Một ông lớn BĐS Trung Quốc gửi thư cầu cứu giữa lúc số phận 'bom nợ' Evergrande còn mờ mịt
Tập đoàn địa ốc Sunac đã đề nghị chính quyền thành phố Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang) cung cấp "hỗ trợ chính sách đặc biệt" vì hoạt động của doanh nghiệp này tại Thiệu Hưng gặp khó khăn, Bloomberg dẫn thông tin từ bức thư do một công ty con của Sunac gửi đi.
Bức thư không nêu chi tiết về hình thức hỗ trợ mà công ty con của Sunac yêu cầu. Song, đơn vị này cho biết kể từ tháng 6 năm nay, các chính sách nhà ở hà khắc hơn ở Thiệu Hưng đã giáng một đòn bất ngờ vào thị trường nhà đất, khiến doanh số và dòng tiền của một dự án sụt giảm.
Công ty con này còn cho biết thêm rằng tập đoàn Sunac nói chung cũng đang "phải vật lộn với những trở ngại lớn về dòng tiền và thanh khoản".
Cú lao dốc của thị trường nhà ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực này. Đồng thời, nó còn diễn ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng nợ tại tập đoàn Evergrande Group.
Trong tháng 8, doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã tụt khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020.
Tại thành phố Thiệu Hưng, Sunac đã đầu tư 7,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,2 tỷ USD) cho một dự án kết hợp du lịch, kinh doanh và nhà ở, nhưng kể từ khi mở bán từ tháng 8 đến nay họ chỉ bán được 1 - 2 căn mỗi tuần. Đến nay, tổng doanh số chỉ đạt khoảng 200 triệu nhân dân tệ.
"Tâm lý thị trường nhà ở gần như đã đóng băng", công ty con của Sunac chia sẻ trong bức thư. "Chúng tôi phải đối mặt với áp lực rất lớn".
Trong phiên giao dịch ngày 24/9, trái phiếu đồng USD của Sunac đã quay đầu giảm sau khi lá thư cầu cứu được lan truyền ra ngoài. Giá trái phiếu lãi suất 5,95% đến hạn vào năm 2024 ghi nhận mức kết phiên thấp nhất trong lịch sử của Sunac, theo dữ liệu của Bloomberg.
Nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Economics cho hay, doanh số bán nhà của Sunac đã suy yếu trong hai tháng 7 và 8. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của nhà phát triển bất động sản này đã được cải thiện trong năm nay và hiện họ vẫn tuân thủ hai trong ba "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh.
Năm ngoái, chính phủ đã soạn thảo một văn bản gọi là "ba lằn ranh đỏ", nói về các chỉ tiêu tài chính mà công ty bất động sản phải đáp ứng nếu muốn vay thêm. Evergrande vi phạm tất cả "ba lằn ranh đỏ" và không được tăng vay nợ.