|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Putin ví cuộc chiến ở Ukraine như sứ mệnh lịch sử của Peter Đại đế

10:30 | 10/06/2022
Chia sẻ
Trong lễ kỉ niệm 350 ngày sinh của Sa hoàng Peter Đại đế, Tổng thống Nga đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa hiện tại và quá khứ cũng như nhiệm vụ phôi phục bờ cõi nước Nga.

Ví von với sứ mệnh của Peter Đại đế

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Sa hoàng Peter Đại đế trong lễ kỉ niệm 350 năm ngày sinh của ông. Tổng thống Putin cho rằng mình đang tiếp bước Sa hoàng trong nhiệm vụ lịch sử để giành lại những vùng đất của Nga.

Vào ngày 9/6, sau khi tham dự một buổi triển lãm về Peter Đại đế, ông Putin cho biết: “Peter Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong 21 năm. Có vẻ như ông đã chiến đấu và lấy đi thứ gì đó của Thụy Điển. Nhưng Sa hoàng không hề lấy thứ gì của Thụy Điển, ông chỉ trả lại những gì thuộc về Nga".

Khi bình luận trên truyền hình, ông Putin đã so sánh chiến dịch của Peter Đại đế với nhiệm vụ của Nga ngày nay: “Rõ ràng là chúng ta có trách nhiệm phải khôi phục và củng cố nước Nga”.

“Nếu hành động dựa trên những giá trị cốt lõi đã tạo nền tảng cho sự tồn tại của nước Nga, thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong cuộc chiến tại Ukraine”, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.

Tượng đài Sa hoàng Peter Đại đế tại Moscow. (Ảnh: Yuri Timofeyev/RFE/RL).

Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi động thái này là hành động hợp thức hóa việc trộm đất đai.

“Phương Tây phải vạch ra rõ một lằn ranh đỏ để Điện Kremlin hiểu về cái giá của mỗi cuộc đổ máu. Ukraine sẽ giải phóng lãnh thổ của mình một cách mạnh bạo”, cố vấn Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak viết.

Theo Reuters, Nga đã nhiều lần biện minh cho hành động quân sự của mình tại Ukraine bằng cách đưa ra quan điểm lịch sử cho rằng Ukraine không có bản sắc dân tộc hay truyền thống nhà nước.

Lãnh thổ Nga đã liên tục được mở rộng.

Peter Đại đế là một vị sa hoàng được cả những người Nga theo chủ nghĩa tự do và bảo thủ ngưỡng mộ. Người Nga đã từng lấy tên ông đặt cho thủ đô mới năm xưa là St. Petersburg - đây chính là quê hương của ông Putin và cũng là lãnh thổ chinh phục được từ Thụy Điển.

Trước chuyến thăm của ông Putin tới triển lãm, truyền hình nhà nước Nga đã chiếu một bộ phim tài liệu ca ngợi Peter Đại đế là một nhà lãnh đạo quân sự cứng rắn, đã mở rộng đáng kể lãnh thổ của Nga trước Thụy Điển và Đế chế Ottoman.

Hứng thú về lịch sử

Trong những năm gần đây, Tổng thống Putin ngày càng thể hiện rõ mối quan tâm đối với lịch sử Nga trong những lần xuất hiện trước công chúng.

Vào tháng 4/2020, khi Nga bước vào đợt chống dịch COVID đầu tiên, ông đã so sánh đại dịch này với các cuộc xâm lược của những người du mục Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 9 tới nước Nga thời Trung cổ.

Vào tháng 7/2021, Điện Kremlin công bố một bài luận dài của Tổng thống Putin, trong đó ông cho rằng Nga và Ukraine là một quốc gia, bị chia rẽ một cách giả tạo. Bài luận này dường như đã đặt nền tảng cho việc triển khai quân đội tới Ukraine.

Sau đó, Moscow tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt là nhằm giải giáp và "phi hạt nhân hóa" nước láng giềng. Ukraine và các đồng minh cho rằng Tổng thống Putin đã phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.

Các lãnh thổ được sáp nhập vào Ukraine. (Nguồn: Big Think).

Trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin từng đổ lỗi cho lãnh tụ Vladimir Lenin, người sáng lập Liên bang Xô Viết, vì tạo ra Ukraine trên lãnh thổ lịch sử của Nga.

Ngược lại, ông dành lời khen ngợi thận trọng cho lãnh tụ Josef Stalin vì đã tạo ra "một nhà nước tập trung, chặt chẽ và thống nhất tuyệt đối", ngay cả khi thừa nhận chủ nghĩa "toàn trị" của nhà lãnh đạo này.

Tổng thống Putin có lịch sử ca ngợi các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm bảo thủ với mình. Trong khi đó, những đóng góp của các nhà lãnh đạo được coi là đối lập, bao gồm cả Lenin và Nikita Khrushchev, thường bị xem nhẹ.

Ông Andrei Kolesnikov, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: “Tống thống Putin thích những nhà lãnh đạo cứng rắn và mạnh mẽ”.

"Ông Putin muốn được nhìn nhận như một nhà lãnh đạo tân tiến theo phong cách Peter Đại đế, mặc dù ông ấy sẽ đi vào lịch sử với tư cách là một nhà cai trị tàn ác như Ivan Bạo chúa," ông Kolesnikov nói.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.