|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp vận tải châu Âu coi lệnh trừng phạt Nga như trò đùa, làm ăn với Moscow nhiều hơn trước

10:49 | 08/06/2022
Chia sẻ
Doanh nghiệp vận tải châu Âu đã tăng gấp đôi hoạt động vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp mọi nỗ lực cấm vận của EU.

Tờ The Independent trích dẫn báo cáo từ các tổ chức vận động cho biết doanh nghiệp vận tải EU đã biến kế hoạch trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu thành một trò cười.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng lệnh cấm vận dầu một phần được sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới Nga hay làm rút ngắn cuộc xung đột.

Trừng phạt hay "trò cười"

Trong khi giới lãnh đạo EU cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận vào tuần này về việc cấm vận một phần dầu thô của Moscow, các tàu của châu Âu chở đầy dầu thô từ Nga đang trở thành lĩnh vực ngày càng sinh lời.

Tổ chức chống tham nhũng Global Witness phân tích dữ liệu từ Refinitiv cho biết ba quốc gia hàng hải lớn của châu Âu là Hy Lạp, Đảo Síp và Malta đã liên tục tăng cường lượng dầu vận chuyển mỗi tháng kể từ khi xung đột nổ ra.

Ba nước Địa Trung Hải đang ngày càng tăng cường hỗ trợ Nga xuất khẩu dầu mỏ.

Vào tháng 2, khi quân đội Nga tấn công Ukraine, các doanh nghiệp và tàu có liên quan tới ba quốc gia trên đã chuyển tổng cộng 31 triệu thùng dầu của Moscow. Đến tháng 5, con số này tăng vọt lên mức 58 triệu thùng.

Tổng cộng, kể từ tháng 2, tàu từ những nước này đã vận chuyển 178 triệu thùng dầu với giá trị ước tính khoảng 17,3 tỷ USD (tính theo giá hiện tại của dầu thô Nga).

Vào thời điểm đầu cuộc xung đột, các tàu có liên quan tới những quốc gia trên vận chuyển khoảng hơn 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga. Tới tháng 5, con số này tăng lên thành hơn 1/2.

Bà Anastassia Fedyk, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Haas thuộc UC Berkeley, cho rằng những phát hiện này “rất đáng quan ngại”.

“EU có sức ảnh hưởng đối với Nga do nguồn cung năng lượng kém co giãn: rất khó và tốn kém để Moscow chuyển dòng chảy dầu thô sang nơi khác. Do đó, việc cho phép các tàu gắn cờ EU chở dầu của Nga đang làm suy yếu đòn bẩy thương lượng của Liên minh châu Âu”, bà nói.

Bà Fedyk cho biết thêm: “Một lệnh cấm vận dầu mỏ cần phải triệt để. Chính sách hiện tại của EU chỉ làm giảm một phần nguồn cung của Nga và đang thúc đẩy thay đổi trong logistics”.

Giá dầu Urals của Nga đang quay lại mức trước xung đột.

Vận tải hưởng lợi

Vào hôm 7/6, Ủy ban châu Âu cuối cùng đã công bố kế hoạch để cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển. Nhưng các biện pháp này cần được triển khai theo nhiều giai đoạn và đã bị suy yếu đáng kể do mẫu thuẫn giữa các thành viên.

Dầu của Nga sẽ tiếp tục chảy vào châu Âu theo một đường ống đi qua Hungary. Và sau khi Hy Lạp, Malta và Đảo Síp vận động hành lang, các tàu thuyền và công ty đăng ký tại EU vẫn được phép tiếp tục chuyển dầu từ Nga sang các nước không thuộc Liên minh châu Âu.

Các công ty EU vẫn có thể tiếp tục thu lợi từ việc tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển dầu của Nga sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, những nơi sẵn lòng mua loại dầu thô mà châu Âu không mong muốn.

Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Moscow trong khi khối lượng dầu Nga mà Ấn Độ nhập khẩu đã tăng 25 lần so với cùng kỳ.

Vì nhiều công ty đã xa lánh dầu thô từ Nga nên những doanh nghiệp vẫn sẵn lòng vận chuyển sẽ thu được khoản lợi khổng lồ.

Nguồn tin trong ngành vận tải cho biết, vào hôm 3 /6, một tàu chở dầu lớn khởi hành từ cảng Primorsk, Nga có thể thu về 32.500 USD/ngày. Trước khi chiến dịch quân sự diễn ra, chuyến tàu tương tự chỉ có thể mang về khoảng 10.000 USD.

