|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Từ vụ Evergrande, rủi ro tài chính của các đại gia địa ốc Trung Quốc càng lộ rõ

12:14 | 29/09/2021
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đang khiến công chúng chú ý đến sức khỏe của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn có trái phiếu xếp hạng rác.

Các công ty bất động sản Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp có trái phiếu xếp hạng rác, đang phải đối mặt với những điều kiện ngày càng ngặt nghèo. 

Chi phí đi vay tăng cao khi nhiều người lo sợ Evergrande sẽ vỡ nợ. Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt về đòn bẩy buộc họ phải giảm khối nợ. Trong khi đó, các biện pháp hạ nhiệt thị trường nhà ở của Bắc Kinh khiến doanh số bán nhà sụt giảm.

Hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực đối với các công ty bất động sản đang ngập trong nợ nần.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã ưu tiên giải quyết rủi ro tài chính trên thị trường bất động sản trong năm nay, còn Bắc Kinh thì chưa đưa ra thông tin chính thức nào về số phận của Evergrande. Điều đó chứng tỏ lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên.

Dưới đây là 10 công ty bất động sản có tỷ suất sinh lợi thấp nhất trong năm nay theo một chỉ số của Bloomberg về các trái phiếu đồng USD có lợi suất cao của Trung Quốc, dữ liệu tính đến ngày 27/9:

Fantasia Holdings Group

Công ty này có trụ sở chính tại Thâm Quyến, thành lập năm 1998. Fantasia đang hoạt động trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả tỉnh Quảng Đông và thành phố Thượng Hải.

Đầu tuần này, Moody's Investors Service đã hạ xếp hạng của Fantasia xuống giữa nhóm "rác". Moody's cho rằng "rủi ro tái cấp vốn của Fantasisa đang tăng lên vì công ty này khó tiếp cận nguồn vốn và đang giữ một lượng lớn nợ sắp đáo hạn". Các ngân hàng tư nhân của Citigroup và Credit Suisse Group đã ngừng chấp nhận trái phiếu của Fantasia làm tài sản đảm bảo, theo Bloomberg.

Trái phiếu của Fantasia đang được xếp hạng B3/B/B, lần lượt theo Moody's, Fitch Ratings và S&P Global Ratings. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Fantasia (niêm yết tại Hong Kong) đã lao dốc 58%.

Trong tuần này, trái phiếu lãi suất 10,875%, đáo hạn năm 2024 của Fantasisa đã giảm xuống còn 31% mệnh giá. Khi mới phát hành vào tháng 3, giá của loại trái phiếu này rơi vào khoảng 98%.

Fantasia có khoảng 3,9 tỷ USD trái phiếu đồng USD đang lưu hành, trong đó một lô trái phiếu trị giá 208 triệu USD có thể mua lại (callable) vào ngày 4/10 và một lô trái phiếu trị giá 250 triệu USD đến hạn vào ngày 17/12 năm nay.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương của Fantasia đạt khoảng 4,2 tỷ USD, trong khi nợ phải trả là khoảng 12,9 tỷ USD.

Central China Real Estate (CCRE)

Tập đoàn này có trụ sở tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam và được thành lập vào năm 1992. Theo S&P Global, đây là nhà phát triển bất động sản lớn nhất tỉnh Hà Nam.

Trong tháng 9, cả Moody's và S&P Global đều hạ triển vọng của CCRE xuống mức tiêu cực, đồng thời giữ nguyên xếp hạng trái phiếu.

CCRE cho biết họ đã dành đủ tiền mặt để thanh toán cho một lô trái phiếu đến hạn vào tháng 11. Ngoài ra, tập đoàn này còn chi khoảng 3,6 triệu USD để mua lại một phần nhỏ của hai lô trái phiếu đồng USD dự kiến đáo hạn vào năm 2024.

Trái phiếu của CCRE đang được xếp hạng Ba3/BB-/B+, lần lượt theo Moody's, Fitch Ratings và S&P Global. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của CCRE (niêm yết tại Hong Kong) đã giảm giá 37%.

Trong tuần này, loại trái phiếu lãi suất 7,65%, đến hạn vào năm 2023 của CCRE đã tụt từ 95% mệnh giá hồi tháng 7 xuống còn khoảng 65%.

