Uber, Grab, taxi truyền thống, cuộc chiến thời 4.0 cần rút kinh nghiệm từ các nước
Sau phán quyết của CJEU: Việt Nam ứng xử với Uber, Grab thế nào? | |
Được gì sau 2 năm thí điểm Uber, Grab? |
Đây là ý kiến của Bộ Ngoại giao trong số nhiều ý kiến được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp về tình hình thực hiện chỉ thị 16/CT-Ttg về việc tăng cường năng lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tổng kết kinh nghiệm của các nước trong xử lý các vấn đề mới do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng chính sách, quy định phù hợp, ví dụ quy định quản lý dịch vụ Uber, xử lý dư thừa lao động giản đơn, quản lý mạng xã hội, giao dịch điện tử hải quan biên giới…
Uber, Grab hiện nay là phép thử của thời đại 4.0
Thật vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0 đặt ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ đang hành động mạnh mẽ để nắm lấy cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0 mang lại bằng việc khuyến khích khởi nghiệp; thành lập nhiều doanh nghiệp mới; ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh; để doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ, các khoản vay ưu đãi nhằm đổi mới công nghệ.
Ích lợi mang lại từ những mô hình này là không thể phủ nhận, tuy nhiên, nó cũng mang lại không ít mâu thuẫn, xung đột trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các các doanh nghiệp cùng ngành đang kinh doanh theo khuôn mẫu cũ. Sự kiện xe Grab, Uber vào Việt Nam cạnh tranh với taxi truyền thống chính là hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Về kinh tế - xã hội, Grab, Uber đã tạo ra các lợi ích nhất định. Người tiêu dùng dường như được hưởng lợi nhiều nhất với các sản phẩm và dịch vụ mới được thực hiện từ xa của các ứng dụng thông minh từ internet, điện thoại đang làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và năng suất hơn nhưng chi phí không đáng kể. Từ những tiện ích trên cho thấy số đông khách hàng có điều kiện, ở đô thị, thích ứng với công nghệ lựa chọn sử dụng.
Còn đối với các hãng taxi truyền thống, họ cho rằng, trong khi doanh nghiệp phải đầu tư xe, đầu tư bến bãi và hoạt động kinh doanh dựa trên các điều kiện của taxi thì Uber, Grab chỉ có phần mềm nhưng lại đang điều hành một số lượng xe lớn cạnh tranh bất bình đẳng với taxi.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách từng chia sẻ tại Tọa đàm khoa học “Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số” rằng, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì Uber và Grab không phải là loại hình taxi mà thuộc nhóm xe hợp đồng. Vì vậy, nếu như nhà quản lý và người tham gia soạn thảo chính sách không phân biệt rõ ràng thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn, có những chính sách thiếu phù hợp đối với loại hình này, ảnh hưởng tới lợi ích của người dân.
Nền kinh tế chia sẻ đặc biệt rất có lợi cho những nước có dân số lớn như Việt Nam, Indonesia… Sự xuất hiện của các công nghệ như Uber, Grab đã tham gia tích cực và làm thay đổi môi trường hoạt động cũng như phúc lợi của xã hội. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn của Việt Nam, đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính phản ứng đối với các hiện tượng mới này.
Cụ thể là quan điểm hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch) đối với xe hợp đồng điện tử “để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và ngăn chặn gián đoạn ngành taxi truyền thống. Đây là một lối tư duy sai lầm, vì trên thực tế, các xe này cung cấp một giải pháp vận chuyển hiệu quả và tiết kiệm hơn so với xe hơi cá nhân và taxi truyền thống. Chưa kể, nếu dưa ra chính sách hạn ngạch, thì có khả thi không? Có xâm phạm quyền tự do kinh doanh của những người muốn tham gia vào thị trường vận tải này hay không? Có làm giảm phúc lợi của xã hội hay không, trong đó chủ yếu là người tiêu dùng và người tài xế.
Noài ra, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho biết, Uber, Grab hiện nay là phép thử với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống, chính sách hiện nay. Chính phủ có chủ trương thúc đẩy công nghiệp 4.0. Nên nếu chúng ta từ chối Uber, Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này sẽ phát đi thông điệp vô hình chung, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được. Đó sẽ là thông điệp không chỉ với ngành vận trải mà còn các ngành khác nữa.
Cuộc chiến thời 4.0 cần rút kinh nghiệm từ các nước khác
Mới đây, sự kiện Tòa án Công lý Hội đồng châu Âu (CJEU) đã ra phán quyết Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác. Điều này đã dấy lên làn sóng tranh luận về việc xem Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hay công nghệ?
Tại Việt Nam, Bộ Giao thông và Vận tải vừa tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong đó, Bộ GTVT xác định, thời gian tới sẽ nghiên cứu đưa điều kiện kinh doanh của Uber, Grab “gần” hơn với taxi truyền thống.
Theo Bộ Giao thông, phán quyết của Tòa án châu Âu là cơ sở tham khảo rất tốt để không chỉ giải quyết vấn đề Uber hay Grab với taxi truyền thống, mà giải quyết đối với cả vận tải đường dài như xe hợp đồng Limousine đang nở rộ hiện nay. Việt Nam có thể có một công cụ quản lý như Uber, Grab khi có đầy đủ khái niệm về bản chất kỹ thuật của ứng dụng này, đồng thời có thể đưa vào Luật giao thông đường bộ và các luật khác để tạo hành lang pháp lý liên quan đến công nghệ thông tin, tài chính, thuế.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, trước những vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như quy định quản lý dịch vụ Uber, Grab, Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tổng kết kinh nghiệm của các nước. Trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng chính sách, quy định phù hợp.