Chứng khoán Mỹ lập kỉ lục mới giữa nhiều hi vọng về vắc xin
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 104 điểm, tương đương 0,4% và đóng cửa ở 30.174 điểm. Giữa phiên, chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này tăng lên đỉnh trong ngày (intraday record) 30.246 điểm.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng đóng cửa ở đỉnh mới sau khi tăng lần lượt 0,3% và 0,5%. Đây cũng là lần đầu tiên S&P 500 đóng cửa trên 3.700 điểm.
Qua Facebook cá nhân, Tổng thống Donald Trump đăng: "S&P 500 và Nasdaq đóng cửa trên đỉnh lịch sử. Xin chúc mừng".
Theo CNBC, Dow Inc., Johnson & Johnson và 3M là những cổ phiếu dẫn dắt đà đi lên của chỉ số Dow Jones, cả ba đều tăng hơn 1%. Nhóm năng lượng dẫn đầu chỉ số S&P 500 khi tăng 1,5%.
Cổ phiếu hãng dược phẩm Pfizer tăng 3,2% lên đỉnh trong khoảng hai năm gần đây. BioNTech, công ty Đức phát triển vắc xin cùng Pfizer, chứng kiến giá cổ phiếu tăng 1,9% trong phiên 8/12.
Nước Anh bước đầu đã đặt mua vắc xin từ Pfizer đủ cho 20 triệu người dân. Bà Margaret Keenan – 90 tuổi – là người đầu tiên tại Anh cũng như trên thế giới được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong một chương trình tiêm chủng diện rộng (không phải thử nghiệm). Cho đến nay, Anh là nước đầu tiên và duy nhất cấp phép cho vắc xin của Pfizer.
Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm liên bang (FDA) cho biết loại vắc xin này tạo ra cơ chế bảo vệ nhất định sau khi tiêm mũi đầu tiên. FDA cũng cho biết chưa phát hiện vấn đề an toàn nào với vắc xin của Pfizer.
CNBC dẫn lời ông Matt Lloyd, Giám đốc chiến lược đầu tư công ty quản lí tài sản Advisors Asset Management nhận xét: "Thông tin về vắc xin là tín hiệu tích cực, không thể nhầm được. Nhìn chung, nhà đầu tư có lí do để lạc quan".
Thông tin về đợt triển khai vắc xin của Pfizer-BioNTech xuất hiện trong lúc nhà đầu tư đang theo dõi quá trình đàm phán gói cứu trợ kinh tế tại Quốc hội.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) cho biết ông muốn thông qua một dự luật cứu trợ không có điều khoản miễn trừ pháp lí cho doanh nghiệp và cũng không có khoản tăng cường ngân sách cho chính quyền bang và địa phương.
Cùng với đề xuất phát tiền trực tiếp cho người dân, hai nội dung trên là những điểm quan trọng gây tranh cãi nhất giữa hai đảng Dân chủ - Cộng hòa.
Những ngày trước, Đảng Cộng hòa nhất định đưa điều khoản miễn trừ pháp lí cho doanh nghiệp vào dự luật, mục đích là giúp doanh nghiệp tránh bị kiện tụng khi để người lao động hay khách hàng nhiễm COVID-19. Đảng Dân kiên quyết đòi loại bỏ điều khoản miễn trừ này.
Ngược lại, Đảng Dân chủ đòi cấp thêm ngân sách cho các bang và địa phương để tăng cường nỗ lực khống chế đại dịch, tuy nhiên ông McConnell và Đảng Cộng hòa cực lực phản đối.
Hôm 8/12, ông McConnell nói với báo giới: "Tôi đề nghị tạm gạt miễn trừ pháp lí và ngân sách cho bang và địa phương sang một bên, rồi tập trung thông qua những điều khoản mà cả hai đảng có thể nhất trí. Sau đó, chúng ta sẽ quay lại với gói cứu trợ này vào năm 2021".
Ông McConnell nói thêm rằng cả hai đảng đã tìm được sự đồng thuận ở một số vấn đề như Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) cho doanh nghiệp nhỏ.