Theo Bloomberg, tập đoàn bất động sản lớn nhất tỉnh Hà Nam đang có khoảng 2,9 tỷ USD trái phiếu đồng USD đang lưu hành, trong đó có một lô trái phiếu trị giá khoảng 400 triệu USD có thể mua lại vào ngày 8/11.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, tiền mặt và các khoản tương đương của CCRE rơi vào khoảng 1,7 tỷ USD, trong khi nợ phải trả là 23 tỷ USD.

China South City Holdings (CSC)

Được thành lập năm 2002, China South City có trụ sở tại Hong Kong và sở hữu dự án ở nhiều tỉnh thành như Thâm Quyến và Nam Xương.

Trong tháng 9, S&P Global đã điều chỉnh triển vọng của CSC thành tiêu cực. Hãng xếp hạng tín dụng cho biết CSC "có thể cạn kiệt bộ đệm tiền mặt để thanh toán các khoản nợ lớn sắp đáo hạn ở nước ngoài" trong khi "không thể tái cấp vốn với chi phí hợp lý". Moody's đã rút lại xếp hạng B3 vì lý do kinh doanh riêng.

Theo đó, trái phiếu của CSC đang được xếp hạng B/B, lần lượt theo Fitch Ratings và S&P Global. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của CSC (niêm yết tại Hong Kong) đã giảm 43%.

Trong tuần này, trái phiếu đồng USD lãi suất 11,95%, đáo hạn năm 2023 của CSC đã giảm xuống còn 61% mệnh giá, trong khi tại thời điểm phát hành vào tháng 3 năm nay là khoảng 93%.

Tổng số trái phiếu đồng USD đang lưu hành của CSC là 1,6 tỷ USD, với một lô trái phiếu trị giá 348 triệu USD đến hạn vào tháng 2 năm sau.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3, tiền mặt và các khoản tương đương của công ty bất động sản này đạt khoảng 442 triệu USD, trong khi tổng nợ phải trả là 10 tỷ USD.

Từ vụ Evergrande, rủi ro cấp vốn càng lộ rõ trong lĩnh vực địa ốc Trung Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Yuzhou Group Holdings

Tại ngày 30/6, Yuzhou sở hữu hơn 179 dự án đang xây dựng tại 39 tỉnh, thành phố. Công ty địa ốc này được thành lập năm 1994, đặt trụ sở tại Thượng Hải và Thâm Quyến.

Tháng trước, Yuzhou đã bán một lô trái phiếu xanh lãi suất 9,95%, đáo hạn năm 2023 trị giá 200 triệu USD. Trong tháng 9, công ty tiếp tục bán thêm lô trái phiếu xanh trị giá 120 triệu USD, lượng trái phiếu này có lãi suất 8,5% và đáo hạn vào năm 2022. Fitch Ratings giữ nguyên xếp hạng trái phiếu của Yuzhou với triển vọng ổn định.

Theo đó, trái phiếu của Yuzhou đang được xếp hạng B1/B+, lần lượt theo Moody's và Fitch Ratings. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Yuzhou (niêm yết tại Hong Kong) đã sụt 61%.

Trái phiếu lãi suất 7,85% đến hạn vào năm 2026 của Yuzhou đã tụt từ 105% mệnh giá hồi tháng 3 xuống còn khoảng 69% trong tuần này.

Yuzhou hiện có khoảng 5,6 tỷ USD trái phiếu đồng USD đang lưu hành. Tháng 1/2022, công ty này phải trả lãi cho lô trái phiếu trị giá 242 triệu USD.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương của Yuzhou rơi vào khoảng 3,2 tỷ USD, trong khi nợ phải trả là khoảng 21,5 tỷ USD.

Zhongliang Holdings Group

Zhongliang có trụ sở tại Thượng Hải và hiện đang hoạt động tại 155 thành phố trực thuộc 25 tỉnh, thành.

Dù giá trái phiếu biến động, gần đây Zhongliang đã mua lại một phần trái phiếu đồng USD đang lưu hành trên thị trường.

Trái phiếu của công ty địa ốc này đang được xếp hạng B1/B+/B+, lần lượt theo Moody's, Fitch Ratings và S&P. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Zhongliang (niêm yết tại Hong Kong) đã trượt dốc 5%.

