|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trên Amazon.com, thương nhân Mỹ khổ sở vì thuế quan nhiều hơn thương nhân Trung Quốc

12:23 | 28/08/2019
Chia sẻ
Nikkei Asian Review dẫn một phân tích mới cho thấy, khi mà cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài, chính sách thuế quan của Washington đã khiến thương nhân Mỹ trên Amazon phải "trả giá đắt" hơn so với thương nhân Trung Quốc.
a

Thêm một bằng chứng cho thấy chính sách thuế quan của ông Trump lại gây hại cho chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ thay vì đối thủ Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Theo công ty phân tích dữ liệu SellerMotor, thương nhân Mỹ trên trang web mua sắm lớn nhất thế giới Amazon.com đang chứng kiến công việc kinh doanh sa sút trầm trọng hơn so với các chủ cửa hàng người Trung Quốc do tác động của thuế quan.

Sau khi nghiên cứu doanh số bán hàng tại Mỹ của hơn hai triệu thương nhân trên Amazon, phân tích nói trên cung cấp cái nhìn sâu sắc về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hai quốc gia, khi mà Washington và Bắc Kinh vừa đẩy căng thẳng lên cao khi lần lượt áp thuế quan mới lên hàng hóa của nhau.

Trong tháng kết thúc vào ngày 18/7/2018, các thương nhân Trung Quốc và Mỹ lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 174% và 124% so với cùng kì năm trước.

Khi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng các vòng thuế quan đầu tiên lên Trung Quốc kể từ tháng 7/2018, thương nhân Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng là 111% trong tháng kết thúc vào ngày 18/9/2018, trong khi mức tăng trưởng của thương nhân Mỹ giảm hơn một nửa xuống còn 54%.

Khi nhiều vòng thuế quan khác có hiệu lực, thương nhân Mỹ ghi nhận doanh số bán hàng của phần lớn năm 2019 giảm sút so với cùng kì năm trước. Trong khi đó, thương nhân Trung Quốc vẫn tăng doanh số bán hàng với tốc độ vừa phải.

1

Nguồn: SellerMotor/Nikkei Asian Review

Mặc dù cả hai bên đều bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, thương nhân Trung Quốc "thường kiểm soát chuỗi cung ứng tốt hơn", Giám đốc Vận hành Sibiao Chen của SellerMotor chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review.

"Họ có mối quan hệ tốt hơn với các nhà cung ứng", ông Chen nhận định. "Họ có thể thanh toán linh hoạt hơn và nhận được mức giá hời hơn. Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp mà trong đó, khách hàng của công ty chúng tôi có thể thuyết phục nhà cung ứng tiếp nhận 50% thuế quan".

Trong khi một số khách hàng Trung Quốc của SellerMotor đã tìm thấy chuỗi cung ứng thay thế ở các quốc gia như Việt Nam và Campuchia thì những thương gia phân phối hàng hóa khó thay thế hơn chủ yếu vẫn ở lại quê nhà.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố Trung Quốc đang trả "hàng tỉ USD" thuế quan cho chính phủ Mỹ.

Nghiên cứu từ nhiều tổ chức, bao gồm Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lại cho thấy nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ đang "gần như hoàn toàn" gánh số thuế quan nói trên.

Hồi đầu tháng này, ông Trump đã tuyên bố áp thuế suất bổ sung lên 300 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh chần chừ không thực hiện lời hứa mua nông sản Mỹ.

Sau đó, phía Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách công bố thuế quan bổ sung đối với 75 tỉ USD hàng nhập khẩu của Mỹ. Đầu tuần trước, ông Trump cho hay Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế suất đối với các mặt hàng hiện đã bị đánh thuế cũng như đang nằm trong kế hoạch.

Khả Nhân