|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Goldman Sachs: Kinh tế toàn cầu phục hồi 'hình chữ V' nhờ chiến thắng của ông Biden và hi vọng vắc xin

08:34 | 10/11/2020
Chia sẻ
Trái với dự báo có phần ảm đạm của các tổ chức khác, Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi theo mô hình chữ V và cơ hội đang lớn dần khi vắc xin ngừa COVID-19 sắp xuất hiện.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng vọt trong phiên giao dịch 9/11 sau khi Pfizer và BioNTech thông báo vắc xin tiềm năng của hai hãng đạt hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở các tình nguyện viên được cho là không có tiền sử nhiễm bệnh trong quá khứ. 

Financial Times dẫn lời Pfizer và BioNTech cho biết có thể sản xuất tối đa 50 triệu liều vắc xin trong năm nay và thêm 1,3 tỉ liều nữa vào năm 2021.

Tiến sĩ Albert Bourla, Chủ tịch kiêm CEO của hãng dược Pfizer, ca ngợi kết quả thử nghiệm vắc xin là "một ngày trọng đại cho khoa học và nhân loại".

Sau khi truyền thông gọi tên ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử năm nay, tin tức về vắc xin ngừa COVID-19 càng trở nên sốt dẻo. Theo CNBC, cả hai diễn biến mới này đều có khả năng ảnh hưởng đến dự báo kinh tế.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021, các nhà phân tích của Goldman Sachs lo ngại chính sách tài khóa của Đảng Dân chủ có thể gặp trở ngại vì họ dường như không thể giành được đa số ghế tại Thượng viện.

Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn dự đoán chính phủ Mỹ sẽ triển khai một gói cứu trợ trị giá 1.000 tỉ USD, nhiều khả năng là trước lễ nhậm chức dự kiến của ông Biden vào ngày 20/1/2021.

Goldman Sachs: Kinh tế phục hồi 'hình chữ V' nhờ chiến thắng của ông Biden và hi vọng vắc xin - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden trong cuộc họp báo về COVID-19 hôm 9/11. (Ảnh: AP)

Song, theo nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius và nhóm của ông tại Goldman Sachs, làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu và Mỹ mới là yếu tố quan trọng hơn đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện báo cáo gần 50,8 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 1,2 triệu ca tử vong. Trong đó, Mỹ đã chạm mốc 10 triệu ca nhiễm và một số nước lớn tại châu Âu đã áp dụng các lệnh phong tỏa cục bộ trở lại.

Các yếu tố trên khiến Goldman Sachs phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong quí IV/2020 và quí I/2021. Tuy nhiên, ngân hàng Mỹ vẫn tự tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế mà Bloomberg thăm dò trước đó.

Theo CNBC, Goldman Sachs dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3,9% trong năm 2020, tích cực hơn một chút so với dự báo chung là giảm 4%. Sau đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2021 (dự báo chung là 5,2%) và 4,6% vào năm 2022 (dự báo chung là 3,7%). Song, Goldman Sachs cho biết rủi ro suy yếu còn tồn tại.

Trong khi đó, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu giảm 4,4% trong năm 2020 và tăng 5,2% vào năm 2021.

Trong báo cáo, ông Hatzius cho hay: "Cũng như khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng (dù khá cục bộ) sau các đợt phong tỏa vào mùa xuân năm nay, chúng tôi dự đoán tình trạng yếu kém hiện tại sẽ nhường chỗ cho tăng trưởng mạnh mẽ khi các lệnh phong tỏa ở châu Âu kết thúc và chúng ta có vắc xin".

Goldman Sachs dự đoán ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển sẽ duy trì chính sách ôn hòa trong vài năm tới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được cho là sẽ chỉ bắt đầu tăng lãi suất trở lại vào năm 2025.

"Trung Quốc là ngoại lệ. Sản lượng kinh tế của đất nước tỉ dân đã trở lại mức trước đại dịch, tín dụng đang tăng nhanh và chính sách tài khóa vẫn trong xu hướng mở rộng", ông Hatzius nói thêm.

"Giả sử Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt ít nhất một vắc xin ngừa COVID-19 vào tháng 1 năm sau và việc tiêm chủng trên diện rộng bắt đầu ngay sau đó thì như chúng tôi dự đoán, tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng mạnh trong quí II", nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs lí giải thêm.

Khả Nhân