Hồi tháng 7, lô trái phiếu lãi suất 9,5% đáo hạn vào năm 2022 của Zhongliang đã giảm xuống còn 74% mệnh giá, trước khi tăng trở lại mức 85% trong tuần này.

Hiện, công ty bất động sản này có khoảng 1,2 tỷ USD trái phiếu đồng USD đang lưu hành, trong đó 200 triệu USD trái phiếu sẽ đến hạn vào ngày 22/11.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, Zhongliang có khoảng 4,4 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương, trong khi nợ phải trả là khoảng 40 tỷ USD.

Xinyuan Real Estate

Được thành lập năm 1997 tại tỉnh Hà Nam, Xinyuan hiện có trụ sở ở Bắc Kinh. Công ty sở hữu hơn 100 dự án tại hơn 20 thành phố trong nước cũng như ở nước ngoài, theo website của Xinyuan.

Đầu tháng 9, Fitch đã hạ xếp hạng của Xinyuan một bậc xuống CCC (hạng đầu cơ). Fitch cho rằng Xinyuan đang đối mặt với "rủi ro tái cấp vốn khá cao" khi công ty có một lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 10 tới.

Gần đây, S&P cũng đã hạ xếp hạng của Xinyuan xuống CCC với triển vọng tiêu cực, song đã rút lại quyết định theo yêu cầu của công ty này.

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Xinyuan (niêm yết tại New York) đã giảm 23%.

Tuần trước, trái phiếu đồng USD lãi suất 14%, đáo hạn năm 2024 của Xinyuan đã tụt xuống còn 44% mệnh giá, trong khi đầu năm nay là 100%.

Công ty này hiện có khoảng 760 triệu USD trái phiếu đang lưu hành, trong đó một lô trái phiếu trị giá 229 triệu USD sẽ đến hạn vào ngày 15/10.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9/2020, tiền mặt và các khoản tiền mặt bị hạn chế sử dụng của Xinyuan rơi vào khoảng 1,1 tỷ USD, còn nợ phải trả là 6,5 tỷ USD.

Ronshine China Holdings

Ronshine (trụ sở tại Thượng Hải) được thành lập vào năm 2003 và hoạt động tập trung ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử. Tại ngày 30/6, công ty này có tổng cổng 282 dự án.

Moody's, Fitch và S&P Global đều hạ xếp hạng của Ronshine trong tháng 9. Lo ngại chủ yếu xoay quanh khả năng tạo lợi nhuận của công ty này do chi phí thu mua đất quá "cao" trong những năm gần đây, cũng như do các biện pháp hạn chế của chính quyền địa phương khiến giá bán nhà sụt giảm.

Trái phiếu của Ronshine đang được xếp hạng B2/B+/B, lần lượt theo Moody's, Fitch Ratings và S&P. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Ronshine (niêm yết tại Hong Kong) đã giảm 34% giá trị.

Trái phiếu đồng USD lãi suất 8,1% và đáo hạn vào năm 2023 của Ronshine đã giảm từ 98% mệnh giá hồi tháng 7 xuống còn 74% trong tuần này.

Công ty bất động sản này đang có 3,2 tỷ USD trái phiếu đang lưu hành, trong đó một lô trái phiếu trị giá 150 triệu USD sẽ đến hạn vào ngày 3/12 tới.

Về tình hình tài chính, tiền và các khoản tương đương của Ronshine là 3,3 tỷ USD, còn nợ phải trả rơi vào khoảng 30 tỷ USD, tính đến ngày 30/6 năm nay.

Từ vụ Evergrande, rủi ro cấp vốn càng lộ rõ trong lĩnh vực địa ốc Trung Quốc - Ảnh 2.

Người dân tập trung bên ngoài trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến để yêu cầu "chúa nợ" hoàn trả các khoản vay và sản phẩm tài chính. (Ảnh: Reuters).

Yango Group

Yango đặt trụ sở tại Thượng Hải, có gần 300 dự án tại hơn 100 thành phố trên khắp Trung Quốc. Các dự án chính nằm ở tỉnh Phúc Kiến, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang.

Đầu tháng 9, Yango đã phải gửi một thông báo tới các nhà đầu tư để bác bỏ "tin đồn rằng tín phiếu và thương phiếu của công ty đã quá hạn thanh toán". Trái lại, họ khẳng định "các khoản vay tín chấp cũng như một số khoản nợ khác hiện tại đều được thanh toán bình thường".

