'Có nhiều loại vắc xin COVID-19 chưa chắc đã tốt'
Khởi động hàng chục dự án phát triển vắc xin có ý nghĩa lớn ở giai đoạn đầu của đại dịch COVD-19 vì chúng ta có thể có ít nhất một dự án thành công. Song, việc nên làm cách đây gần một năm bây giờ lại trở thành một vấn đề khó nghĩ.
Các nhà khoa học rất đáng được khen ngợi vì họ đã thành công ngoài mong đợi. Lúc này, chúng ta đang có rất nhiều loại vắc xin tiềm năng có thể sớm đến tay người dân.
Vấn đề đặt ra lúc này là người dân sẽ gặp khó khăn trong việc quyết định tiêm phòng loại vắc xin nào, và có nguy cơ là họ sẽ chọn không tiêm phòng.
Nghịch lí của sự lựa chọn
Theo Bloomberg, nghịch lí của sự lựa chọn (paradox of choice) là một hiện tượng nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế học hành vi.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng được công bố hồi năm 2000, khách mua sắm tại một siêu thị cao cấp tại thành phố Menlo Park, bang California đã được giới thiệu một số mẫu mứt trái cây. Một số người được gợi ý 6 lựa chọn và số khác được giới thiệu đến 24 loại.
Theo lí thuyết kinh tế thông thường, nhiều lựa chọn luôn tốt hơn là ít lựa chọn. Quả thực, các khách hàng được giới thiệu nhiều loại mứt hơn thường dừng lại và xem hàng. Tuy nhiên, họ lại ít mua hàng hơn. Cuối cùng, chỉ 3% nhóm đó mua một lọ mứt, trong khi tỉ lệ này ở nhóm khách hàng được giới thiệu ít sản phẩm hơn là 30%.
Giáo sư kinh tế Sheena Iyengar của Trường Kinh doanh Columbia và Giáo sư tâm lí Mark Lepper của Đại học Stanford, hai tác giả của nghiên cứu năm đó, cho hay: "Có nhiều lựa chọn thoạt đầu có vẻ hấp dẫn người tiêu dùng hơn, song lại làm giảm ham muốn mua sản phẩm của họ".
Vắc xin COVID-19 không đơn giản như mứt trái cây
Tác động của nghịch lí trên với vắc xin ngừa COVID-19 có thể tồi tệ hơn là với mứt trái cây. Theo Bloomberg, vắc xin phức tạp hơn và có thể gây ra hệ lụy riêng.
Hiện tại, các hãng dược Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Đại học Oxford đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối khả quan, tỉ lệ phòng bệnh của vắc xin đạt từ 90% trở lên. Vắc xin Sputnik V của Nga thậm chí đã được phê duyệt và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo công cụ Coronavirus Vaccine Tracker của hãng tin New York Times tính đến ngày 24/11, thế giới hiện có khoảng 13 vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và 6 vắc xin đã được phê duyệt dùng trên qui mô hạn chế.
Ngoài tính chất phức tạp của vắc xin còn có nỗi sợ của công chúng. Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người lo lắng về việc tiêm vắc xin COVID-19. Điều này có thể không hợp lí vì các vắc xin đều đang trải qua quá trình thử nghiệm trên qui mô lớn, song đây vẫn là một trở ngại. Và có quá nhiều vắc xin khiến trở ngại càng tăng lên.
Ít nhất trong giai đoạn đầu, tâm lí bối rối của công chúng chưa phải là vấn đề nghiêm trọng vì nguồn cung vắc xin sẽ khá hạn chế và hầu hết mọi người sẽ chỉ có duy nhất một lựa, Giáo sư Grace Lee của Đại học Stanford cho hay.
Về sau, khi có nhiều vắc xin khác xuất hiện trên thị trường với nguồn cung dồi dào, người dân nên được hướng dẫn bởi các chuyên gia y tế, bà Lee tiếp tục. Tuổi tác và các đặc điểm riêng của một người có thể sẽ khiến người đó phù hợp với loại vắc xin này hơn loại khác.
"Tôi không nghĩ vắc xin COVID-19 nên được bày ra như một thực đơn đồ ăn trong nhà hàng", bà Lee nhấn mạnh.
Nếu quả thực công chúng chỉ có thể chọn "Tiêm vắc xin: có/không?" thì nhiều người sẽ chấp nhận tiêm phòng, từ đó hình thành miễn dịch cộng đồng và nhiều sinh mạng sẽ được cứu sống.