Các chuyên gia và nhà vận động cảnh báo rằng việc lãnh đạo châu Âu không ngăn được các tàu do EU kiểm soát chở hàng hóa của Nga sẽ để lại lỗ hổng trong lệnh cấm vận.

Bà Fedyk cho biết, động thái của EU cũng đã trừng phạt người tiêu dùng châu Âu, vì các thị trường đã đẩy giá dầu lên cao trong nhiều tuần với kỳ vọng rằng lệnh cấm vận cứng rắn sẽ được công bố. Bà nói: “Các công dân bình thường ở châu Âu đã trả nhiều tiền hơn cho dầu của Nga và không thực sự trừng phạt Moscow”.

“Trên thực tế, Bộ Tài chính Nga đã công khai khoe khoang rằng hành động của EU chỉ giúp làm tăng doanh thu cho Moscow”, bà cho biết, đồng thời khẳng định việc loại trừ trừng phạt lĩnh vực hàng hải là một sai lầm và cần sớm được xem xét lại.

Tài khoản vãng lai của Nga đạt thặng dư kỷ lục do giá dầu cao và nhập khẩu sụt giảm. 

Trong khi một số công ty, chẳng hạn như Shell và BP, công khai tách mình khỏi các ngành công nghiệp dầu khí của Nga, những công ty khác cố gắng lấp đầy lỗ hổng. Trong số đó có cả những công ty thuộc sở hữu của một số nhà tài phiệt vận tải biển giàu có nhất Hy Lạp.

Không thể khẳng định bất kỳ công ty nào đã vi phạm các biện pháp trừng phạt hoặc pháp luật. Nhưng các con số đang đặt ra câu hỏi về hiệu quả của nỗ lực quốc tế nhằm siết chặt tài chính của Moscow và đưa cuộc xung đột đến hồi kết.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ông Yanis Varoufakis, nói rằng các chủ tàu nước mình có quyền lợi trong việc ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào đối với việc bán dầu Nga.

Tuy nhiên, ông lập luận rằng ngành công nghiệp này “chẳng đóng góp gì” cho nền kinh tế Hy Lạp. Nguyên nhân là bởi tàu thuyền thường được đăng ký ở các quốc gia khác và lợi nhuận được giữ tại nước ngoài, ngoài tầm với của chính phủ Hy Lạp.

Nga cũng hưởng lợi

Ông Louis Goddard, cố vấn điều tra dữ liệu cấp cao tại Global Witness, cho biết: “Kể từ xung đột Ukraine, các tàu chở dầu châu Âu không chỉ tiếp tục mà còn tăng cường hoạt động mua bán với Nga”.

“Các con tàu liên quan đến Hy Lạp, Síp và Malta đang chế nhạo nỗ lực của EU trong việc trừng phạt cỗ máy chiến tranh của Moscow, giữ dòng tiền chảy sang Nga khi các lực lượng vũ trang của nước này tiếp tục tấn công Ukraine”, ông khẳng định.

“Để thu hẹp lỗ hổng này, EU phải kiên quyết chống lại sự vận động hành lang từ tất cảquốc gia thành viên có lợi ích liên quan đến thương mại dầu mỏ và đặt hạn chế vận chuyển vào trọng tâm trong các lệnh trừng phạt”, ông Goddard kết luận.

Ông Benjamin L Schmitt, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết việc châu Âu không thể cấm hoàn toàn dầu của Nga có nghĩa là “Moscow không chịu áp lực để ngừng hành động quân sự tại Ukraine”.

Nga liên tục cắt giảm lãi suất sau khi tăng lên mức 20% vào cuối tháng 2 do nền kinh tế dần ổn định.

Ông Clay Lowery, Phó chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế cho biết, Chính phủ Nga đang trên đà nhận được dòng tiền kỷ lục trị giá 250 tỷ USD trong năm nay.

Ông nói: “Dòng tiền tệ cứng khổng lồ này có nghĩa là có thanh khoản dồi dào và lãi suất thấp, giữ cho nền tài chính của Nga ổn định hơn ngay cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái”.

Ông Lowery cho rằng lệnh cấm vận hàng hải có thể là chìa khóa để ngăn chặn việc chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các nước như Trung Quốc và Ấn Độ.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.