Gần đây, Yango đã mua lại trái phiếu trên cả thị trường trong và ngoài nước. Fitch giữ nguyên xếp hạng của công ty với triển vọng ổn định.

Trái phiếu của Yangođang được xếp hạng B1/B+, lần lượt theo Moody's và Fitch Ratings. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Yango (niêm yết tại Thâm Quyến) đã sụt 34%.

Từ mức 103% mệnh giá hồi đầu năm nay, trái phiếu đồng USD lãi suất 7,5% và đến hạn vào năm 2025 của Yango đã tụt xuống còn 68% trong tuần này.

Tổng lượng trái phiếu đang lưu hành của Yango là khoảng 2,3 tỷ USD, với một lô trái phiếu khoảng 200 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng 1 năm sau.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương của công ty địa ốc này đạt 5,2 tỷ USD, trong khi nợ ngắn hạn khoảng 815 triệu USD, nợ dài hạn là 7,8 tỷ USD và nợ hợp đồng khoảng 13 tỷ USD.

Guangzhou R&F Properties

Guangzhou R&F được thành lập năm 1994, hoạt động kinh doanh gồm phát triển và quản lý bất động sản, dịch vụ khách sạn.

Công ty này hiện đã xây dựng hơn 450 dự án tại hơn 140 thành phố và khu vực trên toàn cầu, theo website riêng. Ngoài ra, theo báo cáo tài chính năm 2020, Guangzhou R&F còn sở hữu 91 khách sạn hạng sang do bên thứ ba quản lý.

Ngày 20/9 vừa qua, Guangzhou R&F đã công bố thỏa thuận nhận 1 tỷ USD cấp vốn ngắn hạn từ các giám đốc cấp cao, từ đó giúp công ty có đủ thanh khoản để hoàn thành các nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Moody's hạ xếp hạng của Guangzhou R&F vào đầu tháng do các rủi ro về tái cấp vốn.

Trái phiếu của Guangzhou R&F đang được xếp hạng B2/B+/B, lần lượt theo Moody's, Fitch và S&P. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của công ty (niêm yết tại Hong Kong) giảm 48%.

Từ mức 99% mệnh giá hồi tháng 7, một lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 của Guangzhou R&F đã giảm xuống còn 53% trong tháng này, sau đó hồi về 73% sau thông tin về thỏa thuận bơm 1 tỷ USD nói trên.

Tổng lượng trái phiếu đồng USD đang lưu hành của công ty bất động sản này là 5,1 tỷ USD, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hơp. Trong đó, một lô trái phiếu trị giá 725 triệu USD có thể mua lại vào tháng 1/2022.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, tiền mặt và các khoản tương đương của Guangzhou R&F là khoảng 2 tỷ USD, còn nợ phải trả là 51 tỷ USD.

China Aoyuan Group

Được thành lập năm 1996, Aoyuan có trụ sở tại Quảng Đông và trọng tâm hoạt động là khu vực Vịnh Lớn gồm tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Tuần này, Aoyuan cho biết có hai doanh nghiệp sẽ đầu tư tổng cộng 1 tỷ HKD mua 9,3% cổ phần của công ty. Một trong hai doanh nghiệp do Chủ tịch của Aoyuan kiểm soát. Tin tức này đã nâng đỡ giá cổ phiếu và trái phiếu của Aoyuan.

Trái phiếu của Aoyuan đang được xếp hạng B1/BB/B+, lần lượt theo Moody's, Fitch và S&P. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của công ty (niêm yết tại Hong Kong) đã giảm 48% giá trị.

Một trái phiếu đồng USD lãi suất 5,98%, đến hạn vào năm 2025 của Aoyuan đã giảm từ 96% mệnh giá vào tháng 6 xuống còn 72% trong tuần này.

Công ty có trụ sở tại Quảng Đông này có khoảng 3,2 tỷ USD trái phiếu USD đang lưu hành, trong đó một lô trái phiếu trị giá 188 triệu USD sẽ đến hạn vào tháng 1 năm sau.

Tính đến ngày 30/6, số dư ngân hàng và tiền mặt của Aoyuan là khoảng 9,4 tỷ USD, còn nợ phải trả là 40,7 tỷ USD.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.