|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vô vàn tin đồn về bệnh tình của ông Putin đang tác động tới xung đột Ukraine

14:11 | 08/06/2022
Chia sẻ
Tổng thống Nga Vladimir Putin là người có tiếng nói quyết định trong cuộc xung đột tại Ukraine và những tin đồn về tình hình sức khỏe của ông đang thu hút rất nhiều sự chú ý.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng cạnh hai con hươu. (Ảnh: Getty Images).

Hôm 24/5, báo Pravda của Ukraine đăng tải bài phỏng vấn Thiếu tướng Kyrylo Budanov – Cục trưởng Tình báo Quân sự Ukraine, và một trong những nội dung được nhắc tới là sức khỏe của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tướng Budanov khẳng định: “Ông Putin mắc nhiều bệnh nặng, một trong số đó là ung thư. Nhưng đừng hy vọng rằng ông ta sẽ qua đời ngay ngày mai. Ông ta còn sống được ít nhất vài năm nữa. Dù chúng ta có muốn hay không thì đó vẫn là sự thật”.

Tướng Budanov cho rằng chỉ có những người bị bệnh nặng thì mới có ý nghĩ sai lầm rằng mình có thể xâm chiếm toàn bộ Ukraine trong vòng ba ngày và cắm quốc kỳ Nga lên Phủ Tổng thống ở Kiev.

Vào giữa tháng 5, ông Christopher Steele – một cựu sĩ quan thuộc cơ quan tình báo quân đội Anh MI6 – đưa ra nhận định tương tự: “Dựa vào những thông tin mà chúng tôi nắm được từ nguồn ở Nga cũng như các nơi khác, quả đúng ông Putin đang ốm khá nặng”. Ông Steele từng phụ trách các vấn đề liên quan đến Nga tại MI6 giai trong giai đoạn 2006 – 2009.

Các quan chức đương nhiệm (giấu tên) thuộc cơ quan tình báo Anh cũng nói với truyền thông rằng ông Putin đang ốm nặng. 

Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Cục trưởng Tình báo Quân sự Ukraine. Các cửa sổ trong phòng làm việc của ông đã được gia cố bằng bao tải cát để chống bom đạn. (Ảnh: Ukrayinska Pravda)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 29/5 đã thẳng thừng bác bỏ các tin đồn rằng ông Putin đang lâm trọng bệnh. Ông Lavrov chỉ ra rằng Tổng thống Nga xuất hiện trước công chúng hàng ngày và không có dấu hiệu gì của người ốm nặng.

“Người đầu óc tỉnh táo sẽ không nhìn thấy dấu hiệu ốm đau gì [ở ông Putin]”, Ngoại trưởng Nga nói. “Các bạn có thể trông thấy ông Putin trên truyền hình, đọc và nghe các bài phát biểu của ông”.

Không phải đến khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào đầu năm 2022 thì các tin đồn về sức khỏe của ông Putin mới nổi lên.

Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ tay Ukraine, nhiều trang báo Đông Âu và tờ New York Post ở Mỹ đã đưa tin ông Putin bị bệnh ung thư tuyến tụy.

Trong thực tế, ông Putin vẫn lãnh đạo nước Nga trong nhiều năm qua và liên tục xuất hiện trước công chúng. Vậy tại sao các tin đồn về tình hình sức khỏe của ông Putin không chìm xuống mà ngày càng nổi lên nhiều hơn?

Một lý do là sức khỏe có ảnh hưởng đáng kể tới những quyết định mà ông Putin đưa ra cũng như diễn biến của toàn bộ cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Putin là người có quyền tối cao trong việc điều động quân đội cũng như sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Nga. Một người đang bệnh nặng và không còn nhiều thời gian có thể sẽ nôn nóng khi ra các quyết sách, muốn đánh nhanh thắng nhanh và không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mong ước viển vông của phương Tây

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine hôm 24/2, các tin đồn về trọng bệnh của ông Putin mọc lên như nấm sau mưa với những chi tiết ngày càng ly kỳ. Có người nói Tổng thống Nga bị ung thư xương sống, người khác lại bảo ông bị phình mạch máu não.

Nhiều trang báo Nga và phương Tây như CNN, New York Post, Daily Mail, … đưa tin Tổng thống Nga tắm trong máu được lấy từ sừng hươu, nai để chữa bệnh ung thư tuyến giáp.

Hôm 12/5 năm nay, tạp chí New Lines cho biết cơ quan này có trong tay bản ghi âm của cuộc nói chuyện giữa một trùm tư bản Nga có quan hệ thân thiết với Điện Kremlin và một doanh nhân phương Tây. Trong cuộc nói chuyện này, ông trùm người Nga khẳng định Tổng thống Putin đang bị ung thư máu giai đoạn cuối.

