|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ukraine thừa nhận thiếu đạn dược và đang thất thế trên tiền tuyến

17:02 | 10/06/2022
Chia sẻ
Phó giám đốc cơ quan tình báo Ukraine chia sẻ với Guardian rằng Kiev đang thua Nga trên tiền tuyến và hiện gần như chỉ dựa vào vũ khí từ phương Tây để phòng thủ trước các đợt tấn công của Moscow.

Thiếu thốn đạn dược

The Guardian dẫn lời ông Vadym Skibitsky, Phó giám đốc cơ quan tình báo Ukraine, cho biết: “Đây là một cuộc chiến tranh pháo binh. Và chúng tôi đang thua về mặt vũ khí”.

Ông Skibitsky nói: “Mọi thứ bây giờ phụ thuộc vào những gì mà phương Tây gửi cho chúng tôi. Ukraine có một khẩu pháo thì Nga phải có tới 10 - 15 khẩu. Các đối tác phương Tây đã cung cấp cho chúng tôi khoảng 10% những gì họ có”.

Ukraine đang sử dụng 5.000 đến 6.000 viên đạn pháo mỗi ngày, theo ông Skibitsky. “Chúng tôi gần như đã sử dụng hết đạn pháo của riêng Ukraine và hiện đang sử dụng đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO”.

"Châu Âu cũng đang cung cấp các loại đạn pháo có cỡ nòng thấp hơn nhưng khi kho đạn của họ cạn kiệt, số lượng viện trợ cũng ngày càng ít đi", ông Skibitsky thông tin thêm.

Binh sĩ Ukraine đang sử dụng lựu pháo M777 được Mỹ viện trợ. (Ảnh: Reuters). 

Vào tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết mỗi ngày có từ 60 đến 100 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 500 người bị thương. Phía Kiev đã giữ bí mật về tổng số thiệt hại quân sự của mình.

Chia sẻ của những người lính Ukraine trên tiền tuyến với The Guardian cũng vẽ lên một bức tranh tương tự. Ông Skibitsky nhấn mạnh phương Tây cần cung cấp cho Kiev các hệ thống tên lửa tầm xa để tiêu diệt các loại pháo Nga từ khoảng cách lớn. 

Tuần này, cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych tuyên bố rằng Ukraine cần 60 hệ thống pháo phản lực hiện đại để có cơ hội đánh bại Nga. Con số mà ông Arestovych yêu cầu lớn hơn nhiều so với số lượng ít ỏi mà Anh và Mỹ đã hứa viện trợ,.

Kiev dự kiến sẽ kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí và thiết bị phòng thủ tại cuộc họp của NATO tại Brussels vào ngày 15/6.

Ông Skibitsky cho rằng trong tương lai gần, xung đột chủ yếu vẫn là một cuộc chiến pháo binh và số lượng các cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ vẫn ở tần suất như hiện tại.

Trong tháng đầu tiên, Nga liên tục tấn công Ukraine bằng tên lửa nhưng trong hai tháng gần đây, tình hình đã chững lại. Các số liệu gần đây do người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Ukraine công bố khẳng định rằng Moscow đã phóng khoảng 10 đến 14 tên lửa mỗi ngày.

Tên lửa thường có giá rất cao. Mỗi tên lửa có thể có giá từ vài trăm nghìn USD đến vài triệu USD, tùy thuộc vào tầm bắn, tốc độ, hệ thống dẫn đường và tải trọng.

“Chúng tôi nhận thấy rằng Nga đang thực hiện ít cuộc tấn công bằng tên lửa hơn và đã phải sử dụng đến cả tên lửa Kh-22, loại vũ khí của Liên Xô những năm 1970”, ông Skibitsky nói. “Việc phải sử dụng tới cả Kh-22 là minh chứng cho thấy Nga đang thiếu tên lửa".

Ông cho rằng Nga không thể sản xuất tên lửa một cách nhanh chóng vì các lệnh trừng phạt và Moscow đã sử dụng khoảng 60% tổng nguồn dự trữ.

Bàn đạp Donbass

Âm thanh của còi báo động đã trở thành phần của cuộc sống hàng ngày với người dân Ukraine. Những tiếng còi thường xuyên vang lên tại nhiều vùng cùng một lúc nhưng hầu như người trên mặt đất ít nghe thấy tiếng nổ.

Theo ông Skibitsky, mỗi hồi còi báo hiệu tên lửa đã đi vào không phận của Ukraine nhưng mục tiêu tấn công không phải lúc nào cũng được báo cáo vì lý do an ninh.

Ông Skibitsky cho biết: “Các tên lửa mất từ ​​40 đến 90 phút để tới đích, tùy thuộc vào vị trí được phóng… Chúng tôi không thể biết được chúng sẽ nhắm vào đâu”. Ông lưu ý rằng Nga hiện đang sử dụng các máy bay ném bom tầm xa có thể phóng tên lửa đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Ukraine mà không cần rời khỏi không phận Nga.

Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine tính đến ngày 8/6. 

Về ba chiến tuyến chính, ông Skibitsky cho biết phần lớn lực lượng của Nga hiện đang tập trung ở khu vực Donbass và tìm cách chiếm biên giới hành chính của cả hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk. Ông cho biết đây là khu vực có các trận chiến pháo binh diễn ra ác liệt nhất.

Ở phía đông bắc Ukraine, xung quanh Kharkiv, các lực lượng Nga đang tập trung vào việc phòng thủ sau khi cuộc phản công của Ukraine đẩy phía Moscow ra khỏi một số thị trấn và làng mạc trong khu vực vào tháng 5.

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, là nơi thường xuyên bị pháo kích kể từ đầu chiến dịch quân sự. Ông nói: “Mối đe dọa đối với Kharkiv đã giảm bớt”.

Cuối cùng, tại Zaporizhzhia và Kherson, hai khu vực phía nam Ukraine mà Nga gần như đã kiểm soát hoàn toàn, Moscow đang xây dựng hàng phòng thủ cho trận chiến lâu dài. Theo ông, phía Nga đang tổ chức hai tới ba lớp phòng thủ.

Ông Skibitsky nói: “Bây giờ việc lấy lại những lãnh thổ này sẽ trở lên khó khăn hơn. Và đó là lý do tại sao Ukraine cần vũ khí."

Ông Skibitsky nói: “Nếu thành công ở Donbass, Nga có thể sử dụng những vùng lãnh thổ này để phát động một cuộc tấn công khác vào Odessa, Zaporizhzhia và Dnipro”. Ông khẳng định: "Mục tiêu của Nga là toàn bộ Ukraine và hơn thế nữa."

Tình báo quân sự của Ukraine tin rằng Nga có thể tiếp tục xung đột với cường độ như hiện tại mà không cần sản xuất thêm vũ khí hoặc tổng động viên trong vòng một năm nữa.

Ông Skibitsky không loại trừ khả năng Nga sẽ đóng băng chiến tranh trong một thời gian để ép phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. “Nhưng sau đó Moscow sẽ bắt đầu lại xung đột, hãy nhìn lại 8 năm qua,” ông nói thêm.

Minh Quang