|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc giúp thế giới hồi phục sau hai cuộc suy thoái trước nhưng sẽ không giúp được lần tới đây

06:02 | 08/10/2019
Chia sẻ
Trung Quốc từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế toàn cầu hồi sinh sau các cuộc suy thoái năm 2001 và 2008. Tuy nhiên lần này, tình thế đã rất khác so với trước kia.

Các chỉ báo suy thoái của Mỹ đang phát đi những hồi chuông báo động ngày càng to, nhưng còn có một yếu tố khác khiến cho thế giới càng thêm lo lắng: Trung Quốc sẽ không thể tham gia giải cứu trong lần suy thoái sắp tới.

Trong tuần vừa qua, chỉ số nhà quản trị mua hàng – thước đo hoạt động sản xuất chính của Mỹ - tụt xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Cũng trong tuần qua, số việc làm mới tại các doanh nghiệp tư nhân Mỹ tăng trưởng thấp hơn dự báo. Các tín hiệu này làm nhà đầu tư hết sức lo lắng và các chỉ số chứng khoán Mỹ nhanh chóng giảm sâu.

Theo Bloomberg, các nhà kinh tế đang lo ngại phải chăng nước Mỹ đã chạm đến ngưỡng tăng trưởng thấp nhất trước khi rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng này nhiều khả năng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc là một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đợt suy thoái tương đối nhẹ năm 2001 và cuộc khủng hoảng thảm khốc hơn năm 2008.

Sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008, Bắc Kinh đã tháo van tín dụng và cắt giảm lãi suất, thúc đẩy mạnh nhu cầu đủ loại mặt hàng từ than của Australia đến xe hơi của Đức.

Lần này, chính sách đó sẽ khó lặp lại. Sau lần giải cứu trước, Bắc Kinh đã phải gánh chịu hậu quả là khối nợ khổng lồ tích tụ và nhiều bong bóng tài sản phình to. Do vậy hiện nay, Bắc Kinh đang theo đuổi các chính sách tài khóa cũng như tiền tệ thận trọng.

Trong khoảng một năm qua, các cơ quan quản lí Trung Quốc thực thi một số biện pháp kích thích kinh tế nhưng chỉ làm một cách rất chừng mực. Nhiều nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc cắt giảm lãi suất chính sách nhưng đến nay dự đoán này chưa thành hiện thực.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa ưa thích giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc vì biện pháp này cho phép tập trung dòng tín dụng vào một số lĩnh vực kinh doanh nhất định. Rõ ràng, Trung Quốc không xả van ồ ạt.

Động thái này không mang lại triển vọng khả quan cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới – trong đó có Trung Quốc – phối hợp với nhau trong cắt giảm lãi suất. Sự tham gia của Bắc Kinh khiến Trung Quốc trở thành một tay chơi quan trọng trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Liệu Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa có thể vui vẻ hợp tác với Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa hay không? Chừng nào Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại vị và tiếp tục gây chiến thương mại với Trung Quốc thì khả năng là không cao.

Nhưng ông Trump từng chỉ trích cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Chủ tịch Fed Jerome Powell và gọi hai người này là kẻ thù của nước Mỹ. Biết đâu đấy, Fed và ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể tìm được tiếng nói chung về chính sách?

Tin tốt là cho dù Trung Quốc thực thi chính sách nào thì tác động của nó cũng sẽ là "siêu to khổng lồ". Giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hiện khoảng 14.200 tỉ USD, trong khi đó con số năm 2001 chỉ là gần 1.000 tỉ và năm 2007 là khoảng 4.000 tỉ.

Nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP), GDP của Trung Quốc vượt xa Mỹ và dẫn đầu thế giới với giá trị 27.300 tỉ USD, đóng góp 19,24% vào nền kinh tế toàn cầu.

Các tập đoàn Trung Quốc tiếp tục rót tiền đầu tư vào các nền kinh tế láng giềng và những tổ chức tín dụng do Bắc Kinh tài trợ như Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) có thể sẽ đẩy mạnh dòng vốn vào những nước gặp khó khăn.

china gdp growth

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quí của Trung Quốc kể từ khi có số liệu năm 1992 đến nay. Nguồn: SCMP/Cục thống kê Trung Quốc.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế các quí gần đây của Trung Quốc chỉ khoảng hơn 6%, không phải con số 15% hồi năm 2007 hay 10% của năm 2001. Những người ca ngợi mô hình phát triển của Trung Quốc giờ đây im ắng lạ thường.

Không phải cuộc suy thoái nào cũng giống năm 2007 và không phải lúc nào cũng kèm theo sự sụp đổ tài chính. Đợt suy thoái sắp tới, khi xảy ra, vẫn sẽ gây nhiều đau đớn nên nước Mỹ cần bắt đầu tìm kiếm một bạn chơi tin cậy, nhiệt tình để nương tựa.

Trung Quốc chắc hẳn không phải là người bạn đó, vì quốc gia tỉ dân lần này chẳng những không muốn mà còn không thể giúp được.

Song Ngọc

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.