Tất nhiên, các tin đồn nói trên đều không kèm theo bằng chứng nào cụ thể và độc giả thường chỉ có thể phỏng đoán dựa vào một số “dấu hiệu khả nghi”.

Chẳng hạn, việc ông Putin tránh tiếp xúc với Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và cả tướng lĩnh quân đội Nga như Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng được cho là xuất phát từ việc ông Putin đang ốm nặng nên rất sợ bị lây nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, khi gặp gỡ các nữ tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Aeroflot, ông Putin lại ngồi ngay cạnh, trò chuyện thân tình và không cần khẩu trang.

Tổng thống Nga ngồi cách xa Tổng thống Pháp nhưng tiếp xúc gần với các tiếp viên hàng không Aeroflot, tháng 2 và 3/2022. (Ảnh: Điện Kremlin).

Một video cho thấy ông Putin bám chặt tay vào bàn khi đang nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Một video khác lại quay cảnh ông Putin run rẩy chân tay khi gặp Tổng thống Belarus. “Cư dân mạng” coi đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh Parkinson.

Ông Boris Karpichkov, một điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) đào ngũ sang Anh, cho rằng Tổng thống Nga không những bị bệnh Parkinson mà còn mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia).

Tuy nhiên, Giáo sư John Hardy, chuyên gia về di truyền học thần kinh tại Viện Nghiên cứu Sa sút trí tuệ Vương quốc Anh, chia sẻ với tờ báo DW rằng ông Putin “không có bất kỳ dấu hiệu nào của Parkinson”.

Bà Caroline Rassell, Tổng Giám đốc của Cộng đồng Parkinson Vương quốc Anh cho biết bệnh Parkinson “chỉ có thể được xác định sau khi thăm khám” và mọi suy đoán đều không có ý nghĩa.

Cho đến nay, những tin đồn về việc ông Putin mắc trọng bệnh vẫn chỉ là tin đồn, thể hiện mong ước viển vông chứ không có bằng chứng xác đáng.

Nếu ông Putin thực sự có dấu hiệu nào đó của việc sức khỏe suy yếu thì cũng không phải chuyện gì gây sốc vì dù sao năm nay ông cũng đã 70 tuổi. Sau 5 năm làm Thủ tướng Nga (1999 – 2000 và 2008 – 2012) và 18 năm làm Tổng thống Nga (2000 – 2008 và 2012 – nay), thể lực và trí lực khó có thể sung mãn như trai trẻ.

Thận trọng giữa rừng thông tin

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, các bên không chỉ giao tranh trên chiến trường mà cả trên mặt trận thông tin.

Báo chí Ukraine và phương Tây nói nhiều về việc ông Putin bệnh nặng cũng như nội bộ Điện Kremlin lục đục, nguy cơ đảo chính lật đổ đến nơi. Cho tới nay, tất cả đều chưa được chứng minh một cách chắc chắn.

Các thông tin trên có thể đúng hoặc sai, nhưng những người theo dõi tình hình cần lưu ý rằng Ukraine và phương Tây có lợi ích sát sườn trong việc tuyên truyền rộng rãi những tin bất lợi về Nga và ông Putin.

Người dân các nước Âu – Mỹ nói chung đều ủng hộ Ukraine và phản đối hành động quân sự của Nga. Các thành viên NATO đã gửi nhiều vũ khí, trang thiết bị tới giúp Ukraine chống lại Nga.

Tuy nhiên khi xung đột kéo dài, sự ủng hộ của nước ngoài đối với Ukraine không còn sôi sục như những ngày đầu. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, giá cả tăng phi mã, nhiều người đang tự hỏi tại sao phải viện trợ cho Ukraine xa xôi trong khi chính đất nước của mình cũng đang có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Những tin đồn về việc ông Putin bệnh nặng hay quan chức Nga sắp đảo chính giúp thắp lên một tia hy vọng về khả năng cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc một cách chóng vánh, gọn ghẽ và có hậu cho phe được coi là “chính nghĩa”.

Tinh thần chiến đấu của chính người dân Ukraine cũng có thể được nâng cao nhờ những tin đồn tiêu cực về Nga.

Truyền thông Nga cũng đã không ít lần tung tin thiếu cơ sở về Ukraine theo hướng có lợi cho Moscow, chẳng hạn như loạt bài viết khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bỏ chạy khỏi Kiev. Ông Zelensky ngay sau đó đã phát trực tiếp (livestream) cảnh mình đang đứng giữa thủ đô để trấn an binh sĩ và nhân dân. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy ông Zelensky rời bỏ đất nước.

Song Ngọc