do đó, hãy cung cấp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các đơn vị sản xuất tầm trung, từ đó tạo cú hích cho ngành dịch vụ tài chính", ông Naik nói.
Tuy nhiên, giám đốc Naik không đề cập đến công ty cụ thể nào tại Việt Nam mà General Atlantic hiện đang xem xét đầu tư.
Mặc dù vậy, ông lưu ý rằng nhà đầu tư sẽ gặp phải khó khăn vì nhiều vấn đề và khác biệt trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
"Chúng ta cần phải có sẵn người giúp giải quyết các vấn đề nói trên, nhưng nếu nhìn vào khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam ngay tại thời điểm này, bạn sẽ thấy nhiều cơ hội đang mở ra".
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cũng không quên cảnh báo rằng Việt Nam vẫn có thể tồn tại nhiều thách thức nữa.
Gần đây, khi trả lời tờ CNBC, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN cho biết thị trường lao động ở Việt Nam đang bị siết chặt và nhà đầu tư phải tìm cách chuyển sản xuất sang các nước châu Á khác như Thái Lan.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục bất ổn khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như sẽ kéo dài.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang lên cấp độ mới sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế bổ sung lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa cho thuế quan trừng phạt Mỹ tuyên bố hồi đầu tháng 8.
Để đáp lại bước đi của Trung Quốc, Tổng thống Trump tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế suất hiện tại đối với 250 tỉ USD sản phẩm Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 1/10.
Ngoài ra, thuế suất đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc khác, dự định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, sẽ tăng từ mức 10% lên 15%.