Vắc xin của Pfizer hiệu quả từ mũi tiêm đầu tiên nhưng cũng có không ít tác dụng phụ
Hiệu quả từ mũi tiêm đầu
Theo tài liệu được FDA công bố sáng ngày 8/12, vắc xin ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất cho khả năng bảo vệ mạnh mẽ trong khoảng 10 ngày kể từ mũi tiêm đầu tiên.
Phát hiện trên là một trong các kết quả mới quan trọng được nêu ra trong tập tài liệu hơn 100 trang do FDA và Pfizer phân tích. Tháng trước, Pfizer và BioNTech thông báo rằng vắc xin của họ cho hiệu quả phòng bệnh đến 95% sau khi tiêm hai mũi cách nhau ba tuần. Các phân tích mới cho thấy hiệu quả phòng bệnh bắt đầu đến từ sớm.
Hơn nữa, vắc xin của Pfizer hoạt động tốt, bất kể chủng tộc, cân nặng hay tuổi tác của tình nguyện viên như thế nào. New York Times dẫn lời bà Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: "Phân tích mới dường như chứng thực chất lượng tốt của vắc xin Pfizer".
Nếu vắc xin của Pfizer và BioNTech được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA), công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 có thể bắt đầu ngay trong tuần tới tại Mỹ.
Tác dụng phụ
Công chúng đang thắc mắc liệu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer có tương tự như tiêm vắc xin cúm hay không. Theo CNBC, hai loại vắc xin không hẳn giống nhau.
Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm của Pfizer cho biết sau mũi tiêm thứ hai, anh ta tỉnh dậy với cảm giác ớn lạnh và run cầm cập đến mức nứt một chiếc răng. "Nằm trên giường cũng thấy đau lắm", tình nguyện viên này nói. Một số khác thì bị đau đầu và mệt mỏi.
FDA cho biết, dù tác dụng phụ của vắc xin Pfizer là phổ biến, song "không có lo ngại nào về độ an toàn của vắc xin có thể gây cản trở việc phê duyệt EUA".
Vắc xin của Pfizer là một trong 4 ứng viên được Mỹ hậu thuẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Moderna, một hãng dược khác, cũng đã nộp đơn đăng kí EUA.
Cả hai công ty đều cho biết việc sử dụng vắc xin có thể dẫn đến tác dụng phụ tương tự như các triệu chứng COVID-19 loại nhẹ, chẳng hạn như đau cơ, ớn lạnh và đau đầu.
Giá của vắc xin là một trong các yếu tố quan trọng để triển khai tiêm chủng diện rộng. Hồi tháng 8, Moderna cho biết hãng dự tính thu 32 - 37 USD/liều và có thể giảm giá nếu chính phủ các nước mua với số lượng lớn. Vắc xin của Pfizer phải chăng hơn, ước tính khoảng 20 USD/liều.
Mỹ đã chốt hợp đồng mua khoảng 100 triệu liều vắc xin Pfizer, đủ để tiêm chủng cho 50 triệu người.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, để đạt được miễn dịch cộng đồng, khoảng 70% dân số phải được tiêm vắc xin hoặc có kháng thể tự nhiên. Nghĩa là, Mỹ cần khoảng 462 triệu liều vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng và khoảng 660 triệu liều cho toàn bộ người dân trên cả nước.
Hôm 8/12, Tiến sĩ Scott Gottlieb, thành viên hội đồng quản trị của Pfizer, cho biết Tổng thống Trump đã từ chối lời đề nghị của công ty về việc mua thêm vắc xin.
Anh bắt đầu tiêm chủng
Cuối tuần trước, Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vắc xin của Pfizer. Đến đầu tuần này, chính phủ đã bắt đầu triển khai tiêm chủng lần đầu cho công chúng trong nước. Ngày 8/12, bà Margaret Keenan (90 tuổi) trở thành người đầu tiên trên thế giới tiếp nhận vắc xin của Pfizer ngoài điều kiện thử nghiệm.
Trong một tuyên bố, chính phủ Anh cho hay: "Các chuyên gia của Cơ quan Quản lí Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (MHRA) đã tiến hành đánh giá nghiêm ngặt, khoa học và chi tiết tất cả dữ liệu sẵn có, bắt đầu từ hồi tháng 10/2020".
Toàn bộ 40 triệu liều vắc xin của Anh đến từ trung tâm sản xuất của Pfizer ở Puurs, Bỉ. Vắc xin sẽ được giao theo từng giai đoạn và toàn bộ đơn hàng sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021.
Theo CNBC, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc y tế tại nhà và người già trên 80 tuổi sẽ nhận được vắc xin trước khi tiêm chủng rộng rãi cho người dân Anh.